Về chính sách tài khóa
- Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu thuế nhất là các khoản thu liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản, tài nguyên khoáng sản, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, phấn đấu tăng thu ít nhất 7-8% dự toán Quốc hội quyết định.
- Giám sát chặt chẽ việc cắt giảm các khoản đầu tư công, phân bổ việc sử dụng trái phiếu Chính phủ và tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, thu hồi các khoản đầu tư tại các dự án vi phạm, tập trung cho các công trình, dự án cấp bách. Sử dụng các khoản tiết kiệm chi thường xuyên, dự phòng ngân sách để tăng chi đảm bảo ASXH, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh phát sinh ngoài dự toán.
- Ưu tiên sử dụng các khoản tăng thu để trả nợ, giải quyết các nhiệm vụ cấp bách và để giảm bớt chi ngân sách, phấn đấu mức bội chi ngân sách 2011 ở mức 4,9% GDP (Chỉ tiêu Quốc hội giao 5,3% GDP).
- Tổ chức triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả việc miễn, giãn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân theo Nghị quyết 08/2011/QH13 của Quốc hội.
- KBNN kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu công, đồng thời giải quyết nhanh chóng các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ giải ngân các loại, mục chi theo quy định của Nghị quyết 11/NQ-CP.
Về kiểm soát giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát
- Sử dụng đồng bộ các cơ quan chức năng của Bộ, phối hợp với Bộ Công Thương, các cấp chính quyền địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá, tổ chức các đoàn kiểm tra do lãnh đạo Bộ dẫn đầu tại các tỉnh, thành phố trọng điểm và các thời điểm quan trọng, nhất là dịp lễ, tết.
- Cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường trong nước, thế giới, kiên trì thực hiện nguyên tắc giá thị trường đối với các mặt hàng điện than, xăng dầu để theo liều lượng và thời điểm phù hợp mục tiêu kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ và minh bạch chi phí, giá thành.
Về các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu.
- Tiếp tục rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách về thu, cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế nhằm khuyến khích xuất khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu.
- Sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, phí, lệ phí và các biện pháp thích hợp để phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ.
Về thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội
- Đảm bảo đủ kinh phí, thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng thụ hưởng chính sách.
- Phối hợp với Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội tổ chức chi trả kịp thời trợ cấp khó khăn, tiền lương, lương hưu và trợ cấp xã hội theo mức tiền lương tối thiểu mới (830.000 đồng/tháng từ 1/5/2011); tăng cường kiểm tra giám sát việc hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo theo Quyết định 268/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Dành một phần thích đáng số vượt thu năm 2011cho các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời, Bộ Tài chính tăng cường đề cao tinh thần trách nhiệm công chức, công vụ, người đứng đầu. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị trong ngành, phối hợp chặt chẽ đồng bộ, thường xuyên với chính sách tiền tệ, ký và triển khai hiệu quả quy chế phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Thực hiện tổ chức tốt công tác thông tin tuyên truyền. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí thông tin đầy đủ, kịp thời, xác thực về sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Bộ, đặc biệt là chính sách điều hành giá cả các mặt hàng quan trọng, tạo sự đồng thuận xã hội, giảm thiểu các yếu tố tâm lý, kỳ vọng tăng giá trên thị trường.
theo mof.gov.vn