Cơ cấu lại nợ công để đảm bảo an toàn
Trong phiên chất vấn chiều 16-11, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ Tài chính liên quan đến nợ công. Theo ĐB đặt câu hỏi: “Nợ công tăng cao đã sát trần, có ý kiến cho rằng đã bằng và vượt trần, đề nghị Bộ trưởng trả lời trước QH về tình hình này để cử tri yên tâm”.
Đăng đàn sáng 17-11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo yêu cầu tới năm 2020 và tầm nhìn tới 2030 thì nợ công không quá 65% GDP và nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Trong 5 năm qua, nợ công tăng dần từng năm, từ 50% GDP vào năm 2011 lên đến 61,3% vào cuối năm nay.
Theo Bộ trưởng, trong 6 tiêu chí đảm bảo an toàn nợ công thì chỉ có 1 tiêu chí không đạt là bù đắp bội chi của ngân sách nhà nước. Theo đó, bội chi của cả 5 năm qua là 5,5% trong khi quy định là 4,5%. Bội chi tăng cũng làm cho nợ công tăng lên. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, bội chi dành tập trung để chi cho đầu tư phát triển, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, y tế, nông thôn mới là rất quan trọng.
Phân tích các nguyên nhân làm nợ công tăng cao, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Ngoài ra các yếu tố khác cũng làm tốc độ tăng nợ công cao (trung bình 20%/năm) là chi ngân sách nhà nước tăng mạnh 18%/năm, tăng phát hành trái phiếu thêm 170.000 tỉ đồng, biến động tỷ giá…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, ngành Tài chính đã nỗ lực để cơ cấu lại nợ công. Tỷ lệ nợ vay trong nước tăng từ 39% lên 71% và giảm vay nước ngoài. Đồng thời, cơ cấu lại nợ công bằng cách đa dạng hóa kỳ hạn và phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế (vừa được Quốc hội thông qua).
Để đảm bảo an toàn nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đưa ra một loạt các giải pháp mà Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện trong thời gian qua và Bộ trưởng tin tưởng rằng, với việc xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn 2016-2020, kế hoạch quản lý vay và trả nợ công trên tinh thần tăng GDP trong 5 năm tới từ 6-6,5%, lạm phát 5%, bội chi 4,5% thì nợ công tới năm 2020 sẽ chỉ còn 58% và đỉnh nợ công sẽ rơi vào năm 2017 là 63% (vẫn thấp hơn mức trần 65%).
Phấn đấu giảm chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính về tiết kiệm chi tiêu công. Theo ĐB, nỗ lực đó đã có tác dụng lớn đến NSNN, có lĩnh vực tiết kiệm được 22,7 nghìn tỷ đồng là thành công của Bộ Tài chính. ĐB đề nghị trong chi tiêu ngân sách, Bộ Tài chính tiếp tục phải kiểm soát ngặt nghèo hơn, bởi vì chi tiêu công hiện còn lớn trong khi nguồn chi ngân sách khó khăn.
ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng cân đối NSNN thời gian qua còn nhiều khó khăn, tỷ lệ huy động các nguồn thu vào ngân sách có xu hướng sụt giảm, do đó, bố trí ngân sách cho chi đầu tư phát triển cũng bị ảnh hưởng. “Đề nghị Bộ trưởng phân tích rõ hơn tình hình, các nguyên nhân giải, pháp khắc phục và giải pháp nào là quan trọng mang tính quyết định nhất?”, ĐB Nguyễn Cao Sơn nêu câu hỏi.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay chi thường xuyên cao tới 67-68% GDP nên ảnh hưởng tới chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua cơ cấu thu thay đổi tích cực. Trong bối cảnh hội nhập, giảm thuế như vậy nhưng thu nội địa tăng, đạt 74% trong cơ cấu thu NSNN. Tỷ lệ huy động thuế, phí vào NSNN đạt 24%.
Theo người đứng đầu ngành Tài chính, quy mô NSNN ngày càng tăng lên nhưng tỷ lệ chi thường xuyên đã giảm xuống. Năm 2016 dự kiến chi thường xuyên sẽ chỉ còn 64% và tới năm 2020 còn khoảng 58-59% trong tổng chi ngân sách.
Về số nợ thuế lớn 76 nghìn tỷ đồng, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị người đứng đầu ngành Tài chính làm rõ con số 34 nghìn tỷ đồng có thể thu hồi được hay không. ĐB cũng gửi đến Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan câu hỏi về giải quyết tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái chưa bị đẩy lùi.
Trả lời ĐB, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, hoàn toàn có thể thu được số nợ 34.000 tỉ đồng để đảm bảo sự thiếu hụt từ thu NSNN trong năm 2015.
ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) trong cuối phiên chất vấn chiều qua, 16-11 cho rằng, tại báo cáo môi trường kinh doanh của WB công bố mới đây cho thấy những cải cách TTHC nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN đã đưa Việt Nam tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh, từ 172/189 bậc năm 2014 lên 168/189 bậc năm 2015. Tuy nhiên, cá nhân ĐB cũng như nhiều cử tri nhận thấy Bộ Tài chính và đặc biệt là các cơ quan thuế, hải quan cần tăng cường đẩy mạnh cải cách nhiều hơn 2 lĩnh vực này mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về hội nhập và cải cách TTHC như cam kết.
ĐB Nguyễn Cao Sơn hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp chính, giải pháp quan trọng nhất để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực thuế, hải quan?”, vì theo ĐB 2 lĩnh vực này có ảnh hưởng mạnh và trực tiếp tới cộng đồng DN hiện nay.
Trả lời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sau những nỗ lực cải cách, năm nay lĩnh vực thuế và hải quan đã có thể vào nhóm ASEAN 6. "ASEAN 4, 5 thì đến năm 2016 chắc chắn sẽ đạt được theo nghị quyết 19 của Chính phủ", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ Tài chính, thủ tục nộp thuế đã giảm từ 537 giờ xuống 117 giờ nhờ việc cắt giảm, cải cách một loạt thủ tục cho doanh nghiệp. Về số liệu của WB đưa ra số giờ nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam vẫn cao hơn con số của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, do nhiều chính sách cải cách có hiệu lực vào nửa cuối tháng của năm 2014 nên chưa được ghi nhận trong báo cáo của WB. "Năm 2015, 2016, các cải cách này sẽ được tính đủ", Bộ trưởng nói.
Thận trọng thoái vốn
Một vấn đề được ĐB Nguyễn Cao Sơn quan tâm đó là cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN. Đánh giá chung về vấn đề này, theo ĐB cử tri nhận xét quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tuy đã đạt kết quả khích lệ nhưng còn chậm so yêu cầu. Với chức năng, nhiệm của của ngành, ĐB đề nghị làm rõ nguyên nhân chính và giải pháp khắc phục vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (tỉnh Hòa Bình) chất vấn: “Cử tri nhận xét quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước tuy đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên còn chậm so với yêu cầu nên có nguy cơ sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính và các giải pháp để khắc phục, giải pháp nào là quan trọng nhất?”.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ chế chính sách quản lý cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được Chính phủ, các bộ ngành ban hành một cách đồng bộ. Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước phải cổ phần hóa 538 DN thì tới nay đã cổ phần hóa được 408 DN. Dự kiến tới hết 2015 sẽ cổ phần hóa được 90%.
Về bán vốn DNNN, năm 2015, cả nước đã bán 27.000 tỉ đồng (chiếm 2,1% vốn nhà nước tại DN) thu về 35.169 tỉ đồng. Tính từ năm 2011 tới nay mới bán được 5% vốn nhà nước tại DN khi tổng vốn khoảng 1,3 triệu tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng: “Nhưng phải cẩn thận vì thị trường tài chính không chắc chắn và bán vốn, thoái vốn nhà nước tại DN phải có thứ tự, tránh gây thất thoát cho nhà nước. Riêng Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn và cả thúc đẩy thị trường chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài nâng mức sở hữu nhưng ta không thể nóng vội được”.
Nhiều giải pháp được người đứng đầu ngành Tài chính đưa ra đó, là: Tiếp tục theo dõi, rà soát và hoàn thiện cơ chế và chính sách liên quan tới cổ phần hóa; Rà soát, phân loại lại DN nào Nhà nước cần nắm giữ, DN nào không cần nắm giữ thì theo thị trường thoái vốn dần; Hoàn chỉnh gia tăng nhiệm vụ của bộ ngành cơ quan, tổng công ty địa phương và tăng cường kiểm tra giám sát cỏ phần hóa thoái vốn, đảm bảo hiệu quả, đồng bộ trên thị trường tài chính./.
N.L