Đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, lễ hội lớn trong năm 2016
Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 08 tháng 01 năm 2016 về việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tuyệt đối Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tết Nguyên đán Bính Thân, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Festival Huế và các sự kiện chính trị, lễ hội lớn trong năm 2016.
Theo đó, để đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, lễ hội quan trọng trong năm 2016, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống tội phạm; phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới; Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 09/12/2015 của UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Bính Thân (2016)...
Duy trì chế độ trực lãnh đạo, chỉ huy, trực ban, trực chiến, bảo vệ cơ quan, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là trước, trong và sau thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị, lễ hội, tết trong năm 2016.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cơ quan liên quan, cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình Trung ương, địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan lĩnh vực ANTT đến toàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang biết, thực hiện.
Công an tỉnh tăng cường cán bộ chiến sỹ về địa bàn để chủ động nắm chắc tình hình, vụ việc nhạy cảm, phức tạp ngay tại cơ sở, kịp thời tham mưu, phối hợp đề xuất giải quyết, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT. Thực hiện tốt công tác quản lý cư trú, xuất nhập cảnh, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, quản lý sử dụng pháo và quy định của Chính phủ về cấm sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, đốt và thả đèn trời; phối hợp, tập trung kiểm tra, phát hiện, xử lý và chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí biến tướng, trá hình, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, nhất là đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT; không để xảy ra tình trạng sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại các quán bar, phòng trà, karaoke...; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị; làm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí theo chỉ đạo của Chính phủ; không để xảy ra tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, đón, trả khách không đúng quy định, chèn ép khách..., tạo môi trường lành mạnh cho nhân dân vui Xuân, lễ hội, đón Tết an toàn, hạnh phúc.
Công an tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Công Thương (Chi cục Quản lý thị trường), Hải quan tỉnh, Cục thuế tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ huy động lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp pháp luật, nghiệp vụ tiến hành đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, lễ hội lớn của đất nước, địa phương; tập trung đánh mạnh vào các ổ nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội, các loại tội phạm xảy ra nhiều, tội phạm có tính côn đồ, hung hãn, hạn chế đối tượng truy nã phát sinh; kiềm chế, kiểm soát tội phạm, kiên quyết không để tội phạm lộng hành.
Tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan liên quan triển khai các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết); giữ vững và ổn định giá, chống đầu cơ, nâng ép giá, nhất là trong các dịp lễ, tết, chú ý tại các địa bàn cửa khẩu, biên giới, tuyến, địa bàn trọng điểm của tỉnh.
BCH Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Ban chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã và thành phố Huế, các đồn Biên phòng xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã và thành phố Huế, các cơ quan liên quan xây dựng, triển khai thực hiện phương án, kế hoạch bảo vệ các điểm vui chơi công cộng trong dịp lễ, tết, diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng năm 2016; tổ chức trực sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo tuyệt đối an toàn biên giới, đất liền, biển đảo…
Đồng ý chủ trương triển khai đầu tư nhà máy may tại Khu công nghiệp Phú Đa
Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Công văn số 126/UBND-XTĐT ngày 08 tháng 01 năm 2016 đồng ý chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Dệt may Huế triển khai đầu tư dự án nhà máy May 4 tại Lô CN12-5 và CN 12-6, Khu công nghiệp Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế theo đề xuất của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tại Công văn số 465/BQL-ĐT ngày 22/12/2015.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung dự án đầu tư để quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu nhà đầu tư có yêu cầu).
Sở Nội vụ và UBND huyện Phú Lộc đứng đầu về công tác cải cách hành chính
UBND tỉnh vừa công bố kết quả đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính (CCHC) của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2014, theo đó, đứng đầu về công tác cải cách hành chính của khối các sở, ban, ngành cấp tỉnh là Sở Nội vụ và đứng đầu về công tác cải cách hành chính khối UBND các huyện, thị xã, thành phố là UBND huyện Phú Lộc.
Theo kết quả chấm điểm, điểm bình quân chung của 21 sở, ban, ngành cấp tỉnh theo Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại công tác CCHC năm 2014 là: 60,18/100 điểm. Sở Nội vụ đạt điểm số cao nhất với 69,95 điểm.
Có 6/21 sở, ban, ngành đạt được từ 65 đến 70 điểm, xếp vào nhóm khá, chiếm tỷ lệ 28,6% trong tổng số sở, ban, ngành cấp tỉnh, gồm các sở: Nội vụ, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Kế họach và Đầu tư và Văn phòng UBND tỉnh; 13/21 sở, ban, ngành đạt được từ 50 đến 65 điểm, xếp vào nhóm trung bình, chiếm tỷ lệ 61,9%; 2/21 sở, ban, ngành đạt dưới 50 điểm, xếp vào nhóm thấp, chiếm tỷ lệ 9,5% gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ban Dân tộc.
Điểm trung bình đạt được của 8 huyện, thị xã (thành phố Huế không tham gia chấm điểm) theo Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại công tác CCHC năm 2014 là: 54,47/100 điểm. Huyện Phú Lộc đứng đầu với số điểm đạt được là: 68,5 điểm.
Có 1/8 huyện, thị xã đạt được từ 65 đến 70 điểm, xếp vào nhóm khá, chiếm tỷ lệ 13% trong tổng số huyện, thị xã, là huyện Phú Lộc; 5/8 huyện, thị xã đạt được từ 50 đến 65 điểm, xếp vào nhóm trung bình, chiếm tỷ lệ 62,5%; 2/8 huyện, thị xã đạt dưới 50 điểm, xếp vào nhóm thấp, chiếm tỷ lệ 25%, là huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà.
Có thể nói rằng, Kết quả đánh giá, xếp loại công tác CCHC phản ánh khách quan, trung thực kết quả triển khai CCHC thực tế của các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2014 và là cơ sở quan trọng giúp người đứng đầu các cơ quan, đơn vị xác định được những mặt mạnh, mặt yếu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC năm 2014. Từ đó có các giải pháp, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp trong việc thực hiện kế hoạch công tác CCHC những năm tiếp theo.
Kế hoạch thực hiện quyền tham gia của trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2020
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch (số 02/KH-UBND) thực hiện quyền tham gia của trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu chung nhằm tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em.
Theo đó, đến năm 2020: 100% các chính sách về trẻ em ở cấp tỉnh, cấp huyện được tham vấn ý kiến của trẻ em; 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em ở trong nhà trường và cộng đồng, xã hội được tham vấn ý kiến của trẻ em; xây dựng 02 mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em.
Cá nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triên khai thực hiện là: truyền thông nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân về ý nghĩa sự cần thiết về quyền tham gia của trẻ em, giúp cho trẻ chủ động, sáng tạo, tự tin trong cuộc sống, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học thông qua các phương tiện truyền thông sẵn có tại cộng đồng và thông qua các hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, cuộc thi hoặc cung cấp các ấn phẩm truyền thông về các chương trình liên quan đến trẻ em. Tập huấn nâng cao năng lực về quản lý nhà nước, cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em. Chú trọng đối tượng cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, giáo viên, cán bộ đoàn đội, cha mẹ và trẻ em. Mở các lớp tập huấn phổ biến các kiến thức về quyền trẻ em, kỹ năng lắng nghe, chia sẻ ý kiến của trẻ em cho cha mẹ, thành viên trong gia đình. Thành lập câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em, trên cở sở tham gia tự nguyện của trẻ em, do trẻ em chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động liên quan đến quyền và bổn phận của trẻ em. Thành lập Hội đồng trẻ em, là nhóm đại diện cho trẻ em để định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với đại diện Lãnh đạo các cấp về các vấn đề liên quan đến trẻ em ở địa phương. Tổ chức diễn đàn trẻ em 01 năm 1 lần, để trẻ em nói lên ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, hoặc để các cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em về những vấn đề liên quan đến trẻ em. Thăm dò ý kiến của trẻ em về các vấn đề liên quan đến trẻ em thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, phiếu hỏi, điện thoại, tổng đài tư vấn, internet...
Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2016
Ngày 7/1/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2016 nhằm mục đíchnâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật. Triển khai có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Theo đó, Kế hoạch tập trung vào việc rà soát văn bản pháp luật hiện hành về phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; thống kê những văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ để phù hợp với Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương. Hướng dẫn triển khai Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Củng cố, kiện toàn nguồn nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tập trung tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; các luật mới được Quốc hội thông qua; các dự thảo luật và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực năm 2016. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng đặc thù theo quy định Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, các chương trình phối hợp giữa ngành Tư pháp với các ngành, đoàn thể. Tổ chức “Ngày pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Triển khai các hoạt động xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 gắn với việc thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý”. Tuyên truyền phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Tiếp tục thực hiện các Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành kèm theo Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Đề án khác đang được triển khai thực hiện. Nghiên cứu, nâng cao hiệu quả các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; đa dạng hóa công tác tuyên truyền pháp luật qua các loại hình báo chí, Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân theo Kế hoạch số 38-KH/CCTP ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến cải cách hành chính đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân theo Kế hoạch 89/KH-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tăng cường lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hương ước, quy ước...
Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2016
Ngày 6 tháng 1 năm 2016, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2016.
Kế hoạch nhằm mục đích nắm bắt tình hình triển khai hoạt động kiểm soát TTHC, cải cách TTHC tại các địa phương, đơn vị để kịp thời hướng dẫn thực hiện có hiệu quả công tác này. Giúp cho các địa phương, đơn vị đánh giá được hiện trạng tình hình triển khai hoạt động kiểm soát TTHC, cải cách TTHC tại chính đơn vị mình để kịp thời đưa ra những giải pháp chỉ đạo, điều hành, phát huy hơn nữa những ưu điểm, cũng như giải pháp khắc phục những khuyết điểm, tồn tại và hạn chế. Đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương những cá nhân, tổ chức triển khai thực hiện tốt và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi sai trái, thực hiện không đúng với chỉ đạo, quy định về công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC. Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện kiểm soát TTHC, cải cách TTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh.
Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm soát TTHC; Hoạt động thực hiện đánh giá tác động của TTHC trong dự thảo văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh (Đối với các sở, ban, ngành);Việc thống kê, trình công bố TTHC (Đối với các sở, ban, ngành); Việc niêm yết công khai TTHC và kết quả tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị; Hoạt động rà soát, đánh giá TTHC; Công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính; Công tác truyền thông và chế độ thông tin, báo cáo...
Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy
Để chủ động phòng ngừa các vụ cháy, nổ và giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy, nổ gây nên, nhất là vào thời điểm tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2016 - 2021), trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân, mùa hanh khô đầu năm 2016, dịp bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Festival Huế 2016, UBND tỉnh vừa có Công văn số 85/UBND-KNNC ngày 6/01/2016 yêu cầu Lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế, Giám đốc các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện có hiệu quả một số công tác trọng tâm sau:
Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 94-KH/TU ngày 07/9/2015 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xây dựng các tin, bài, phóng sự hướng dẫn người dân biện pháp phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn khi có sự cố, tai nạn cháy, nổ xảy ra. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chủ doanh nghiệp và người dân thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; xây dựng các mô hình "cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn phòng cháy, chữa cháy", "cụm dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy" và nhân rộng hai mô hình trên. Mở đợt cao điểm kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao. Chủ động trong công tác lập và phối hợp thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tập trung vào các phương án cơ sở trọng điểm có sự tham gia của nhiều lực lượng. Xây dựng Kế hoạch phân công lực lượng, phương tiện tham gia bảo vệ, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các điểm, khu vực tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, tập trung đông người trong các ngày Lễ, Tết.
UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các cơ sở trọng điểm có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy mùa hanh khô, cao điểm Lễ, Tết, Lễ hội và bảo vệ an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Festival Huế 2016. Soạn thảo, in và phát hành các khuyến cáo phòng cháy, chữa cháy trên từng lĩnh vực cụ thể tới các cơ sở, hộ gia đình và nhân dân tại địa phương cấp mình quản lý.
Sở Công Thương chỉ đạo các chợ, trung tâm thương mại, các khu buôn bán tập trung, các kho bảo quản hàng hóa lớn, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng... đảm bảo các điều kiện phòng cháy, chữa cháy trước, trong và sau tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm có kế hoạch phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ, các chủ rừng và lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội biên phòng, dân phòng tại địa phương tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ phòng chống cháy rừng, cấm người không có trách nhiệm tự ý vào rừng; triển khai việc ký cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng đối với chủ rừng và nhân dân sống ven rừng. Phối hợp cùng các ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng; thực tập phương án xử lý tình huống cháy rừng đối với các địa phương.
Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế, Đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố Huế có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến Luật phòng cháy chữa cháy và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương, các khuyến cáo về phòng cháy chữa cháy đế cán bộ và nhân dân trong tỉnh biết, thực hiện.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế; Lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 406/TTg ngày 08 tháng 08 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ; Quyết định số 95/2009/QĐ-TTg ngày 17/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời”; Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.
Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động trực tiếp kiểm tra các hoạt động phòng cháy chữa cháy ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình, có các giải pháp chủ động ngăn chặn cháy lớn; nếu để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Kế hoạch công tác giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2016
Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh ở các cấp, các ngành; triển khai thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh một cách đồng bộ, có hiệu quả qua đó để nâng cao kiến thức, nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân về quốc phòng và an ninh, đưa công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của tỉnh ngày càng chất lượng, hiệu quả góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đó là mục đích của Kế hoạch (số 03/KH-UBND) về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2016 vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành.
Theo đó, các các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2016 là:
Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các văn bản của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành về giáo dục quốc phòng và an ninh nhất là Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh.
Thường xuyên kiện toàn Hội đồng, Ban thường trực, Ban thư ký Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo Điều 44 Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; bổ sung quy chế hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng.
Khảo sát, nắm chắc các đối tượng thuộc diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo khả năng của địa phương, cơ quan, tổ chức nhưng ít nhất phải đạt 40% tổng số cán bộ trong diện phải được bồi dưỡng. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho sỹ quan cấp tá, cấp úy theo quy định.
Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân, coi trọng hình thức tuyên truyền miệng. Tập trung tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ Đảng, chính quyền, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các trường trung học phổ thông học môn giáo dục quốc phòng và an ninh theo phân phối chương trình; các trường trung cấp, cao đẳng, đại học học tập trung tại Trung tâm GDQP-Huế theo Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Bộ Quốc phòng- Bộ Giáo dục và Đào tạo- Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội.
Theo Cổng TTĐT Tỉnh - ThuaThienHue.gov.vn