Tư duy hành động
Bước vào đầu năm 2011, ngành Hải quan thực hiện công bố Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh khẳng định, đây là lần đầu tiên ngành có được một chiến lược tổng thể, dài hơi định hướng cho phát triển. Trước đây, ngành chỉ có các kế hoạch ngắn từng năm, 5 năm. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đạt chuẩn mực quốc tế, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu tập trung, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Về thực hiện thủ tục hải quan điện tử (HQĐT), đến năm 2015, 100% các cục hải quan, chi cục hải quan tại các địa bàn trọng điểm, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các khu kinh tế, 60% các loại hình hải quan cơ bản, 70% kim ngạch xuất nhập khẩu, 60% DN thực hiện thủ tục HQĐT. Đến năm 2020, 100% các loại hình hải quan cơ bản, 90% kim ngạch xuất nhập khẩu, 80% DN thực hiện HQĐT. Tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa đến năm 2015 là dưới 10% và đến 2020 phấn đấu đạt dưới 7%. Tỷ lệ các giấy phép xuất nhập khẩu thực hiện trong cơ chế một cửa hải quan quốc gia đến năm 2015 là 50% và đến 2020 là 90%.
Tiếp đến, để cụ thể chiến lược nêu trên, cuối tháng 2/2011, Tổng cục Hải quan công bố Tuyên ngôn phục vụ khách hàng, cam kết trước cộng đồng về sự thay đổi cơ bản trong hoạt động hải quan. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái, trước đây, ngành Hải quan đã đưa ra phương châm hành động “Thuận lợi – Tận tụy – Chính xác” nhưng phương châm hành động trong Tuyên ngôn “Chuyên nghiệp – Minh bạch và Hiệu quả” được thay đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phù hợp với sự mong đợi của cộng đồng. Cụ thể: tiếp nhận, giải quyết tờ khai hải quan trong vòng 30 phút, giải quyết hồ sơ miễn thuế trong 10 ngày, trả lời vướng mắc, khiếu nại trong 5 ngày, giúp người dân, doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu có thể giảm đáng kể thời gian, chi phí khi làm thủ tục hải quan. Đây là thước đo để DN căn cứ để đối chiếu với các hành vi của công chức hải quan và hiệu quả trong quá trình tác nghiệp.
Tạo bứt phá mới…
Kế tiếp với Tuyên ngôn phục vụ khách hàng và đẩy mạnh hải quan điện tử, ngành Hải quan với muốn tạo một hình ảnh mới, sự bứt phá mới, cuối tháng 7/2011, Tổng cục Hải quan chính thức công bố triển khai chương trình thí điểm chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với DN đủ điều kiện theo tinh thần của Thông tư 63/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực ngày 27/6/2011), 9 DN đầu tiên đã được Tổng cục Hải quan trao chứng nhận DN ưu tiên. Các DN này sẽ được miễn kiểm tra trong và sau thông quan, áp dụng chế độ hoàn thuế trước, thanh khoản trước, kiểm tra sau, được thực hiện thủ tục hải quan điện tử 24/24, 7/7 ngày, khai hải quan một lần để XK, NK nhiều lần…Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiến đánh đánh giá, lựa chọn các DN ưu tiên, phấn đấu đến hết năm 2011 sẽ có khoảng 40-50 DN được áp dụng chế độ ưu tiên.
Theo Tổng cục Hải quan, việc tiến hành hiện đại hóa hải quan đang được tiến hành thuận lợi, thực hiện HQĐT đạt kết quả đề ra. Đến hết tháng 7, HQĐT được thực hiện tại 13 cục va 80 chi cục, thu hút 42.381 DN tham gia. Kết quả thực hiện HQĐT với 2 chỉ tiêu quan trọng là kim ngạch và tờ khai của toàn ngành đạt khoảng 66%.
Để thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh, ngành đã có các phương án đầu tư cụ thể, đó là sử dụng hợp lý tỷ lệ 1,9% thuế hải quan thu hàng năm theo Quyết định 16/2011/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Hải quan giai đoạn 2011-2015 để triển khai thực hiện nhiệm vụ; xây dựng cơ chế xã hội hóa bằng hình thức như huy động DN xây dựng cơ sở vật chất cho hải quan sử dụng có trả phí và huy động sự giúp đỡ của hải quan các nước./.
theo mof.gov.vn