Mặt trái của bao cấp lãi suất
TCVM được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định cơ chế này không phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thời hội nhập.
Hoạt động TCVM ở nước ta được triển khai cách đây khá lâu, chủ yếu thông qua Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Phục vụ người nghèo (nay là Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam). Từ những năm 80 của thế kỷ 20, có thêm sự “góp sức” của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài, hoạt động TCVM đã đạt một số thành công nhất định, góp phần giảm tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam từ 20% năm 2006 xuống còn khoảng 9,45% năm 2010. Tuy nhiên, hầu như TCVM vẫn chỉ được coi là một công cụ xã hội, đơn thuần là tín dụng vi mô mang tính ưu đãi, bao cấp cho người nghèo.
Minh chứng rõ nhất là khi nhìn vào hoạt động TCVM của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, tổ chức tài chính chính thức duy nhất được trực tiếp ủy quyền thực hiện TCVM tại Việt Nam hiện nay, hoạt động với mục tiêu chủ đạo là cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ gia đình nghèo cũng như các cá nhân, tổ chức đủ tiêu chuẩn nhận phúc lợi và chính sách xã hội. Bằng nguồn vốn được cấp từ ngân sách Nhà nước (chiếm tỷ trọng 23%), vốn vay với lãi suất thấp (từ Ngân hàng Nhà nước, tiền vay và ứng trước của Kho bạc Nhà nước, tiền vay và nhận ủy thác nước ngoài) và nguồn vốn huy động theo lãi suất thị trường (bên cạnh tiền gửi của các tổ chức tín dụng Nhà nước, ngân hàng chủ yếu huy động từ các tổ chức tín dụng, số dư tiền gửi từ dân cư chỉ chiếm khoảng 1% tổng vốn huy động từ thị trường), tính từ năm 2006 đến nay, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho vay đã giúp cho trên 870.000 hộ thoát nghèo và mức dư nợ bình quân trên hộ nghèo đã được nâng từ 4,2 triệu đồng năm 2006 lên 8,7 triệu đồng hiện nay.
Tính đến 31/12/2009, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đạt 74.458 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước là 17.131 tỷ đồng, vốn vay lãi suất thấp là 30.476 tỷ đồng, còn vốn huy động lãi suất thị trường chỉ là 22.982 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, qua số liệu hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, số tiền cấp bù chênh lệch lãi suất huy động vốn của Nhà nước đã tăng qua các năm. Điển hình là năm 2009, ngân sách Nhà nước đã phải cấp bù 1.385 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2008.
Với xu hướng gia tăng nguy cơ tái nghèo tại Việt Nam thời kỳ “hậu khủng hoảng”, khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng ngày càng lớn (chênh lệch khoảng 13,5 lần giữa 10% số hộ giàu nhất so với 10% số hộ nghèo nhất; một số vùng như Nam Trung Bộ có tỷ lệ hộ nghèo của các dân tộc thiểu số lên tới trên 90%), nếu cứ tiếp tục duy trì việc lấy ngân sách Nhà nước để “bù lỗ” như vừa nêu thì con số hàng nghìn tỷ đồng còn tiếp tục được “nâng cao”, tạo áp lực lớn cho cán cân thu chi ngân sách.
Thêm vào đó, việc cho vay với lãi suất bao cấp trên một phạm vi rộng về lâu dài đặt ra quan ngại rằng ngày càng nhiều hộ chưa thực sự có nhu cầu sử dụng vốn vay nhưng vẫn xin vay và coi đó như một khoản trợ cấp, dẫn đến tình trạng sử dụng vốn vay không hiệu quả, nợ xấu tăng, tạo áp lực đáng kể lên ngân sách Nhà nước.
Bàn về vấn đề hoạt động TCVM, bà Quách Tường Vy, Trưởng Phòng Phi Ngân hàng, Vụ Quản lý và cấp phép, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nêu lên một bất cập đó là lãi suất cho vay của Ngân hàng mặc dù đã tăng (hiện là 7,8%/năm) nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động và lãi suất cho vay theo thị trường được áp dụng tại các tổ chức cung cấp TCVM khác.
“Chính sách bao cấp lãi suất không khuyến khích Ngân hàng huy động tiền gửi vì việc huy động tiền gửi với lãi suất thị trường và cho vay với lãi suất thấp sẽ làm gia tăng thua lỗ, quay trở lại tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước vì phải cấp bù số lỗ”, bà Vy nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc bao cấp không tạo ra sự bền vững về tài chính đối với ngân hàng, và việc ấn định giá rẻ trong dài hạn không lành mạnh và không đảm bảo sự bình đẳng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, sẽ là mối đe dọa cho các tổ chức TCVM có định hướng hoạt động chuyên nghiệp và bền vững trên thị trường.
Tuy nhiên, trong Dự thảo Đề án Xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020, thì định hướng của giai đoạn 2016 – 2020 vẫn là “Bộ Tài chính sẽ đề xuất xây dựng các quy chế về cơ chế tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo hướng tập trung hỗ trợ cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách không có khả năng lao động tạo thu nhập thường xuyên để trả nợ theo cơ chế thị trường; xây dựng cơ chế cấp tín dụng ưu đãi theo hướng khuyến khích, giáo dục người nghèo thói quen quản lý tài chính, giúp họ biết cách xây dựng kế hoạch kinh doanh, từng bước tiếp cận việc vay trả nợ theo lãi suất thị trường”.
Phản biện lại định hướng đó, bà Lê Thị Lân, Giám đốc CFRC cho rằng cơ chế tín dụng bao cấp lãi suất cho người nghèo không phù hợp với chủ trương đẩy mạnh tiến trình thị trường hóa của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng như các ngân hàng tham gia hoạt động TCVM. Với quan điểm cho rằng TCVM cần được nhìn nhận như một lĩnh vực riêng nằm trong hệ thống tài chính – ngân hàng quốc gia, cần được khuyến khích phát triển theo hướng bền vững, không cần trợ cấp để bù lỗ, các chuyên gia tài chính - ngân hàng khuyến nghị sớm xóa bỏ cơ chế bao cấp lãi suất cho người nghèo tham gia hoạt động TCVM.
Hàng loạt khó khăn, thách thức khác
Nghiên cứu xây dựng Đề án Xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020, Nhóm Công tác TCVM Việt Nam (MFWG) đã chỉ ra hàng loạt khó khăn, thách thức đối sự phát triển ngành TCVM.
Thứ nhất, từ góc độ vĩ mô, hiện vẫn chưa có chiến lược quốc gia toàn diện đề ra tầm nhìn, mục tiêu và định hướng dài hạn làm căn cứ cho các cơ quan quản lý, các nhà tài trợ trong và ngoài nước, các tổ chức tín dụng, tổ chức thực hành TCVM xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động; thiếu sự liên kết mang tính hệ thống giữa các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực TCVM, giữa khu vực các tổ chức tín dụng và khu vực phi chính phủ.
Thứ hai, từ góc độ môi trường pháp lý, đối với việc hỗ trợ cung cấp các dịch vụ ngân hàng (tín dụng, tiết kiệm, thanh toán), Luật Các tổ chức tín dụng đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, nhưng để thực thi Luật trong lĩnh vực TCVM, các Bộ, ngành cần tiến tục nghiên cứu, ban hành và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ (hiện vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý khuyến khích các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng tham gia cung cấp các sản phẩm, dịch vụ TCVM).
Một chuyên gia tài chính phân tích: Xuất phát từ đặc thù của TCVM là cho vay món nhỏ nên chi phí quản lý rất cao. Điều này khiến cho hầu hết các ngân hàng không mặn mà với việc triển khai mảng hoạt động TCVM. Thêm vào đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa có quy định riêng để khuyến khích các ngân hàng tham gia vào thị trường TCVM. Do vậy, ngoại trừ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, hầu như chưa ngân hàng nào có chiến lược rõ ràng tập trung vào phân đoạn thị trường này.
Một khó khăn khác liên quan tới vấn đề môi trường pháp lý đó là quy định về giới hạn lãi suất vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Theo nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng, quy định này là một thách thức lớn đối với các tổ chức ở khu vực phi chính phủ muốn hoạt động bền vững. Với đặc thù của hoạt động TCVM là chủ yếu cho vay món nhỏ cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, các tổ chức TCVM cần phải được phép áp dụng mức lãi suất cho vay đủ cao (thường gấp khoảng 2 lần so với lãi suất của các ngân hàng thương mại) mới có thể bù đắp được các khoản chi phí quản lý và các chi phí khác. Đây là vấn đề mà nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nỗ lực xử lý để có thể hỗ trợ cho hoạt động TCVM phát triển chuyên nghiệp, bền vững.
Thứ ba, từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, mặc dù Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ giao xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng, các Nghị định dưới Luật và thực hiện quản lý Nhà nước đối với các tổ chức này, thế nhưng đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới ngay cả đối với hầu hết cán bộ Ngân hàng Nhà nước. Bản thân cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng còn thiếu kinh nghiệm, kiến thức về thanh tra, giám sát hoạt động TCVM, cần phải được đào tạo cơ bản về TCVM mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Mặt khác, đặc thù của hoạt động TCVM là vô cùng đa dạng, nhỏ lẻ, nằm cả ở những địa bàn xa xôi, kém phát triển, không có đầu mối tập trung báo cáo, quản lý (nhiều chương trình, dự án chỉ được quản lý bởi cấp chính quyền cơ sở - cấp xã). Rất nhiều chương trình, dự án đang hoạt động TCVM vẫn áp dụng các phương pháp hạch toán, kế toán theo phương thức thủ công. Điều này khiến cho việc điều tra, khảo sát và thu thập số liệu về hoạt động TCVM trên địa bàn cả nước vẫn là một thách thức lớn, gây khó khăn cho công tác hoạch định chính sách quản lý vĩ mô đối với lĩnh vực TCVM.
Thứ tư, từ góc độ của các nhà tài trợ, nguồn vốn tài trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ đang có xu hướng giảm dần, đặc biệt là sau năm 2010, Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Các nhà tài trợ gần đây có xu hướng khuyến khích các hoạt động TCVM theo hướng bền vững, tăng cường cấp vốn dưới các hình thức thương mại như cho vay, bảo lãnh vay đối với các tổ chức có hoạt động TCVM trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức này. Việc tài trợ dưới hình thức cấp vốn không hoàn lại không được khuyến khích và chủ yếu chỉ kèm theo các khoản vay nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho chính tổ chức TCVM.
Trong khi đó, các chương trình TCVM ở khu vực phi chính phủ hiện vẫn rất thiếu sự liên kết và thống nhất về mô hình, phương pháp tiếp cận. Nhiều dự án TCVM mang tính thử nghiệm, tự phát nên đa dạng, manh mún, cán bộ kiêm nhiệm không có tính chuyên nghiệp. Một số tổ chức do thiếu thông tin, thiếu kỹ năng quản trị điều hành đã định hướng sai mô hình, quản lý tài chính yếu kém, không an toàn, và vì vậy đã không thể tiếp tục hoạt động được sau khi nhà tài trợ rút khỏi chương trình, bàn giao cho địa phương tự quản lý.
Bộ Tài chính đóng góp gì?
Hiện có 97 tổ chức phi chính phủ (NGO) hỗ trợ hoạt động TCVM tại Việt Nam. Cả nước có 300 tổ chức TCVM, chủ yếu do Hội Phụ nữ quản lý. Quy mô trung bình khoản vay TCVM là 1,5 - 3 triệu đồng. Đã có hơn 400.000 khách hàng sử dụng dịch vụ TCVM. Trong đó, 36 tổ chức TCVM tiêu biểu đã có tới gần 150.000 khách hàng.
|
Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển hoạt động TCVM đến năm 2020 là xây dựng một ngành TCVM phát triển an toàn, bền vững nhằm tạo cơ hội cho đa số người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp vi mô, doanh nghiệp nhỏ - những đối tượng rất khó tiếp cận được với các dịch vụ tài chính - có thể thường xuyên được tiếp cận với các dịch vụ này. Để hiện thực hóa được mục tiêu này, cần sự tham gia của rất nhiều Bộ, ngành, đơn vị, tổ chức… Trong đó, Bộ Tài chính nắm giữ một vai trò rất quan trọng.
Dự kiến từ 2011 - 2016, Bộ Tài chính phải xây dựng cơ chế tài chính, chế độ hạch toán, kế toán, chế độ thuế và các hướng dẫn khác tạo hành lang pháp lý đầy đủ theo hướng khuyến khích phát triển hoạt động TCVM; Nghiên cứu và đề xuất khuôn khổ pháp lý phù hợp cho hoạt động bảo hiểm vi mô nhằm khuyến khích phát triển hoạt động này theo hướng chuyên nghiệp; Chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đánh giá mặt được/hạn chế của chính sách bao cấp tín dụng cho người nghèo hiện nay; Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tổng kết, đánh giá và phân loại các sản phẩm, nhóm chương trình cần phải được Chính phủ hỗ trợ, từng bước phân định các hoạt động thuần túy chính sách và các hoạt động kinh doanh trên cơ sở có thể tự cân bằng thu - chi.
Từ 2016 - 2020: Bộ Tài chính đề xuất xây dựng các quy định về cơ chế tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo hướng: Tập trung hỗ trợ cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách không có khả năng lao động tạo thu nhập thường xuyên để trả nợ theo cơ chế thị trường; Xây dựng cơ chế cấp tín dụng ưu đãi theo hướng khuyến khích, giáo dục người nghèo có thói quen quản lý tài chính, giúp họ biết cách xây dựng kế hoạch kinh doanh, từng bước tiếp cận việc vay trả nợ theo lãi suất thị trường. Đặc biệt, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ về khả năng thiết lập một tổ chức đặc biệt của Nhà nước có chức năng là đầu mối tập hợp các nguồn vốn dành cho TCVM và cho vay bán buôn đến các tổ chức TCVM, các chương trình, dự án TCVM có nhu cầu sử dụng nguồn vốn này để mở rộng tín dụng vi mô, đồng thời tạo thêm đầu mối giám sát tính hiệu quả của tổ chức, chương trình TCVM thông qua việc thẩm định hồ sơ vay vốn.
Với sự nỗ lực cùng vào cuộc của Chính phủ, các Bộ ngành hữu quan, tin rằng TCVM sẽ là thành phần quan trọng để thúc đẩy sự phát triển thị trường tài chính trong nước, giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài trước bối cảnh nguồn vốn nước ngoài ngày càng suy giảm và đắt đỏ, qua đó duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế cần thiết cho Việt Nam.
(Ngọc Mai) - Theo taichinhdientu.vn