Sản phẩm cuối cùng của KTNN là hệ thống báo cáo tài chính, trong đó cung cấp những thông tin cần thiết cho các đối tượng sử dụng đề ra được quyết định quản lý hay ứng xử phù hợp.
Theo PGS.TS. Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính), có thể nói rằng nội dung KTNN theo mô hình “Tổng Kế toán Nhà nước” là sự tổng hoà của nội dung kế toán của 5 mảng tài chính Nhà nước.
Kế toán thu, chi NSNN
NSNN là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước trong dự toán đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để đảm bảo thực hiện các chức năng của Nhà nước.
NSNN là một bộ phận của cải xã hội, là phần quan trọng của thu nhập quốc dân trong năm tài chính được tập trung vào trong tay Nhà nước dưới hình thức cưỡng bức theo luật định hoặc tự nguyện và chi dùng cho các mục đích kinh tế, chính trị và xã hội. Về nguyên tắc mọi khoản thu của NSNN phải vào kho bạc nhà nước (KBNN); mọi khoản chi của NSNN phải được cấp phát qua KBNN theo lệnh chi của cơ quan tài chính, của người chuẩn chi trên cơ sở dự toán chi NSNN đã được phê duyệt.
Từ ý nghĩa đó kế toán thu, chi NSNN, với tư cách là công cụ quản lý, làm nhiệm vụ phản ánh tổng hợp và kiểm tra từng khoản thu, chi NSNN.
Kế toán các khoản thu ngân sách bao gồm: Thu từ hoạt động kinh tế để cân đối ngân sách và thu vay nước ngoài để cân đối ngân sách: Thu từ hoạt động kinh tế phải chi tiết theo từng thành phần kinh tế (trung ương, địa phương), theo từng loại thu, từng khu vực thu (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khu vực tư nhân) và theo từng cấp quản lý ngân sách (NSNN, ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, ngân sách xã). Thu vay cân đối ngân sách phải chi tiết theo thu trong nước, thu vay nước ngoài, (Trong đó: thu vay nước ngoài chỉ kể phần vay để cân đối ngân sách, không kể phần vay để cho vay lại).
Kế toán các khoản chi NSNN bao gồm : chi cho đầu tư phát triển, chi trả nợ vay và viện trợ, chi phát triển kinh tế - xã hội và quản lý Nhà nước.
- Chi đầu tư phát triển là chi cho xây dựng cơ bản tập trung; ngoài ra, Nhà nước còn chi để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chi các quỹ hỗ trợ của Nhà nước, chi dự trữ và chi cho mục tiêu phát triển của đất nước.
- Chi trả nợ, viện trợ là chi trả nợ trong nước, chi trả nợ vay nước ngoài và chi viện trợ quốc tế.
- Chi phát triển kinh tế - xã hội là chi cho quốc phòng, an ninh quốc gia, chi phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục, khoa học công nghệ, môi trường…
- Các khoản chi khác của NSNN là khoản chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, chi bổ sung ngân sách cấp dưới, chi trợ cấp ngân sách cho các cấp.
Kế toán các quỹ tài chính Nhà nước
Kế toán các quỹ tài chính Nhà nước là kế toán các khoản thu, chi sử dụng các quỹ tài chính nhà nước như: Các quỹ dự trữ tài chính, quỹ hỗ trợ phát triển, quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm, quỹ tích luỹ trả nợ vay Nhà nước, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu…. Qua hạch toán để kiểm tra, giám sát việc hình thành sử dụng các quỹ tài chính và phân tích sử dụng hiệu quả các quỹ tài chính.
Kế toán các khoản nợ và viện trợ của Nhà nước
Nợ của Nhà nước gồm các khoản nợ nước ngoài, nợ trong nước, viện trợ của Nhà nước (viện trợ của Chính phủ các nước) và viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ. Cho đến nay ,việc quản lý và hạch toán nợ viện trợ chưa được tập trung về một mối và chưa được hạch toán đầy đủ.
Công tác tín dụng Nhà nước cũng được mở rộng thông qua việc phát triển các hình thức huy động vốn cho Nhà nước và tổ chức sử dụng vốn theo nguyên tắc có hoàn trả và có hiệu quả. Hạch toán viện trợ của Nhà nước chỉ mới thực hiện ở các dự án do Chính phủ nắm giữ. Các khoản viện trợ không có dự án hoặc dự án địa phương trực tiếp quản lý chưa được tổ chức hạch toán chặt chẽ. Tổ chức kế toán nợ của Nhà nước và viện trợ của Nhà nước cần được chuyển giao toàn bộ cho Tổng Kế toán nhà nước thực hiện.
Kế toán thu, chi đơn vị hành chính sự nghiệp
Hạch toán thu, chi của đơn vị hành chính sự nghiệp thực chất là thực hiện kế toán các khoản thu, chi cho các đơn vị có sử dụng kinh phí NSNN, đảm bảo các khoản thu, chi theo đúng Mục lục NSNN và sử dụng theo đúng dự toán được duyệt. Nội dung hạch toán này đảm bảo thực hiện nguyên tắc mỗi người chuẩn chi và kế toán các nội dung thu, chi đúng quyền của người chuẩn chi và sự kiểm tra giám sát hợp thức chi của người kế toán.
Kế toán tài sản Nhà nước
Đây là nhiệm vụ nặng nề và phức tạp, vấn đề đặt ra là cần hoàn thiện và làm rõ khái niệm tài sản Nhà nước. Cần phải mở rộng khái niệm này và làm rõ chức năng quản lý và chức năng kế toán Nhà nước đối với toàn bộ tài sản của Nhà nước.
Tài sản Nhà nước là nguồn tài sản lớn nhất trong nền kinh tế quốc dân, là nguồn lực tài chính tiềm năng của Nhà nước. Những năm qua, khối lượng tài sản công đã không ngừng tăng lên về khối lượng và giá trị. Do vậy, việc hạch toán chặt chẽ, đầy đủ mọi nguồn lực của quốc gia là điều không thể bỏ qua.
KTNN theo mô hình tổng kế toán Nhà nước
PGS.TS. Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán cho rằng, theo mô hình tổng kế toán Nhà nước, thì KTNN cần được tăng cường, hoàn thiện cả về tổ chức, phương pháp nghiệp vụ theo nguyên tắc: Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống KTNN. Đảm bảo hạch toán tập trung với tư cách của cơ quan tổng kế toán Nhà nước. Đảm bảo xử lý, tổng hợp và truyền tin hàng ngày trong phạm vi cả nước. Đảm bảo kiểm tra bên trong, bên ngoài ở cả 4 cấp, kiểm tra từng khoản thu, chi, từng đồng vốn, từng tài sản của Nhà nước. Đó là sự kiểm tra của tổng kế toán Nhà nước với tư cách là cơ quan trực tiếp kế toán thu và chi NSNN, kiểm tra của cơ quan Nhà nước về kiểm toán (Kiểm toán Nhà nước), kiểm tra của cơ quan lập pháp (Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội). Tổ chức kế toán theo “cơ sở dồn tích”, gắn với giá thị trường (Liên quan đến việc tính giá; xác định chênh lệch tỷ giá; khấu hao tài sản; xác định Nợ phải thu - phải trả;…); xác định các khoản thu - chi hoạt động tài chính Nhà nước, thông qua đó để xác định, tính toán kết quả hoạt động tài chính Nhà nước; xác định các luồng lưu chuyển tiền tệ để tính toán, phân tích, đánh giá các luồng lưu chuyển tiền tệ thuộc tài chính Nhà nước.
(Trung Kiên) - Theo taichinhdientu.vn