Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Họp báo. Ảnh: HBắc
Lạm phát được kiềm chế
Tại kỳ họp tháng 9/2011, Chính phủ đã đặt quyết tâm kiềm chế lạm phát và đề ra, thực hiện những giải pháp căn bản kiềm chế lạm phát có hiệu quả, Bộ trưởng cho biết, việc lạm phát được kiềm chế là minh chứng rõ nét cho tình hình kinh tế xã hội đang đi đúng hướng. Vì vậy,mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức một con số là hết sức khả thi. Cùng với đó là các chỉ tiêu khác về xuất khẩu, cán cân thanh toán ngoại tệ, dự trữ ngoại hối, đặc biệt là tỷ giá đều được giữ đúng theo định hướng đề ra đã đem lại lòng tin vào sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Đây chính là nhận định của các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính quốc tế.
Một số yếu tố thuận lợi khác cũng được Bộ trưởng đề cập tới như tình hình phát triển công nghiệp, dịch vụ có hướng tốt lên đặc biệt là từ sau tháng 3/2012; tăng trưởng quý II cao hơn quý I.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần phải hết sức quyết tâm cùng với niềm tin mạnh mẽ. Các chỉ số vĩ mô đạt được đã tạo ra điều kiện tốt để thúc đẩy sản xuất kinh doanh tốt hơn vào 6 tháng cuối năm mà không lo ngại lạm phát quay trở lại.
Cũng theo Bộ trưởng cho biết, bên cạnh những điểm sáng về kinh tế, Chính phủ cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn hiện hữu của nền kinh tế trong thời gian trước mắt cũng như về mặt trung hạn. Đó là, sản xuất kinh doanh có tăng trưởng nhưng thấp dần so với những năm trước. Chuyển hướng phát triển nền kinh tế chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, tái cơ cấu kinh tế cần có thời gian. Hơn nữa, DN thiếu vốn sản xuất, một số sản phẩm tồn kho cao…Cụ thể, nhiều DN không tiếp cận được nguồn vốn mặc dù NHNN đã tập trung để có giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, lãi suất huy động những tháng gần đây đã hạ liên tục. Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo hệ thống ngân hàng có giải pháp giải quyết nợ đọng để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn với lãi suất thấp hơn, đặc biệt là những ngành nghề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới…Các DN cần nâng cao năng lực quản trị một cách căn bản hơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng năng suất trên cơ sở đổi mới công nghệ, tái cơ cấu SXKD. Bộ trưởng nhấn mạnh Nhà nước sẽ có biện pháp để thúc đẩy, hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu của các DN.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh trả lời báo chí tại buổi Họp báo. Ảnh: Báo GTVT
Quyết định giảm giá xăng dầu trên cơ sở đăng ký giá của DN
Trả lời báo chí về việc tăng giá điện từ ngày 1/7, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, một trong những vấn đề đặt ra trong quá trình tái cơ cấu là tuân thủ các quy luật của thị trường, mà một dẫn chứng là giá điện hiện vẫn dưới giá thành, dẫn đến một số hệ lụy. Do đó, cần phải có lộ trình điều chỉnh giá điện. Mặt khác, trong khi thực hiện lộ trình, Chính phủ yêu cầu ngành điện phải đảm bảo công khai minh bạch các yếu tố như giá thành, lỗ lãi, lý do tăng, giảm và thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời, khi điều chỉnh tăng phải tính toán đảm bảo an sinh xã hội, đưa ra các giải pháp không làm ảnh hưởng tới người nghèo và những đối tượng khó khăn. Vừa qua, ngành điện đã điều chỉnh tăng giá trên cơ sở những nguyên tắc này.
Theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương và ngành điện cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nhất là khi tăng giá những mặt hàng mà ảnh hưởng đến kinh tế xã hội để nhân dân và doanh nghiệp hiểu rõ. Chính phủ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và nhân dân, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp và nhân dân nhìn vào mục tiêu lớn để cùng nhau nỗ lực tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất.
Về giá xăng dầu, Bộ trưởng cho biết, tới đây, xăng dầu cũng tiến tới giá thị trường để phát triển phù hợp với quy luật, theo đúng định hướng.
Trả lời báo chí về việc liên Bộ Tài chính và Công thương quyết định điều hành giảm giá xăng dầu 5 lần liên tục trong thời gian qua có căn cứ vào đăng ký giá của DN hay không, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh khẳng định, tất cả những lần điều chỉnh giảm giá xăng dầu, liên bộ đều căn cứ vào việc đăng ký giá của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng như phải cân nhắc kỹ các yếu tố về bình ổn giá, hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và người tiêu dùng….
Về giải ngân vốn đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh cho biết, tổng mức giải ngân từ ngân sách trong 6 tháng đầu năm là 81.000 tỷ đồng, trong khi vốn trái phiếu Chính phủ là hơn 10.000 tỷ. Như vậy, trong 6 tháng cuối năm, tổng số vốn cần giải ngân còn lại của 2 khoản này là trên 132.000 tỷ (tương đương 22.000 tỷ đồng mỗi tháng).Từ giờ tới cuối năm mỗi tháng phải giải ngân 22 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính nhìn nhận đây là một nhiệm vụ khó khăn, nên đã hết sức quan tâm, cụ thể, Bộ đã tổ chức 2 hội nghị tại Tp.HCM và Hà Nội bàn phương án tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ giải ngân góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế.
Bố sung thêm thông tin về ảnh hưởng của việc tăng giá điện 5% kể từ 1/7, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh cho rằng, mức tăng này nếu áp dụng cho những ngành, đơn vị, DN như hóa chất, luyện kim thì chi phí tiền điện chỉ chiếm trong 10% giá thành. Nếu DN điều chỉnh hợp lý giờ sử dụng điện, áp dụng biện pháp tiết kiệm chi phí quản lý sẽ chỉ tác động không đáng kể tới giá thành sản phẩm.
Toàn cảnh buổi Họp báo. Báo GTVT
Quy định rõ trách nhiệm chủ sở hữu về vốn, bảo toàn vốn, phát triển vốn
Trả lời báo chí về việc sửa đổi Nghị định 132/2005/NĐ-CP về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty nhà nước, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, đây là việc cần thiết, quan trọng trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Lần sửa đổi này có nhiều điểm mới, trong đó, các DNNN tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính-những ngành nghề mà Nhà nước xác định phải nắm giữ để nền kinh tế đất nước phát triển bền vững, tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế; Các tập đoàn, tổng công ty phải tiến hành thoái vốn đầu tư ở những lĩnh vực ngoài ngành nghề kinh doanh như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản.
Ngoài ra, lần sửa đổi này sẽ quy định rõ trách nhiệm chủ sở hữu về vốn, bảo toàn vốn, phát triển vốn của hội đồng quản trị DN, của Bộ Tài chính và của Bộ quản lý chuyên ngành. Đặc biệt, quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ quản lý chuyên ngành trong công tác định hướng, chiến lược SXKD của DN cũng như trong công tác tham gia vào các khâu theo quy định của Đảng về bổ nhiệm cán bộ.
Theo www.mof.gov.vn