Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Chủ động triển khai công tác phòng chống cơn bão số 7
Ngày cập nhật 17/10/2016
Chiều 16/10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành liên quan và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa về công tác triển khai đối phó với cơn bão số 7 (Sarika). Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì hội nghị; cùng dự có các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương trong tỉnh.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng ngày 16/10, bão Sarika đã vượt qua đảo Lu dông đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 7 năm 2016. Hồi 10 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 750km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16.

Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây,  mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 10 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17. Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc Vĩ tuyến 140N và phía Đông Kinh tuyến 111.50E. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía Bắc Vĩ tuyến 150N và phía Đông Kinh tuyến 112.50E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Tại hội nghị, các bộ, ngành và địa phương đã báo cáo tình hình mưa lũ, mực nước các hồ thủy điện, thủy lợi; công tác chỉ đạo, triển khai phương án khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra và các phương án chủ động phòng chống, đối phó với cơn bão số 7. Do ảnh hưởng của bão kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới nên dự báo từ đêm mai (ngày 17/10) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và dông; ngoài khơi biển động rất mạnh. Hiện mực nước các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang ở mức an toàn.

Trước tình hình mưa lũ và cơn bão số 7 còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai phương án ứng phó, trong đó tập trung công tác thông tin kêu gọi tàu thuyền hoạt động đánh cá trên biển về nơi trú ẩn. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức kêu gọi tất cả các phương tiện tàu thuyền của tỉnh vào bờ tránh trú an toàn với 1.922 phương tiện và 138.021 lao động. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 2 triệu lít xăng, dầu Diezel và 30 nghìn lít dầu hỏa để điều động khi cần thiết.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cơn bão số 7 khả năng sẽ đổ vào đất liền trong 3 ngày tới, trong khi đó các tỉnh miền Trung còn đang bị mưa và ngập lụt, đề nghị các địa phương cần phải chủ động các phương án đối phó, đặc biệt là đảm bảo an toàn về tính mạng con người trên các tàu thuyền, vùng nuôi trồng thủy sản đối với các tỉnh ven biển, các vùng có nguy cơ sạt lở đất đá và lũ quét. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng thường xuyên kết nối thông tin 24/24 giờ với Ban chỉ đạo Trung ương để có sự chỉ đạo và phương án đối phó kịp thời. Các bộ, ngành theo chức năng của mình chủ động các phương án ứng phó với cơn bão số 7, nhất là đảm bảo về giao thông, điện, thông tin liên lạc... Các lực lượng vũ trang chủ động các phương tiện, lực lượng để sẵn sàng tham gia ứng cứu nếu có tình huống xảy ra.

Ngay sau buổi họp trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai một số nhiệm vụ phòng chống cơn bão số 7. Trong đó, yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra; tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, đóng cửa biển, các bãi ngang ven biển; quản lý chặt chẽ số ghe thuyền của các xã bãi ngang ven biển, đầm phá và tổ chức neo đậu tàu thuyền vào vị trí an toàn; không cho người ở lại các thuyền bè, chòi nuôi trồng thủy sản. Các địa phương cũng rà soát phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ sạt lở, vùng thấp trũng, ngập lụt, vùng núi, ven biển để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tăng cường trực ban theo dõi diễn biến của thời tiết để thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành điều tiết nhằm đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.

Theo Cổng TTĐT Tỉnh - ThuaThienHue.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 597
Chung nhan Tin Nhiem Mang