18h45 phút, Đêm Hoàng Cung bắt đầu. Từ nhà Cửu vị thần công phía trong cửa Thể Nhơn một không khí trang nghiêm của nghi lễ cúng Thần Oai Vô Địch Thượng Tướng Công cùng nghi thức tôn vinh bảo vật quốc gia. Tiến vào trước cửa Ngọ Môn, mở màn là cảnh tái hiện buổi lễ “Đổi gác” có cả lính và quan văn, quan võ, thể hiện rất trang trọng trong bài tấu “Đăng đàn cung”- một tác phẩm thuộc Nhã nhạc cung đình Huế.
|
Quang cảnh buổi Ngự Yến trong Đêm Hoàng cung. Ảnh: Thượng Hiển
|
Bên trong Hoàng Thành là không gian lộng lẫy với đèn hoa lung linh rực rỡ. Lúc này, khu vực cung Trường Sanh trở nên náo nức, rộn ràng khiến nhiều du khách tò mò, lạ lẫm. Sau vài phút, mọi người sực tỉnh và bị cuốn hút bởi lễ rước Đám cưới công chúa triều Nguyễn ngang qua. Tiếng trống múa lân rộn ràng, tiếng vó ngựa lốc cốc, rất nhiều diễn viên trong vai quan quân triều đình, cung nữ cùng đội nhạc đang tham gia rước dâu. Đám cưới sang trọng, đủ lễ nghi của Hoàng gia. “Chàng” phò mã uy nghi, cưỡi ngựa đi trước, theo sau là một nghinh kiệu “cõng” nàng”. Công chúa xinh đẹp, e lệ ngồi kiệu, hai bên có hai cung nữ theo hầu. Thời nhà Nguyễn, khi công chúa khoảng 16, 17 tuổi, vua cha đã tìm người để gả. Vị phò mã họ sẽ lấy làm chồng vẫn còn là một “bí ẩn”. Vì thế, lúc lên “xe hoa” gương mặt công chúa ngỡ ngàng, hồi hộp, lo âu.
Đám rước theo lộ trình dọc theo các đường dẫn trong cung sang Duyệt Thị Đường rồi quay về và kết thúc ở cung Trường Sanh. Rất nhiều người dân đi theo đoàn rước dâu và đứng chật cứng ở hai bên để chứng kiến nghi lễ đám cưới.
Điện Cần Chánh rực rỡ trong ánh đèn sân khấu với vũ khúc cung đình. Ở khu vực này đang tái hiện đời sống sinh hoạt cung nữ ngày xưa. Tại Trường Lang, Tử Cấm Thành, du khách được thưởng lãm tranh ảnh giới thiệu về chốn cung đình, cổ vật ngự thiện. Các trò chơi cung đình và tiêu khiển Huế xưa cũng được tái hiện như: Xăm hường, Đầu hồ... Khu vực này, có những cụ đồ bày giấy mực ngồi viết thư pháp và trò chơi thả thơ...
Phía Đông Điện Thái Hòa, dưới sự hướng dẫn của các nhân viên phục vụ trong trang phục của cung nữ và thị vệ, nhiều du khách bị thu hút trước các hoạt cảnh hoàng tử, công chúa nô đùa... Tại vườn Cơ Hạ, một không gian thoáng mát, hòa lẫn giữa màu xanh với những hình thù uốn lượn của hàng trăm kiệt tác bonsai và mặt hồ nước phản chiếu, du khách được thưởng thức chương trình “Vũ khúc Cung đình”... Anh Nguyễn Văn Quang, du khách đến từ Hải Phòng thổ lộ: “Đúng là vua, quan ngày xưa khéo chọn một không gian huyền hoặc như Vườn Cơ Hạ, mang đến cho mọi người cảm giác nhẹ nhàng, xao xuyến”.
Ấn tượng Ngự yến giá 2 triệu/suất
Buổi Ngự yến Đêm Hoàng Cung tại khu vực Điện Khôn Thái đã kín chỗ với gần 600 khách. Ngày trước, Điện Cần chánh là nơi vua Nguyễn tổ chức lễ thiết triều vào các ngày mùng 5, 10, 20 âm lịch hàng tháng. Ngoài ra, điện còn là nơi để vua tiếp đón các sứ bộ quan trọng, nơi tổ chức các buổi tiệc tùng trong những dịp khánh hỷ.
20 giờ, mở màn Ngự yến là tiếng trống hiệu và tiếng chuông vang liên tục. Bên ngoài, hơn 100 thị nữ mặc áo dài vàng truyền thống Huế vui tươi đón khách. Bên trong là Vua và Hoàng hậu cùng đoàn tùy tùng với lọng che, quạt lông công cùng với cung nữ, quan giám chờ đón khách vào. Một buổi Ngự yến rất sang trọng từ cách tổ chức, bày biện cho đến hương vị của các món ăn. Những điệu nhạc, kèn, trống, múa lân hòa trong một sắc màu rực rỡ đã khiến không gian sân khấu hóa vừa mang vẻ đẹp oai nghiêm, vừa lãng mạn, gợi nhớ về cuộc sống một thời của triều đình nhà Nguyễn.
Ông Quách Văn Xu, vị khách đến từ TP Hồ Chí Minh nói: “Một suất Ngự yến rất tương xứng với giá trị đồng tiền mình bỏ ra. Giá trị ở đây không phải dùng các món ăn ngon hay chưa ngon mà chính là sự khám phá, để trải nghiệm một sản phẩm đặc trưng văn hóa ở Huế mà không nơi nào có được”...