Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Đổi mới cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ: “Cung” sẽ gắn với “cầu”
Ngày cập nhật 01/08/2012

“Cơ chế tài chính đối với khoa học và công nghệ (KH&CN) sẽ được đổi mới theo hướng: chuyển từ cơ chế nhà nước giao nhiệm vụ và kinh phí thực hiện, sang cơ chế nhà nước, doanh nghiệp (DN) và thị trường đặt hàng cho nhiệm vụ KH&CN”. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn ThịMinh về việc tránh lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư cho KH&CN thời gian tới

 

 

 

 

 

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh trả lời phỏng vấn. Ảnh: HMT

 

 

PV: Thưa Thứ trưởng, đầu tư cho khoa học và công nghệ (KHCN) nước ta trong thời gian qua chủ yếu là từ nguồn NSNN. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, KH&CN hoạt động trì trệ có phần bắt nguồn từ những bất cập trong quản lý tài chính (đầu tư dàn trải, cơ chế tài chính cứng nhắc, mức độ xã hội hóa thấp). Quan điểm của Thứ trưởng như thế nào về vấn đề này?
 

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh: Đúng là trong thời gian qua, mặc dù nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước về chính sách và được sự ưu tiên nguồn lực đầu tư từ NSNN, nhưng KH&CN ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa trở thành một động lực thúc đầy nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững. Hiện nay các cơ quan hữu quan đang cùng phối hợp phân tích, đánh giá nguyên nhân, đề xuất những giải pháp thực hiện đổi mới một cách cơ bản, toàn diện, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động của KH&CN để trình ra Hội nghị TW 6 sẽ họp trong thời gian tới. Cơ chế tài chính trong KH&CN thời gian qua cũng có những hạn chế, cần phải nghiên cứu đổi mới.
 

 

Theo tôi, việc đổi mới cơ chế chính sách đối với KH&CN, trước tiên phải bắt đầu từ đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động của KH&CN. Vì cơ chế tài chính là bộ phận đi theo để phục vụ mô hình tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động của KH&CN, chúng ta xác định tổ chức, cơ chế quản lý cơ, chế hoạt động, như thể nào thì sẽ xây dựng cơ chế tài chính tương ứng.
 

 

Lâu nay cơ chế tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động của KH&CN nước ta chủ yếu tập trung vào khu vực kinh tế nhà nước, chủ yếu sử dụng nguồn lực từ NSNN, Nhà nước chi 1 đồng NSNN cho KH&CN chỉ thu hút được từ 0,2 đến 0,3 đ từ xã hội đầu tư cho KH&CN. Trong khi đó đối với các nước có nền KH&CN phát triển bên cạnh 1 đồng vốn NSNN đầu tư vào KH&CN thì xã hội sẽ đầu tư thêm từ 3 đến 4 đồng hoặc nhiều hơn nữa.
 

 

Điều này cho thấy trong quản lý KH&CN chúng ta vẫn chưa thoát khỏi tư duy của nền kinh tế KHH tập trung, chưa thoát khỏi tư duy là Nhà nước chi tiền làm mọi việc, chưa bắt nhịp với yêu cầu phát triển KH&CN trong kinh tế thị trường. Khắc phục hạn chế trên, việc xác định nhiệm vụ KH&CN thời gian tới cần phải xuất phát từ yêu cầu của Nhà nước, yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp, của nền kinh tế để đặt hàng cho các tổ chức KH&CN thực hiện.
 

 

Với tư duy trên sẽ không chỉ có Nhà nước là cơ quan đặt hàng nhiệm vụ KH&CN và cũng không chỉ sử dụng nguồn lực từ NSNN để thực hiện đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, mà cùng với nhà nước thì tất cả các tổ chức, đơn vị kinh tế có nhu cầu cần tham gia vào việc đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN phục vụ trực tiếp cho các tổ chức kinh tế và sử dụng nguồn lực từ tổ chức mình cho việc đặt hàng, thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
 

 

Bên cạnh đó, việc cung cấp, đáp ứng các yêu cầu đặt hàng về nhiệm vụ KH&CN cũng không chỉ giới hạn trong các tổ chức KH&CN do Nhà nước thành lập mà cần có cơ chế khuyến khích tất cả các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện đều được tham gia vào cung cấp các dịch vụ KH&CN từ nguồn NSNN, nguồn ngoài NSNN, từ đó hình thành thị trường cung, cầu về KH&CN theo định hướng thị trường, gắn với hiệu quả, gắn với nhu cầu sử dụng.
 

 

PV: Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cho phép các doanh nghiệp được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KHCN. Tuy nhiên, quy định này đã không hiệu quả trên thực tế, do không có tính chất bắt buộc và không có chế tài đối với các doanh nghiệp vi phạm. Vậy, theo Thứ trưởng, Nhà nước có nên tiếp tục thực hiện chính sách này, hoặc có thể đưa ra một hình thức khác để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KHCN?
 

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh: Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, theo quy định tại Điều 45 – Luật chuyển giao công nghệ và Điều 17 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì hiện nay doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
 

 

Theo quan điểm của tôi đây là một chính sách tích cực, thể hiện sự ưu đãi, chia sẻ của Nhà nước đối với doanh nghiệp khi Nhà nước sẵn sàng để lại cho doanh nghiệp một phần lợi nhuận lẽ ra phải nộp vào NSNN, tạo điều kiện, khuyến khích hình thành các quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp. Nếu như tất cả các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách này, thì đứng trên giác độ toàn bộ nền kinh tế, chúng ta sẽ huy động được một nguồn lực lớn hơn nguồn lực của NSNN hiện đầu tư phát triển KH&CN.
 

 

Tuy vậy, qua đánh giá ban đầu cho thấy nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ chính sách trên, nên chúng ta chưa khai thác được đầy đủ nguồn lực từ các doanh nghiệp như mong muốn cho phát triển KH&CN. Khắc phục hạn chế trên, để khuyến khích các doanh nghiệp trích lập quỹ, thời gian qua Bộ Tài chính đã thường xuyên điều chỉnh, bổ sung các văn bản hướng dẫn Luật theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, giảm bớt thủ tục hành chính hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình trích lập, sử dụng và quyết toán quỹ KH&CN của doanh nghiệp.
 

 

Tôi cũng đồng tình với quan điểm cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện chính sách trên, trong trường hợp các doanh nghiệp không tự nguyện trích lập hoặc trích lập mà không sử dụng cho KH&CN thì chúng ta cũng cần có những giải pháp mạnh hơn như có thể thay việc quy định tỷ lệ trích lập quỹ tối đa từ nguồn lợi nhuận trước thuế như hiện nay bằng việc quy định tỷ lệ trích lập tối thiểu, có chính sách huy động nguồn quỹ KH&CN từ các doanh nghiệp chưa có điều kiện sử dụng để hình thành các quỹ KH&CN tập trung ngoài NSNN để thúc đẩy phát triển KH&CN.
 

 

Tôi tin rằng với mục tiêu hình thành nguồn quỹ tài chính ngoài NSNN thúc đẩy đổi mới KH&CN, phục vụ chính bản thân doanh nghiệp, chính sách trên sẽ nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp và phát huy hiệu quả trong thực tế.

 

 

 

 

Cơ chế tài chính góp phần quan trọng cho KHCN phát triển
 Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet

 

 

PV: Có ý kiến đề nghị, Nhà nước nên chuyển giao chức năng cấp phát kinh phí từ nguồn ngân sách cho các Quỹ phát triển KHCN, để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục tài chính trong đầu tư cho hoạt động KHCN hiện nay. Quan điểm của Thứ trưởng như thế nào về vấn đề này?
 

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh: Ở đây có 2 vấn đề cần phải làm rõ là phương thức đầu tư cho KH&CN từ Quỹ NSNN và Quỹ ngoài NSNN.
 

 

Như trên đây tôi đã đề cập, để KH&CN phát triển thì không thể chỉ trông chờ vào nguồn lực từ NSNN mà cùng với nguồn lực từ NSNN, phải huy động các nguồn lực từ xã hội để hình thành các Quỹ ngoài NSNN, tiến tới các Quỹ ngoài NSNN đầu tư cho phát triển KH&CN cần lớn hơn gấp nhiều lần từ quỹ NSNN, đây chính là mô hình các nước có nền KH&CN tiên tiến đang thực hiện.
 

 

Vì vậy, để khuyến khích việc hình thành các quỹ ngoài NSNN đầu tư cho KH&CN, thì trong thời gian đầu khi các quỹ này mới thành lập, chưa đủ mạnh thì NSNN có thể hỗ trợ một phần vốn thành lập ban đầu cho các quỹ này, coi đây là vốn mồi để thu hút các nguồn vốn khác ngoài NSNN. Các quỹ có trách nhiệm quản lý, sử dụng, quay vòng và bảo toàn số vốn cấp ban đầu của NSNN có hiệu quả và ngày càng tăng trưởng. Tiến tới trong cơ cấu vốn của các quỹ ngoài NSNN thì số vốn cấp ban đầu từ NSNN ngày càng lớn hơn về số tuyệt đối, nhưng tỷ trong so sánh với các nguồn vốn khác ngoài NSNN thì ngày càng nhỏ đi.
Như vậy cần phải khẳng định quan điểm là cần phải rõ ràng giữa phương thức quản lý quỹ NSNN và quỹ ngoài NSNN cho phát triểm KH&CN. Nhà nước ủng hộ việc thành lập các quỹ ngoài NSNN để huy động nguồn lực từ xã hội cho phát triển KH&CN, sẵn sàng hỗ trợ vốn ban đầu cho các quỹ này. Nhưng nếu đặt vấn đề thành lập các quỹ này để thay thế quỹ NSNN quản lý nguồn NSNN đầu tư cho KH&CN là không phù hợp với thông lệ chung của thế giới cũng như yêu cầu quản lý theo quy định của Luật NSNN ở Việt Nam. 
 

 

PV: Vậy, để tránh lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư cho KHCN, tới đây cơ chế, chính sách về định mức dự toán kinh phí cho hoạt động KHCN sẽ tiến hành theo theo hướng nào, thưa Thứ trưởng?
 

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh: Lãng phí lớn nhất trong KH&CN chính là KHCN ứng dụng. Nhiều sản phẩm, để tài, đề án nghiên cứu KH&CN đã được nghiệm thu, đánh giá đạt kết quả, có những sản phẩm được đánh giá đạt kết quả cao, nhưng sau đó không thấy xuất hiện trong thực tiễn trên thị trường. Điều này cho thấy sản phẩm KH&CN đã không được sử dụng, đã không phát huy kết quả trong thực tiễn hay nói cách khác là cách đầu tư cho KH&CN của chúng ta thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
 

 

Để khắc phục tình trạng trên, theo tôi cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1244/QĐ-TTg ngày 25/7/2011, phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2011-2015, trong đó đã đề ra phương hướng đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN.
 

 

Để thực hiện được ý kiến chỉ đạo trên phải có các giải pháp làm cho KH&CN gắn với thực tiễn, giải quyết các vấn đề thực tiễn và thực sự trở thành một động lực thúc đẩy nền KT-XH phát triển. Như trên tôi đã đề cập, trong thời gian tới cơ chế tài chính đối với KH&CN sẽ được đổi mới theo hướng chuyển từ cơ chế nhà nước giao nhiệm vụ và kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sang cơ chế nhà nước đặt hàng, doanh nghiệp đặt hàng và thị trường đặt hàng nhiệm vụ KH&CN. Các tổ chức KH&CN không phân biệt tổ chức thuộc nhà nước, ngoài nhà nước phải thực hiện cạnh tranh bình đẳng trong việc giành các hợp đồng đặt hàng từ các nguồn trong NSNN, ngoài NSNN.
 

 

Dự toán kinh phí đặt hàng cần được tính đúng, tính đủ nhu cầu kinh phí cần thiết theo các định mức kinh tế kỹ thuật tiên tiến để thực hiện yêu cầu đặt hàng và tính đủ nguồn lực để thực hiện sản phẩm KH&CN từ các khâu nghiên cứu, thử nghiệm, triển khai vào thực tiễn. Sản phẩm KH&CN được tính toán dựa trên các định mức kinh tế kỹ thuật tiên tiến, gắn với yêu cầu sản phẩm KH&CN, việc thanh toán, quyết toán kinh phí nghiên cứu đề tài sẽ được thực hiện theo cơ chế khoán, gắn với kết quả nghiệm thu sản phẩm cuối cùng hoặc theo nhiệm vụ khoa học được phê duyệt.
 

 

 PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
 Huyền Trang (thực hiện) Theo http://mof.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 626
Chung nhan Tin Nhiem Mang