Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Mua sắm tài sản tập trung trên địa bàn tỉnh mỗi năm sẽ có 2 đợt
Ngày cập nhật 11/10/2016

UBND tỉnh vừa có Quyết định Ban hành Quy chế mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2016.

Theo đó, Quy chế này quy định về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, bao gồm: Danh mục tài sản mua sắm tập trung theo khoản 1 Điều 1 Quyết định số 40/2016/QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh công bố danh mục mua sắm tài sản tập trung trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Tài sản khác do UBND tỉnh quy định thuộc danh mục mua sắm tập trung. Trường hợp nhu cầu mua sắm cấp thiết để phục vụ công tác mà không thể chờ mua sắm tập trung thì phải được UBND tỉnh đồng ý bằng văn bản.

Việc mua sắm tài sản tập trung trên địa bàn tỉnh mỗi năm phân thành 2 đợt. Trong đó đợt 1 là tháng 4 hàng năm; đợt 2 là tháng 10 hàng năm. Căn cứ thông báo dự toán ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền giao đơn vị sử dụng tài sản có trách nhiệm lập văn bản đăng ký mua sắm tập trung gửi cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên để tổng hợp gửi Tổ mua sắm tập trung của tỉnh (Sở Tài chính) trước ngày 28/02 đối với đợt 1 và trước 31/8 đối với đợt 2 hàng năm.

UBND tỉnh quyết định thành lập Tổ mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh gồm đại diện các Sở, ban, ngành có liên quan: Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, các ngành có liên quan do đại diện lãnh đạo Sở Tài chính làm Tổ trưởng. Đồng thời giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ mua sắm tập trung cấp tỉnh theo quy định hiện hành. 

Tổ mua sắm tập trung thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp để tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản. Việc lựa chọn tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Việc mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh hiện nay được thực hiện theo phương thức ký thỏa thuận khung.

Đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản đề xuất nhu cầu mua sắm, lập dự toán mua sắm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, trực tiếp ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu được lựa chọn, trực tiếp thanh toán cho nhà thầu (trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán cho đơn vị mua sắm tập trung), tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chế độ bảo hành, bảo trì tài sản từ nhà thầu được lựa chọn.

Trường hợp mua sắm tài sản thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách nhà nước mà nhà tài trợ có yêu cầu áp dụng theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp thì áp dụng theo phương thức ký hợp đồng trực tiếp.

Theo Cổng TTĐT Tỉnh - ThuaThienHue.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 656
Chung nhan Tin Nhiem Mang