|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Họp báo |
Phát huy hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh XH
Trong 7 tháng qua và trong tháng 7/2012, các bộ ngành, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; nhất là Nghị quyết 01/2012/NQ-CP và Nghị quyết 13/2012/NQ-CP của Chính phủ. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, các giải pháp tập trung vào thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả.
Các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã dần phát huy tác dụng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển tương đối ổn định. Trong tháng 7/2012, kim ngạch xuất khẩu ước đạt đạt 9,6 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,5 tỷ USD. Như vậy, trong tháng 7/2012 xuất siêu 100 triệu USD. Trong 7 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khá cao (62,9 tỷ USD), tăng 19% so cùng kỳ. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá. 7 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.327,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7/2012 tăng 11,6% so với tháng 6/2012, tính gộp 7 tháng đạt khoảng 3,83 triệu lượt khách, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 6,25 tỷ USD, bằng xấp xỉ cùng kỳ năm 2011. Vốn ODA giải ngân ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ.
Chỉ số tăng giá tiêu dùng CPI liên tục giảm trong 7 tháng đầu năm 2012: tháng 7/2012 giảm (-) 0,29% so với tháng trước (đây là tháng thứ 2 liên tiếp CPI giảm, tháng 6/2012 giảm (-) 0,26%)1. Tuy vậy, so với tháng 12/2011, CPI vẫn tăng 2,22% và tăng 5,35% so với cùng kỳ năm trước.
Về tiền tệ và tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều nỗ lực điều hành giảm lãi suất cho vay về 15%/năm đối với các khoản vay cũ. Hiện nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 11-13%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh khác 12-16%/năm, góp phần tạo niềm tin của thị trường. Thu ngân sách nhà nước đến ngày 15/7/2012 ước đạt 49% dự toán và chi NSNN ước đạt 50,3% dự toán.
Từ đầu năm đến 20/7/2012, cả nước có gần 40 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 247,2 nghìn tỷ đồng, giảm 12,7% về số doanh nghiệp và giảm 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy, tính đến nay, cả nước có trên 663,8 nghìn doanh nghiệp đã được thành lập, trong đó có trên 468,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 70%. Đồng thời có trên 30,3 nghìn doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng đầu năm, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011.
Thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ đã thực hiện gia hạn số thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 4,5 và 6/2012 cho khoảng 208.250 lượt DN, với tổng số tiền thuế gia hạn xấp xỉ 10.000 tỷ đồng; giải quyết gia hạn nợ thuế thu nhập DN cho khoảng 8.260 DN, với tổng số thuế được gia hạn là 347,5 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất cho hơn 3 nghìn DN với tổng số tiền thuê đất được giảm là 339 tỷ đồng; giải quyết miễn thuế môn bài cho hơn 40 nghìn hộ đánh bắt hải sản.
Trong 7 tháng đầu năm, ước giải quyết việc làm cho khoảng 825 nghìn lao động, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2011. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ năm nay, cả nước đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công. Giai đoạn 2005 - 2011, bình quân mỗi năm ngân sách nhà nước đã dành trên 15 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2011 là gần 25 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách ưu đãi, chăm lo cho trên 8,8 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Tình hình trật tự an toàn giao thông tốt lên, các vụ tai nạn giao thông và số người chết và bị thương do tai nạn giao thông giảm xuống. Trong 7 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông giảm 22,1% (6.119 vụ), số người chết giảm 17,6% (5.374 người) và số người bị thương giảm 27,6% (4.414 người). Công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm. Công tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả, hoạt động đối ngoại bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông được coi trọng.
Tuy đạt được những kết quả khá toàn diện như nêu trên nhưng tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 7 tháng chỉ bằng khoảng 54,5% mức tăng của cùng kỳ năm 2011. Chỉ số CPI đã giảm liên tiếp 2 tháng (-0,26% và -0,29%). Tổng dư nợ tín dụng vẫn còn thấp, trong đó dư nợ tín dụng với VNĐ chỉ tăng + 0,93%. Tình trạng nợ xấu của các ngân hàng thương mại chưa được giải quyết triệt để và số dư nợ xấu có xu hướng tăng theo thời gian. Nhập siêu giảm mạnh so với cùng kỳ (7 tháng đầu năm 2012 nhập siêu 58 triệu USD). Điều này phản ánh sản xuất trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Giải ngân chi đầu tư phát triển vẫn còn chậm. Tình hình bệnh viện quá tải, dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được cải thiện nhiều, tệ nạn xã hội, tội phạm, khiếu nại tố cáo của công dân còn diễn biến phức tạp,…
Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển
Chính phủ đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành các tháng cuối năm 2012 là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; từng bước thực hiện có kết quả tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành , địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, các nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Triển khai các giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để cùng doanh nghiệp xử lý hai điểm nghẽn là “hàng tồn kho” và “nợ xấu”. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư từ ngân sách; bảo vệ, phát triển thị trường nội địa cho hàng Việt Nam. Tăng cường phòng chống hàng lậu, hàng giả; kiểm soát chặt chẽ hàng tạm nhập tái xuất và các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại theo đúng lộ trình của Đề án đã được duyệt. Tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại. Khẩn trương xử lý các ngân hàng yếu kém để lành mạnh hóa hệ thống. Thực hiện điều hành lãi suất và kích thích tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
|
Toàn cảnh Họp báo Chính phủ |
Các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN và từ tín dụng nhà nước theo đúng kế hoạch, nhất là trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP hỗ trợ các doanh nghiệp đúng đối tượng. Phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Đẩy mạnh xuất khẩu, ưu tiên hỗ trợ tín dụng đối với những mặt hàng có thế mạnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Bằng nhiều biện pháp linh hoạt tranh thủ sự phục hồi từng bước của các thị trường chính để tăng kim ngạch xuất khẩu.
Khẩn trương rà soát, cơ cấu lại lại doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các Tập đoàn, Tổng công ty để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong các ngành nghề chính của doanh nghiệp.
Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Trong đó thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để nâng cao hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo, vùng chịu thiên tai,...xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tham ô, lãng phí, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tăng cường công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm một cách thường xuyên và liên tục. Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với các vụ tồn đọng, kéo dài; hạn chế tối đa các vụ khiếu kiện mới,...
Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng chống bão, chủ động đối phó với thiên tai, lũ lụt.
Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh quốc phòng, đẩy mạnh đấu tranh đối ngoại để bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo; kiện toàn tổ chức và củng cố lực lượng kiểm ngư; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia.
Các Bộ, ngành, địa phương cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao và phát huy sức mạnh của toàn xã hội để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong các tháng cuối năm; đồng thời khẩn trương rà soát để thực hiện các cam kết, lời hứa trước Quốc hội, trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội đã gửi đến.
Phân định rõ hơn các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ SHNN đối với DNNN
Chính phủ thảo luận về Nghị định phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước (SHNN) đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp
Đến nay, cả nước còn khoảng 1.300 doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn, trong đó: thuộc địa phương quản lý 53,6%; các Bộ, ngành quản lý: 27,1%; thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quản lý: 19,3%. Doanh nghiệp hoạt động công ích chiếm 34,5%, doanh nghiệp kinh doanh chiếm 65,5% tổng số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Thời gian qua, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nòng cốt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH của đất nước, đóng góp nhiều vào ngân sách nhà nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho quốc phòng an ninh, là một trong những công cụ để điều tiết kinh tế vĩ mô. Đa số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động có lãi, là chủ lực trong việc bảo đảm các cân đối lớn, giúp Nhà nước bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, ổn định xã hội, ngăn ngừa suy giảm kinh tế, giữ vững tăng trưởng. Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao đầu tư những dự án trọng điểm, quan trọng phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội dài hạn của đất nước, những dự án lớn hoặc hiệu quả về kinh tế thấp nhưng có ý nghĩa hiệu quả về xã hội rất lớn mà các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không làm hoặc chưa đủ khả năng làm, nhiều dự án góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng miền theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ; quản trị doanh nghiệp chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường. Một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa làm tốt vai trò là đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; một số tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai chưa cao, còn tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Để nâng cao tính khả thi, đồng bộ, phân định rõ trách nhiệm trong thực hiện quyền quản lý của chủ sở hữu; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các vi phạm, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý DNNN nói chung và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng, cần tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt hệ thống thể chế về quản lý DNNN.
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2012 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”.
Tại Phiên họp này, Chính phủ thảo luận về Nghị định phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhằm phân định rõ hơn quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cấp, từng cơ quan trong thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, gồm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ kinh tế tổng hợp (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội), Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xác định rõ cơ quan đầu mối trong thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước là Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao; quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn. Bộ quản lý ngành kinh doanh chính thực hiện giám sát, kiểm tra và thanh tra với vai trò là cấp trên trực tiếp của chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Các Bộ tổng hợp giám sát, kiểm tra, thanh tra và tổng hợp chung về DNNN và việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Mở rộng đối tượng áp dụng là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý của chủ sở hữu nhà nước với tư cách là cổ đông, khắc phục được bất cập trong việc thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp sau cổ phần hóa, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Trên cơ sở Nghị định này, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh Ngh� định về quản lý tài chính, quản lý sử dụng vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp; quy chế giám sát tài chính doanh nghiệp; cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ phù hợp, thuê Tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên./.
TH (Theo http://mof.gov.vn)