Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5, khóa XV: thông qua Nghị quyết về phát triển du lịch, dịch vụ và Nghị quyết về công tác giảm nghèo bền vững
Ngày cập nhật 31/10/2016
Ngành du lịch - dịch vụ chiếm 56% trong GRDP nhưng chỉ đóng góp 15% vào ngân sách của tỉnh; sản phẩm và chất lượng du lịch chưa cao, du lịch văn hóa di sản là sản phẩm chủ đạo nhưng còn đơn điệu. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn cao, thiếu tính bền vững, nhất là ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…Đây là những vấn đề được Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5, khóa XV tập trung thảo luận theo 2 Tờ trình của Tỉnh ủy về đề án phát triển du lịch, dịch vụ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020.

Thay đổi tư duy làm du lịch

Trong những năm qua, bức tranh du lịch Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư hoàn thiện. Tổng lượt khách du lịch đến Huế tăng bình quân hằng năm trên 10%, sản phẩm du lịch, dịch vụ phát triển đa dạng và từng bước nâng cao chất lượng. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao vị thế của văn hóa Huế trong nước và thế giới.

Bước vào thời kỳ mới, du lịch của Thừa Thiên Huế đang có dấu hiệu chững lại và có nguy cơ bị tụt hậu. Biểu hiện rõ nhất là hiệu quả kinh tế du lịch chưa cao, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn và đơn điệu, chưa có sản phẩm đặc sắc mang bản sắc Huế, chất lượng dịch vụ chưa cao. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là phải nhìn nhận đúng những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, tìm ra những giải pháp đột phá để đưa du lịch Thừa Thiên Huế phát triển thật sự là một ngành kinh tế mũi nhọn.

Thảo luận về các vấn đề nêu trên, các ý kiến tại Hội nghị cho rằng, để phát triển hiệu quả du lịch của tỉnh, vấn đề cần quan tâm là phải tập trung đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Cần xác định được đối tượng du lịch đến với Huế để xây dựng những sản phẩm du lịch đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Thế mạnh du lịch của tỉnh vẫn là du lịch di sản văn hóa, tuy nhiên cũng cần phát triển loại hình du lịch tâm linh vốn là thế mạnh của địa phương.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Ngọc Nam, nêu ý kiến, cần nhìn nhận một cách thực tế rằng du lịch của tỉnh đang ở mức nào trong khu vực và cả nước để đưa ra mục tiêu phát triển phù hợp cũng như hướng tới những đối tượng khách du lịch để phục vụ và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Cùng quan điểm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Thiên Định cho rằng, không nhất thiết đặt ra mục tiêu nằm trong tốp đầu phát triển du lịch của cả nước mà cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, chứ không phát triển phân tán, có như vậy mới thu hút được đối tác chiến lược đầu tư vào du lịch.

Hầu hết các ý kiến cho rằng, cùng với thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển du lịch cần phải quan tâm giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển công nghiệp, nông nghiệp, gắn với văn hóa và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Hiện nay, du lịch và dịch vụ mới chỉ phát triển ở các vùng lõi, vùng trung tâm, vùng di sản, chưa có sự phối hơp với nhân dân; cơ quan chuyên trách tham mưu và tổ chức hoạt động về du lịch còn bất cập và hạn chế về nguồn nhân lực. 

Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Lê Hữu Minh cho rằng, để nâng cao hiệu quả kinh tế du lịch của tỉnh, giải pháp quan trọng và xem là đột phá là phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; bởi thực tế hiện nay chưa có nhiều chuyên gia trong quản lý du lịch, quản trị khách sạn và quảng bá xúc tiến đầu tư, nhất là cung cách phục vụ của đội ngũ phục vụ du lịch chưa thật sự chuyên nghiệp. Theo Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Thành, thời gian tới cần phải có cơ chế rõ ràng để huy động được kinh nghiệm các nhà đầu tư về du lịch, dịch vụ; quản lý Nhà nước về du lịch, dịch vụ cũng phải có sự thay đổi, không ôm đồm mà giao việc, có sự phân cấp để quản lý.

Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất

Về thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, huy động nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 11,16% năm 2010 xuống còn 4,1% năm 2015. Tuy vậy, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, chưa phát huy các nguồn lực trong dân, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách.

Đồng tình với 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp của Ban thường vụ Tỉnh ủy về công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Hầu hết ý kiến của các đại biểu đều cho rằng, phải gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường để đạt kết quả cao nhất; bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu vào khu vực nông thôn, miến núi. Đồng thời tăng cường nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương cũng như các nguồn vốn ưu tiên cho các hộ nghèo và phải coi hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Bí thư Huyện ủy Nam Đông Trần Xuân Bình nhìn nhận, xóa đói giảm nghèo tuy có chuyển biến, nhưng ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nguy cơ tái nghèo cao, một trong những nguyên nhân chính là thiếu đất sản xuất. Vì vậy, cần tiếp tục hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, rà soát quỹ đất của các lâm trường để giao lại cho các địa phương; tăng cường bảo vệ rừng, trồng rừng, kết hợp sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Tiếp thu, giải trình và làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bí thư tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, các nhiệm vụ và giải pháp được Tỉnh ủy tán thành và thống nhất cao, thể hiện sự đồng thuận và ý chí quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân Thừa Thiên Huế trong việc phát huy các lợi thế so sánh để phát triển lĩnh vực du lịch - dịch vụ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường; từng bước thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững.

Sau 1 ngày làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Hội nghị đã quyết nghị thông qua các giải pháp về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và một số vấn đề quan trọng khác.

Kết luận bế mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị phải xây dựng ngay chương trình hành động cụ thể; trong đó, xác định những công việc trọng tâm và chủ yếu để tổ chức chỉ đạo thực hiện gắn thực hiện Nghị quyết về du lịch, giảm nghèo bền vững với Nghị quyết của Tỉnh ủy về đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, Chỉ thị của Ban Thường vụ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và cơ quan hành chính nhà nước; khắc phục ngay thái độ làm việc “cầm chừng”, nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.

Theo Cổng TTĐT Tỉnh - ThuaThienHue.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 431
Chung nhan Tin Nhiem Mang