Đây là nhận định của hầu hết chuyên gia tại hội thảo khoa học “Thách thức kinh tế vĩ mô, khó khăn thanh khoản của nền kinh tế và giải pháp cho doanh nghiệp” vừa diễn ra ngày 28/6 tại Hà Nội.
Những điểm sáng
Kinh tế vĩ mô đã dần ổn định thể hiện rõ ở tỷ lệ lạm phát thấp, tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới chỉ tăng 2,78% so với tháng 12 năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Cán cân thanh toán quốc tế đang có chiều hướng tích cực, trong đó cán cân thương mại quý I, quý II/2012 đã được cải thiện rõ rệt.
Thị trường ngoại hối đã được kiểm soát, tỷ giá giữ được ổn định, thể hiện qua tỷ giá VND/USD bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố áp dụng ổn định suốt từ đầu năm. Tình trạng đô la hóa nền kinh tế đã được hạn chế và không còn là vấn đề đáng lo ngại khi mà niềm tin của người dân vào đồng VNĐ đang dần trở lại, thể hiện qua tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn tiếp tục gia tăng cho dù NHNN liên tục giảm lãi suất huy động. Bên cạnh đó, thị trường vàng được quản lý tốt hơn và vàng miếng đang dần bị loại khỏi ra khỏi chức năng thanh toán và mua bán có điều kiện. Thống kê của NHNN cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm, dự trữ ngoại hối đã tăng hơn 30% so với cuối năm 2011.
Khu vực sản xuất các mặt hàng thiết yếu cơ bản trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp như lương thực nông sản thực phẩm và lĩnh vực xuất khẩu vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo được an sinh xã hội.
Có thể nói, trong 6 tháng đầu năm 2012, nền kinh tế Việt Nam dù có tốc độ tăng trưởng chậm với việc nhiều chỉ tiêu tăng trưởng thấp so với cùng kỳ và với mục tiêu kế hoạch nhưng đã và đang dần ổn định và một số dấu hiệu cho thấy nếu điều hành tốt nền kinh tế có thể dần thoát dần ra khỏi khó khăn và tạo đà cho tăng trưởng cho những năm tới.
Thách thức phía trước
Bên cạnh những điểm sáng của nền kinh tế, PGS.TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực về kinh tế vĩ mô nhưng cũng xuất hiện một số khó khăn của nền kinh tế đang nổi lên cần phải giải quyết như tăng trưởng kinh tế giảm hơn cùng kỳ và mức bình quân 2011, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch. Mục tiêu tăng trưởng năm 2012 mà Quốc Hội đề ra từ 6 đến 6,5% là rất khó khả thi, khi mà tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm mới đạt 4,5% (quý I là 4,14%).
Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) cũng gặp rất nhiều khó khăn dẫn tới sản xuất thu hẹp, tỷ lệ thua lỗ, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản ngày càng cao; chỉ số sản xuất và tiêu thụ của ngành công nghiệp tăng thấp, chỉ số tồn kho cao. Theo số liệu phân tích hơn 700 DN niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán cho thấy sự sụt giảm mạnh của lợi nhuận so với với năm trước và khả năng phá sản tăng cao với chỉ số thu nhập trên vốn đầu tư - ROIC giảm từ 11,5% năm 2011 xuống 5,5% quý I/2012, tỷ lệ khả năng phá sản tăng từ 28,1% năm 2008 lên 35,1% năm 2012.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê trên 256.000 tờ khai trong tổng số khoảng 446.000 DN đang hoạt động trên cả nước quý I cho thấy có khoảng 70% số DN đang thua lỗ và giá trị lên tới gần 40.000 tỷ đồng.
Đối với vấn đề này, TS. Phạm Đỗ Chí, Chuyên gia dự án USAID/Star Plus cho rằng: Sự phá sản của các DN là hệ lụy của chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng đó cũng là một sự sàng lọ sáng tạo để tạo ra một thế hệ các DN mới có kỹ năng quản lý rủi ro và hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Vì vậy, để hỗ trợ hình thành một hệ thống DN mới, Nhà nước cần tiếp tục lành mạnh hóa các biện pháp quản lý hành chính DN từ việc thành lập đến quản lý DN. Đồng thời, tiếp tục cải tổ hệ thống tài chính ngân hàng, cố gắng giảm thêm lãi suất huy động xuống hơn để giúp DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Một khó khăn nữa đó là, tính từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất của toàn ngành công nghiệp luôn ở mức thấp, thậm chi trong quý I vừa qua chỉ số này còn có mức tăng trưởng âm. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất của toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ, trong 6 tháng đầu năm 2011, con số này là 9,7%.
TS. Phạm Đỗ Chí, Chuyên gia dự án USAID/Star Plus cho rằng muốn kích thích mua bằng các biện pháp như giảm thuế thu nhập cá nhân, trợ cấp an sinh xã hội, giảm hoặc không thu các khoản phí trong năm nay, hỗ trợ người thu nhập thấp, trong đó, quan trọng là việc hỗ trợ nông dân vì nông dân là lực lượng tiêu dùng lớn. Việc hỗ trợ nhóm này có thể thông qua các biện pháp như hô trợ công nghệ, vốn, kết nối với nhà tiêu thụ sản phẩm.
Có thể nói, việc thực hiện các biện pháp nới lỏng tài khóa, tiền tệ là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học để lượng cung chỉ vừa đủ, tránh việc nới lỏng thái qúa dẫn tới một chu kỳ lạm phát mới.
Trong dài hạn, để hỗ trợ các DN và để có một nền kinh tế mạnh và bền vửng, rất cần thiết phải tái cơ cấu trúc lại tổng thể nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực có lợi thế, tái cấu trúc lại các tập đoàn Nhà nước theo hướng cổ phần hóa, giải thể…, sớm bình đẳng hóa cạnh tranh giữa các DN tư nhân và Nhà nước.
Để thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên trước tiên là hỗ trợ khu vực sản xuất kinh doanh, tập trung vào khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Theo www.taichinhdientu.vn