PV: Thưa Bộ trưởng, để góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có các chính sách đồng bộ nào để thực hiện chủ trương trên?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Để thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Bộ Tài chính đã có nhiều chính sách, giải pháp tài chính tổng hợp. Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính cũng đã sớm ban hành chương trình hành động cụ thể về lĩnh vực này.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các địa phương và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng, ban hành các cơ chế ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cụ thể, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 của Chính phủ, tùy theo mức độ ưu đãi mà được giảm hoặc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Thực hiện miễn thủy lợi phí đối với hộ gia đình, cá nhân có đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối trong hạn mức giao đất nông nghiệp…
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương, nâng cấp đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn. Theo đó, hàng năm trung ương đã dành cho các địa phương được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam với lãi suất 0% để thực hiện chương trình này.
Song song với đó, Bộ cũng đã bố trí kinh phí để các bộ, cơ quan Trung ương xây dựng các đề án, chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo phân công tại Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26. Nhờ đó mà hầu hết các đề án, chính sách đã được các bộ, cơ quan Trung ương hoàn thành đúng tiến độ như cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; đề án hỗ trợ người nghèo về nhà ở; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại các vùng khó khăn theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Đồng thời, hàng năm ngân sách Trung ương cũng bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, chương trình, nhiệm vụ, dự án quan trọng, trong đó có nhiệm vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân…; bố trí kinh phí bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi cho các đối tượng nghèo.
Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương đã thực hiện hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và dịch bệnh, chỉ tính riêng trong 3 năm (2008 – 2010) số tiễn hỗ trợ này đã lên tới 11.217 tỷ đồng, chưa kể hàng trăm nghìn tấn gạo hỗ trợ hộ nghèo nhằm cứu đói giáp hạt và bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Tôi cũng nói rõ thêm, trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, Bộ Tài chính được phân công chủ trì thực hiện 2 đề án là sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách và Đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Các đề án này đều đang được xây dựng với định hướng: ưu tiên phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
PV: Việc thực hiện thí điểm Đề án bảo hiểm nông nghiệp đang được xã hội rất quan tâm trong điều kiện đất nước vẫn còn 70% dân số sống ở nông thôn, 56% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Xin Bộ trưởng cho biết Đề án này đang được triển khai thực hiện đến đâu?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Đối với Đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Bộ Tài chính đã tiến hành khảo sát để xác định cây trồng, vật nuôi và địa bàn thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương hoàn chỉnh Đề án thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011- 2013 trình Thủ tướng chính phủ. Qua đó, nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 80%; hộ nông dân không thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 60%; các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm. Hiện, Bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 315/QĐ- TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho giai đoạn này. Theo đó, Bộ đang phối hợp với Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành quy định triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định như: quy tắc, biểu phí bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm; hướng dẫn cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm BHNN…
PV: Nghị quyết 26 đã nêu rõ “tăng mạnh đầu tư ngân sách Nhà nước ngay từ năm 2009 và đảm bảo 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước”. Vậy, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiệm vụ đó, cụ thể qua “ các con số biết nói” như thế nào trong dự toán NSNN những năm qua, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Có thể nói, dự toán ngân sách Nhà nước chi cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng với tốc độ cao qua từng năm. Cụ thể, dự toán chi cho lĩnh vực này năm 2009 tăng 34,7% so với năm 2008 và năm 2010 tăng 29,7% so năm 2009; năm 2011 tăng 26,5% so dự toán 2010; nâng tỷ trọng chi cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn so tổng chi NSNN tăng từ 39,3% năm 2010 lên 39,8% năm 2011.
Với việc đảm bảo bố trí chi từ NSNN cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có tốc độ tăng cao hơn tăng chi chung của NSNN, do đó đã tăng tỷ trọng chi cho nông nghiệp, nông thôn so tổng chi NSNN từ 32,8% (năm 2008) lên 39,8% năm 2011, bảo đảm mục tiêu Nghị quyết Trung ương 7 đề ra.
PV: Chủ trương của Đảng, Chính phủ là đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Vậy, trong phạm vi nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện những biện pháp gì để hoàn thành mục tiêu này?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Tôi cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn. Bên cạnh việc thực hiện các đề án theo phân công của Chính phủ, định hướng ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ được Bộ Tài chính tập trung hướng vào việc tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về thu tiền sử dụng đất, về thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN nhằm khuyến khích đầu tư, nhất là các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến nông sản thực phẩm sau thu hoạch, dự án đầu tư vào các vùng đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu. Thực hiện rà soát các khoản phí, lệ phí thuộc lĩnh vực nông nghiệp và các loại phí, lệ phí người nông dân phải đóng khi được cung cấp các dịch vụ công để đề xuất miễn, giảm cho nông dân.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua chương trình kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề nông thôn. Ưu tiên vốn tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề thu hút nhiều lao động, các dự án phục vụ chế biến, bảo quản xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản nhằm giải quyết việc làm cho nông dân thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất lao động, giảm giá thành, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…
Việc bố trí ngân sách, kể cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, cũng sẽ được ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó chú ý thực hiện các chính sách: ưu tiên bố trí ngân sách phát triển đầu tư nông nghiệp, nông dân , nông thôn tại các vùng khó khăn theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, quyết định của Thủ tướng… Bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên bố trí vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí ngân sách thông qua các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy các vùng nghèo, vùng khó khăn phát triển, đồng thời tạo cơ chế cho các vùng có điều kiện phát trển kinh tế - xã hội thu hút nguồn lực tài chính để tự phát triển…
Song song với đó, các địa phương chủ động bố trí cân đối ngân sách (theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước) bao gồm cả vốn đầu tư và vốn thường xuyên cho phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, tăng cường cho công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư…
Đồng thời, Bộ cũng ưu tiên dành nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn thu từ sổ xố kiến thiết và nguồn cân đối ngân sách địa phương để đầu tư cho giao thông liên vùng, thủy lợi, kiên cố hóa trường lớp học, khám chữa bệnh…, mới đây, làm việc với Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, đặt trong mối quan hệ tổng thể của tình hình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tổng Bí thư đã chỉ rõ, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, trang bị kiến thức cho nông dân, tạo điều kiện để nông dân phát huy vai trò làm chủ của mình, tôi cho rằng đó chính là điều cốt lõi.
Với chính sách tài chính tổng hợp từ việc miễn, giảm thuế, hỗ trợ từ ngân sách đối với sản xuất nông nghiệp, sản phẩm hàng hóa sản xuất từ khu vực nông thôn, đến ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, với cơ chế huy động và quản lý tài chính cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn mới một cách hợp lý và cùng với các chính sách khác; nhất là sự vào cuộc sâu sát của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện các chính sách đã ban hành sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp nông thôn và nông dân.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
PV
(theo mof.gov.vn)