Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh - Bài 1: Tín hiệu tích cực
Ngày cập nhật 13/05/2014

 (TTH) - Hoạt động kinh tế toàn cầu có chuyển biến tích cực kể từ giữa năm 2013. Kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Thừa Thiên Huế ghi dấu ấn lớn với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 ở vị trí thứ 2, trong 63 tỉnh thành của cả nước... Đây là cơ hội dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh tại Thừa Thiên Huế nói riêng, cả nước nói chung.

 Tại hội thảo có chủ đề “Kinh tế hội nhập và kết nối - Cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp” được tổ chức hôm 14-4 vừa qua tại thành phố Huế, chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương (người từng có kinh nghiệm tư vấn về kinh tế cho Quốc hội Mỹ), Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển lịch sử trong vòng 10 năm tới, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình mà nhiều nước đi trước bị vuột mất. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử của đất nước mà người dân Việt có nhiều cơ hội, có sự khát khao làm giàu, có một “tỷ lệ dân số vàng” (trẻ, năng động, tương đối với dân số đang già đi), có một lợi thế thu hút đầu tư từ nước ngoài và ngay ở trong nước như ngày hôm nay.

Sản xuất may công nghiệp tại Công ty CP Dệt May Huế

Nhìn lại tình hình kinh tế - xã hội của đất nước năm qua cho thấy, đã có những chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát được kiềm chế, giá cả thị trường khá ổn định. Lãi suất tín dụng giảm, cùng với nhiều biện pháp miễn, giảm, giãn thuế đã gỡ bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng đã có những chuyển biến khả quan; thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định. Cán cân thanh toán có kết dư, bảo đảm nguồn cung ngoại tệ. Dấu hiệu để cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ; tiếp tục tạo điều kiện tăng trưởng. GDP cả năm 2013 tăng khoảng 5,4% so với năm 2012, đạt mục tiêu tổng quát đề ra là tăng trưởng cao hơn năm 2012 (5,25%). Nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn... Trong Quý I năm nay, tăng trưởng GDP ước đạt 4,96%; cao hơn Quý I năm 2013 và Quý I năm 2012 (Quý I năm 2013 là 4,76%; Quý I năm 2012 là 4,75%)

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng từ 3,0% năm 2013 lên 3,6% năm 2014 và 3,9% năm 2015. Theo ông, hoạt động kinh tế toàn cầu có chuyển biến tích cực kể từ giữa năm 2013, với sự đóng góp quan trọng của phục hồi tăng trưởng tại các nước phát triển. Sản xuất công nghiệp và thương mại toàn cầu tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế tại các nền kinh tế mới nổi tuy được cải thiện nhưng không mạnh vì tác động của 2 lực. Một là, tăng trưởng xuất khẩu mạnh hơn nhờ tình hình kinh tế cải thiện ở các nước phát triển và giảm giá nội tệ; hai là, đầu tư yếu, dòng vốn nước ngoài chảy vào giảm và tình hình tài chính thắt chặt. Dự báo trong năm 2014-2015, lạm phát toàn cầu sẽ ở mức thấp; tăng trưởng vẫn dưới tiềm năng ở các nước phát triển; song, tổng cầu nội địa ở các nền kinh tế mới nổi vẫn còn yếu...
Ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế tăng từ 5,2% năm 2012 lên 5,4% năm 2013; dự báo sẽ lên 5,6% năm 2014 và 5,7% năm 2015. Cũng theo đánh giá của chuyên gia, rủi ro khủng hoảng kinh tế đã không còn; tình hình vĩ mô được cải thiện; lạm phát thấp; tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối gia tăng... Điều đáng ghi nhận là, sau một năm nỗ lực của Chính phủ về tái cơ cấu kinh tế, tỷ lệ tổng đầu tư trên GDP đã giảm từ mức bình quân 39% trong giai đoạn 2005-2010 xuống còn 30% năm 2013. Đi liền với xu hướng giảm đầu tư là tín dụng cũng giảm so với quy mô của nền kinh tế. Tỷ lệ tín dụng ngân hàng so với GDP đã giảm từ đỉnh cao 136% năm 2010 xuống còn 100% năm 2013.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật của nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế trong nước sau thời gian dài suy thoái, động lực thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2014 còn thể hiện trong trái phiếu Chính phủ. Đây là nguồn lực để tài trợ cho các dự án, công trình dở dang. Ngoài ra, hạ lãi suất, xử lý nợ xấu tại các ngân hàng, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đồng vốn, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho xã hội... Nền kinh tế trong nước còn có nhiều cơ hội mới để phát triển trong xu thế hội nhập. Một loạt các đàm phán thương mại giữa Chính phủ ta với các nước đã diễn ra trong thới gian qua, như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (VN-EU FTA), Hiệp định giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do châu Âu (VN-EFTA FTA.)... đã mở ra một thị trường rộng lớn, có thể dùng hội nhập thương mại và đầu tư quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng và cải cách.
Cùng với việc mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, ở trong nước, Chính phủ vẫn đang tiến hành một loạt giải pháp về tiếp tục củng cố, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi nhịp độ tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội... Đây là mục tiêu căn bản trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014 và cũng là mục tiêu chung trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn còn lại của kế hoạch 5 năm 2011-2015 ở Việt Nam.
 
Bài 2: Thừa Thiên Huế và những lợi thế phát triển
Bài, ảnh: Đặng Thành-baothuathienhue
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 7
Chung nhan Tin Nhiem Mang