Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, Việt Nam đã và đang thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với ba trụ cột chính là tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; tái cấu trúc thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước.
Hơn 20 năm qua, quá trình cải cách DNNN ở Việt Nam đã được thực hiện một cách nhất quán, sâu rộng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật nhất là hình thành khá đồng bộ khuôn khổ thể chế cho việc sắp xếp và cổ phần hoá DNNN cũng như đổi mới cơ chế quản lý của nhà nước đối với DNNN. Khu vực DNNN đã có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác ít hoặc chưa tham gia. Số lượng DNNN đã giảm mạnh từ hơn 12.000 doanh nghiệp trong những năm cuối 1980, đến nay chỉ còn hơn 1.300 doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của DNNN, nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước được nâng lên, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ công ích. Cổ phần hóa DNNN đã được triển khai từng bước vững chắc, hầu hết DNNN sau khi cổ phần hóa hoạt động có hiệu quả hơn với các chỉ tiêu về tài chính như doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, vốn điều lệ đều tăng hơn so với trước khi chuyển đổi.
Tuy nhiên, việc sắp xếp và cổ phần hoá DNNN còn chậm, chưa chặt chẽ; Việc phân định chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước còn chưa rõ; cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu còn nhiều tồn tại. Cơ cấu ngành, lĩnh vực chưa hợp lý, dàn trải, đầu tư ra ngoài ngành kém hiệu quả; có tình trạng một số doanh nghiệp gây lãng phí và thất thoát vốn và tài sản nhà nước. Năng lực quản trị doanh nghiệp của nhiều DNNN vẫn còn hạn chế, chậm đổi mới và chưa vận dụng đầy đủ những nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế.
Toàn cảnh Hội nghị
Bộ trưởng khẳng định, tái cơ cấu DNNN vừa là quyết tâm chính trị, vừa là vấn đề quan trọng và cấp thiết. Tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước”. Chính phủ, Bộ Tài chính đang triển khai các nội dung sau đây:
Một là, tổng kết Luật doanh nghiệp năm 2005, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện thể chế để quản lý có hiệu quả DNNN và để doanh nghiệp hoạt động trong môi trường pháp lý chung, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Cụ thể là quy định về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước; Giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước; Hoàn thiện mô hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như hỗ trợ cho quá trình cổ phần hoá DNNN; Xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; Quy định Nghị định riêng về điều lệ tổ chức hoạt động cho từng tập đoàn kinh tế và một số tổng công ty lớn; …
Hai là, tổ chức rà soát phân loại doanh nghiệp để quyết định tỷ lệ tham gia vốn của Nhà nước. Điều chỉnh cơ cấu DNNN, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng, cung cấp hàng hoá dịch vụ công thiết yếu, công nghiệp nền tảng, các ngành, lĩnh vực có công nghệ cao, sức lan toả lớn.
Ba là, tiếp tục sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp theo các phương án đã được phê duyệt; thực hiện thoái vốn nhà nước ở những công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối.
Cùng với việc chấm dứt thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế, Chính phủ đang chỉ đạo ra soát, đánh giá lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, yêu cầu các tập đoàn đến 2015 thoái hết vốn trong các ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính. Thực hiện phê duyệt đề án tái cơ cấu cụ thể của từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tính đến tháng 10/2012, đã có 56 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoàn thành đề án tái cơ cấu, trong đó đã có 26 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh phê duyệt đề án.
Bốn là, trong khi nghiên cứu thấu đáo phương án thành lập một cơ quan thực hiện thống nhất chức năng chủ sở hữu đối với DNNN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, trong đó quy định cụ thể quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ quản lý ngành, Bộ tổng hợp, UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên và người đại diện phần vốn nhà nước.
Năm là, tổ chức lại các DNNN theo các loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phù hợp. Áp dụng chế độ quản trị tiên tiến; thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả và minh bạch, công khai trong hoạt động của DNNN trên cơ sở mở rộng diện niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Thực hiện cơ chế đặt hàng của nhà nước và hạch toán theo cơ chế thị trường đối với doanh nghiệp trong việc thực hiện chức năng hỗ trợ điều tiết vĩ mô và thực hiện an sinh xã hội.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ trao kỷ niệm chương cho các đơn vị tài trợ
Liên quan đến vấn đề Tái cơ cấu DNNN, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết,Tái cơ cấu DNNN không chỉ cần thiết đối với bản thân khu vực DNNN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh, mà còn phục vụ và hỗ trợ cho nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, tái cơ cấu DNNN còn góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách đang tồn tại của nền kinh tế như hàng tồn kho và xử lý nợ xấu. Do đó, tái cơ cấu DNNN phải được thực hiện một cách vững chắc với lộ trình phù hợp; và đồng bộ với tái cấu trúc thị trường tài chính nhằm lành mạnh hoá tình trạng tài chính, năng lực, cải thiện mức độ an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng và ổn định thị trường tài chính, cũng như tái cấu trúc đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước và huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển. Cùng với đó là việc điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt, gắn kết chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ theo mục tiêu tăng cường ổn định vĩ mô và đảm bảo tăng trưởng hợp lý. Ngoài ra, để Tái cơ cấu DNNN đạt hiệu quả thì cần phải có nguồn lực thực hiện và những bài học kinh nghiệm quốc tế để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam. Nhân dịp này, Bộ Tài chính chân thành cám ơn Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), một số quốc gia như Hàn Quốc, Đức đã chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện cải cách hệ thống DNNN và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế.
Bộ trưởng mong muốn, với sự nỗ lực cao từ Ban Tổ chức, sự tham gia thảo luận nhiệt tình của các quý vị đại biểu, Hội nghị quốc tế này sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, bài học về ổn định và giám sát tài chính cũng như đưa ra những kiến nghị, gợi ý chính sách quý báu cho Việt Nam trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và quá trình cải cách hệ thống DNNN nói riêng, nhằm tạo tiền đề vững chắc góp phần thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 của Việt Nam.
Thông qua Hội nghị này, Việt Nam mong muốn phối hợp cùng với các tổ chức Quốc tế có uy tín đánh giá tính ổn định và bền vững của thị trường tài chính khu vực Đông Á bao gồm khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực an toàn, chính sách thận trọng; giám sát và điều phối giám sát; khả năng phản ứng trước những biến động từ bên ngoài; sự cần thiết cũng như cơ chế phối hợp và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan hoạch định chính sách, các cơ quan giám sát tài chính trong môi trường đầy biến động và thách thức…
Hội nghị là kênh hữu ích để chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường tính minh bạch, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế và tài chính quốc tế. Hội nghị được chia ra làm 3 Phiên họp trong 2 ngày 27-28/11/2012.
Trong Phiên họp 1, các diễn giả là các chuyên gia tài chính quốc tế trình bày các tham luận: “Áp dụng các chuẩn mực Basel III và những ảnh hưởng đến thị trường tài chính,” “Những thách thức khi áp dụng các quy định và chuẩn mực an toàn tài chính đối với các định chế tài chính ở châu Âu,” “Xây dựng các chuẩn mực tài chính và lộ trình thực hiện cho khu vực Đông Á,” “Ổn định tài chính trong bối cảnh tái cân bằng kinh tế - Thực tiễn của Trung Quốc.”
Trong Phiên họp 2, các diễn giả trình bày các tham luận: “Giám sát các tập đoàn tài chính,” “Giám sát thị trường tài chính: Vai trò của quản trị ngân hàng,” “Minh bạch thông tin tài chính ở Đông Á: Một nhân tố quyết định sự phát triển bền vững,” “Giám sát hợp nhất và xu thế cải tổ hệ thống giám sát tài chính trên thế giới hiện nay”,…
Hội nghị sẽ diễn ra trong hết ngày 28/11 với Phiên họp 3: “Ổn định thị trường tài chính khu vực Đông Á vì sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực và kinh tế toàn cầu” và Phiên họp toàn thể Hội nghị.
|
DHT - Theo mof.gov.vn