Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thực hiện các Nghị quyết Quốc hội về giám sát trong lĩnh vực Tài chính
Ngày cập nhật 18/11/2015

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo trước Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay.

Báo cáo của Chính phủ đề cập đến 17 lĩnh vực chính trong đó lĩnh vực Tài chính, ngân hàng, công thương, đầu tư… Các vấn đề về cổ phần hóa DNNN, đầu tư công, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, quản lý, kinh doanh vàng, ngoại tệ, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu... đã được Chính phủ đề cập trong báo cáo này.

Theo đánh giá của Chính phủ: “Nhiều việc đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; một số việc mang tính chất thường xuyên, lâu dài, đang được triển khai tích cực và cũng có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do có bất cập trong cơ chế, chính sách, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian”

Về lĩnh vực tài chính, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nội dung giám sát và chất vấn tập trung vào việc quản lý giá, thực hiện lộ trình giá thị trường, tái cấu trúc và phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm, chống thất thu, bảo đảm cân đối NSNN và quản lý nợ công.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã tích cực triển khai Luật Giá; Thực hiện cơ chế giá thị trường; bình ổn giá đối với hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, xăng dầu, than, dịch vụ y tế, giáo dục... gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo. Theo đó, từ năm 2011, các hộ nghèo được hỗ trợ giá điện cho 50kWh/tháng, mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng. Từ năm 2014, hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Kinh phí ngân sách trung ương đã hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách khoảng 1.300 - 1.400 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, thực hiện lộ trình tái cấu trúc và phát triển các thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 33% và thị trường trái phiếu đạt 23% GDP. Theo đó, giá trị phát hành trái phiếu năm 2014 gấp gần 3 lần so với năm 2011; thanh khoản trên thị trường thứ cấp được cải thiện, giá trị giao dịch bình quân năm 2014 gấp 5,6 lần so với năm 2011. Số lượng nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng 89%, số lượng nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng 35%. Giai đoạn 2011-2015 quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán ước tính tăng hơn 4 lần so với giai đoạn 2005-2010. Tổng doanh thu thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 17%/năm, tính đến cuối năm 2015 bằng khoảng 2% GDP.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian qua đã thực hiện các giải pháp bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước; tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra. Theo thống kê, năm 2014, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 67.053 doanh nghiệp; với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 12.224 tỷ đồng, trong đó truy thu là 8.022 tỷ đồng, truy hoàn 379 tỷ đồng, xử phạt là 2.920 tỷ đồng. Thanh tra, kiểm tra 3.661 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, giảm lỗ 7.503 tỷ; truy thu, truy hoàn và phạt 2.045 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác hiện đại hoá công tác quản lý; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thuế, hải quan. Tính đến thời điểm này, đã thực hiện cắt giảm được 420 giờ nộp thuế; trên 98% các doanh nghiệp đã kê khai thuế qua mạng; 80% doanh nghiệp đã nộp thuế theo phương thức điện tử; trên 98% kim ngạch xuất nhập khẩu đã được thông quan điện tử.

“Trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận lợi, tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong khi nhu cầu tăng chi ngân sách nhà nước cho con người, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và đầu tư phát triển là rất lớn, Quốc hội cho phép duy trì bội chi NSNN ở mức phù hợp (bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 5,3% GDP, năm 2015 là 5%)”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Về quản lý nợ công, báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ: Chính phủ đã thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công; Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý nợ công... Theo đó, việc điều hành vay và trả nợ thực hiện theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch vay, trả nợ hàng năm được phê duyệt. Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định. Đồng thời, cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay trung và dài hạn với lãi suất hợp lý để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn; Quản lý chặt chẽ hơn các khoản vay Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sử dụng vốn vay.

Về quản lý NSNN, Chính phủ cho biết đã tăng cường quản lý NSNN, từng bước cơ cấu lại các nhiệm vụ, chương trình, dự án theo hướng lồng ghép, tiết giảm, bảo đảm các nhiệm vụ chi cần thiết, quan trọng và theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định; xử lý nghiêm thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cân đối ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao. Bên cạnh đó, công tác quản lý và sử dụng NSNN ở một số bộ ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ; Còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi NSNN; Việc sử dụng các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương ở một số dự án hiệu quả còn thấp...

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của QH trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém.

Cổ phần 404 DNNN

Về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, các nội dung giám sát và chất vấn tập trung vào quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, ODA, vay ưu đãi, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, thu hút vốn đầu tư dưới hình thức đối tác công tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tái cơ cấu kinh tế. Chính phủ cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân; tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Chính phủ đã triển khai tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty; tập trung cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đã sắp xếp 464 DNNN, trong đó cổ phần hóa 404 doanh nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã triển khai Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phấn đấu đến hết năm 2015 các chỉ tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN-6.

N.L

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 381
Chung nhan Tin Nhiem Mang