Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thủ tướng: Nỗ lực 2 tháng cuối năm, tạo tiền đề cho năm tiếp theo
Ngày cập nhật 18/11/2015

“Trong 2 tháng cuối năm, phải nỗ lực khắc phục yếu kém để đạt kết quả cao nhất trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra cho năm 2015, nhất là phải phấn đấu đạt hoặc vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% của năm 2015; tạo tiền đề, nền tảng cho những bước phát triển tiếp theo trong những năm tới”. Đây là yêu cầu mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2015 tổ chức ngày 29/10/2015 tại Hà Nội.

Tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ đã đề ra

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, qua cập nhật thông tin 10 tháng đầu năm, có thể khẳng định nhìn tổng thể tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Vấn đề còn lại của 2 tháng cuối năm là phải nỗ lực cao nhất, những nhiệm vụ nào đã làm tốt cần phải làm tốt hơn, những gì còn yếu kém phải ra sức khắc phục để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra cho năm 2015, nhất là phải phấn đấu đạt hoặc vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% của năm 2015, tạo tiền đề, nền tảng cho những bước phát triển tiếp theo trong những năm tới.

Thủ tướng yêu cầu trong những tháng còn lại của năm 2015, tiếp tục theo dõi sát và chủ động ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình trong nước và quốc tế; quyết liệt, sâu sát, tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp trong chỉ đạo điều hành, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ đã đề ra.

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỉgiá. Điều hành tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng với cơ cấu tín dụng hợp lý và khả năng huy động vốn. Tiếp tục kiểm soát và xử lý tốt nợ xấu.

Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Kiểm soát nhập khẩu phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh phát triển sản xuất và năng lực cung ứng của các doanh nghiệp trong nước.

Làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng.

Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, vật tư nông nghiệp; kiểm soát chặt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với việc xây dựng chính phủ điện tử. Rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch được duyệt.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi; phát triển mạnh hình thức chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn; phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; chuẩn bị tốt nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chính sách người có công, các đối tượng chính sách xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; triển khai có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, hỗ trợ hộ cận nghèo. Chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý cần tiếp tục tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội...


Quang cảnh phiên họp Chính phủ

Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được giữ vững

Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã nghe và cho ý kiến đối với một số nội dung lớn.

Theo đó, về tình hình thu-chi, cân đối ngân sách năm 2015, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2015, tổng thu ngân sách tăng khoảng 7%, nhưng tăng thu là của địa phương, còn thu ngân sách Trung ương lại hụt thu khoảng 31.000 tỉ đồng, nguyên nhân chính là do giá dầu giảm, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm còn 2 tháng, các cơ quan chức năng nỗ lực tăng thu, bảo đảm cân đối ngân sách cho năm 2015.

Về tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức (áp dụng với đối tượng có mức lương từ 2,34 trở lên), ý kiến của các thành viên Chính phủ đều cho rằng tình hình ngân sách khó khăn, khó bố trí được nguồn cho tăng lương; cho rằng thực hiện theo phương án đã báo cáo Trung ương, Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối ngân sách và sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016.

Chính phủ nhất trí với phương án của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc nghỉ lễ, Tết năm 2016 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội. Theo đó, đợt nghỉ Tết Âm lịch 2016 từ ngày 6/2/2016 đến hết ngày 14/2/2016 (tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Ất Mùi đến hết ngày 7 tháng Giêng năm Bính Thân). Tổng cộng nghỉ 9 ngày và không thực hiện hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần.

Về báo cáo do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày về xác định chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020, các ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí với phương án chuẩn nghèo thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị, ước tính tỉ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều là 12% và tỉ lệ hộ cận nghèo khoảng 6%.

Về báo cáo của Bộ Tài chính về tỉ giá ngoại tệ tính thuế trong giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu, các ý kiến thành viên Chính phủ thống nhất áp dụng tỉ giá ngoại tệ tính thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là tỉ giá theo quy định của pháp luật về thuế - Nghị định số 12/2015/NĐ-CP và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP (hai Nghị định cùng hướng dẫn về tỉ giá ngoại tệ để tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu được ban hành và có hiệu lực sau Nghị định số 83/2014/NĐ-CP).

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, lạm phát ít biến động và được kiểm soát ở mức thấp; khu vực công nghiệp-xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng cao đã đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng và với đà phục hồi như hiện nay, tốc độ tăng GDP cả năm có thể đạt trên 6,5%; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đạt nhiều kết quả; an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian cho công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình đồng thời chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, yếu kém mà nền kinh tế cần tập trung khắc phục, giải quyết và tháo gỡ như việc giá dầu thô và giá xuất khẩu nông sản giảm mạnh đã ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế nước ta, nhất là ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước; khu vực nông nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do thiên tai, lũ lụt và những áp lực cạnh tranh về thị trường và giá cả xuất khẩu ngày càng gay gắt; việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn còn những hạn chế nhất định; đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, thiên tai còn nhiều khó khăn…

“Khó khăn của ngành nông nghiệp không chỉ tháng này mà đã xuất hiện từ nhiều tháng, thậm chí từ đầu năm. Nhìn chung giá trị sản xuất vẫn tăng nhưng tăng thấp. Cái khó của ngành ngoài thiên tai, dịch bệnh, quan trọng nhất vẫn là giá cả và thị trường tiêu thụ dẫn đến việc xuất khẩu giảm trong khi nông nghiệp tuy chỉ chiếm tỉ trọng 17-18% trong tổng GDP nhưng lao động trong nông nghiệp còn xấp xỉ tới 50%. Điều này cho thấy khó khăn của ngành nông nghiệp đã phản ánh khó khăn trong đời sống của một bộ phận người dân; đây là vấn đề lớn nổi lên, phải tập trung mạnh chỉ đạo tháo gỡ và giải quyết”, Thủ tướng nhấn mạnh khi nói về khó khăn của ngành nông nghiệp.

Từ khẳng định những kết quả đạt được, phân tích, đánh giá tình hình, nhiều ý kiến thành viên Chính phủ cho rằng cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước để chủ động trong phản ứng chính sách, đề ra những giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra cho năm 2015 - năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm cuối của kế hoạch 5 năm 2011-2015.

An sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm. Trong 10 tháng đầu năm ước tạo việc làm cho khoảng 1,362 triệu người, đạt 85% kế hoạch và tăng 3,5% so với cùng kỳ  năm trước. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đối tượng bảo trợ xã hội… được quan tâm và triển khai thực hiện hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả.

BD t/h

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 37
Chung nhan Tin Nhiem Mang