Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung
Ngày cập nhật 20/12/2016
Tiếp tục phát huy tinh thần “4 tại chỗ” trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành và 9 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên cần phải thực hiện trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai mưa lũ trong những ngày qua tại hội nghị trực tuyến vào sáng ngày 17/12.

Tham dự, Hội nghị trực tuyến có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; Lãnh đạo các bộ, ngành và 9 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Gia Lai). Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao chủ trì buổi họp; cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; đại diện lãnh đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế.

Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ từ giữa tháng 10/2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương; 316.719 nhà bị ngập, hư hại; 42.804 ha lúa, 4.703 ha mạ và 39.261 ha hoa màu bị ngập hư hại,...tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỷ đồng. Nâng tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay làm 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).

Riêng, đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 12/12 đến ngày 16/12 tại 9 tỉnh, thành phố vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Gia Lai) đã làm 15 người chết, mất tích; 127 nhà bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng; 111.851 nhà bị ngập nước; 10.059 ha lúa bị ngập, hư hại và nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi.

Về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp, bước đầu 9 tỉnh, thành phố đã đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp 5.850 tấn gạo, 8 tấn Cloruamin B và một số chủng loại khác để khử trùng, vệ sinh môi trường, phòng dịch cho người; hỗ trợ giống cây trồng phục vụ sản xuất 300 tấn lúa giống và 102 tỷ đồng kinh phí hỗ lúa giống, hoa màu, cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Về kinh phí hỗ trợ khắc phục cấp bách về hạ tầng, giao thông, thủy lợi: 1.282 tỷ đồng.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, thiên tai mưa lũ đã có 03 người chết, trên 8.180 nhà bị ngập, trên 3.000 ha mạ đã gieo và lúa giống đã xuống giống bị ngập  úng và thiệt hại hoàn toàn; trên 521 ha hoa cảnh, rau màu bị ngập úng hoàn toàn. Về hệ thống cơ sở hạ tầng, nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng, đặc biệt trên 15 km bờ sông, bờ biển sạt lỡ nặng. Tổng thiệt hại ước tính 356 tỷ đồng. Do nhiều vùng trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt trong nhiều ngày, trước mắt tỉnh đề xuất Chính phủ hỗ trợ 1.000 tấn gạo, 100 tấn giống lúa, 10 tấn ngô giống và 5 tấn rau, đậu các loại, 50 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng, 20 tấn Clorine xử lý môi trường thủy sản...; 370 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục cấp bách về hạ tầng, giao thông, thủy lợi.

Thực hiện 9 nhiệm vụ cấp bách 

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ban, ngành, địa phương về công tác hỗ trợ khác phục thiệt hại mưa lũ và những giải pháp ứng phó với thiên tai trước mắt và lâu dài. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó với thiên tai và những nỗ lực trong chỉ đạo, khắc phục hậu quả của các địa phương trong những ngày qua nên đã hạn chế những thiệt hại lớn do thiên tai gây ra.

Gửi lời thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc với những mất mát và những thiệt hại về tài sản của đồng bào miền Trung, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp ứng phó với thiên tai. Nhất là, tiếp tục huy động các lực lượng cứu trợ nhân dân tại các vùng lũ; không để xảy ra các thiệt hại ở vùng cửa sông, cửa biển. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành hỗ trợ nông dân miền Trung phục hồi sản xuất vụ đông xuân; xử lý hạ tầng, đảm bảo giao thông; tăng cường hỗ trợ học sinh sớm quay trở lại trường học sau lũ.

Đối với các địa phương, Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần “4 tại chỗ” và không được chủ quan trong công tác ứng phó; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Quân đội cùng tham gia ứng phó và cứu trợ nhân dân tại các vùng lũ; chú trọng không để xảy ra các thiệt hại ở vùng cửa sông, cửa biển; giám sát chặt chẽ hoạt động các hồ chứa, công trình thủy điện. Làm tốt công tác truyền thông, động viên nhân dân chủ động vươn lên khắc phục khó khăn; nhất là tinh thần đoàn kết, thương yêu để cùng nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Đồng thời khẩn trương thống kê tình hình thiệt hại báo cáo Chính phủ xem xét để có sự hỗ trợ khắc phục kịp thời.

Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế

Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Ngay sau buổi họp trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã họp nhanh với các ngành, địa phương để triển khai ngay một số biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đánh giá cao sự chủ động và phối hợp tốt của các địa phương, các ngành và các đơn vị liên quan trong triển khai kịp thời phương án ứng phó thiên tai; nhất là đã thông tin, thông báo kịp thời cho người dân về tình hình mưa lũ cũng như công tác điều tiết, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Tuy nhiên, trong đợt mưa lũ này vẫn có 3 trường hợp người bị chết, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương cần phải chỉ đạo và kiểm tra chặt chẽ hơn nữa để không có thêm trường hợp bị chết trong đợt mưa lũ này; việc ứng phó thiên tai cần phải chủ động trong bất kỳ tình huống và thời gian, các địa phương và các sở, ngành, đơn vị liên quan phải hết sức lưu ý yêu cầu này.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi lũ xuống, các địa phương cần phải khẩn trương đánh giá thiệt hại để có giải pháp phù hợp nhất tại địa phương mình; kiểm tra hệ thống giao thông, thủy lợi bị thiệt hại để tu sửa phục vụ đi lại và khách du lịch. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành thống kê thiệt hại và kiến nghị hỗ trợ khắc phục; nhất là về giống cây trồng, vật nuôi, thuốc khử trùng để đảm bảo môi trường, không gây dịch bệnh cũng như nguồn lực khắc phục các công trình phục vụ sản xuất bị hư hại nặng. 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp phải chủ trì và phối hợp với các địa phương chuẩn bị phương án và kế hoạch sản xuất vụ đông xuân cụ thể, đảm bảo đúng lịch thời vụ; lưu ý về giống lúa, rau màu số lượng bao nhiêu, lấy từ nguồn nào, đề xuất nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ. Các ngành Giao thông, Giáo dục đào tạo rà soát cơ sở hạ tầng bị thiệt hại, đề xuất khắc phục, tu sửa, chủ động có kế hoạch cho học sinh đi học trở lại; ngành Y tế xem xét tình hình khử trùng và môi trường để không phát sinh dịch bệnh; ngành Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét kỹ các đối tượng thiệt hại để khi có nguồn hỗ trợ gạo từ Trung ương cấp phát cho đúng; ngành Tài nguyên và Môi trường xem xét môi trường tại các cơ sở sản xuất và các khu vực khai thác khoáng sản. Lực lượng Công an, Quân sự tiếp tục hỗ trợ cho các địa phương cũng như tăng cường đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội.

Về khen thưởng, UBND tỉnh sẽ khen thưởng ngay cho cụ già 72 tuổi ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, mặc dù tuổi cao nhưng đã kịp thời cứu sống một nữ sinh viên trên đường đi học về bị nước lũ cuốn. Nhân đây, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành phải thông tin, tuyên truyền rộng rãi và khen thưởng kịp thời cho những người có hành động giúp và cứu người trong thiên tai.

Theo Cổng TTĐT Tỉnh - ThuaThienHue.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 98
Chung nhan Tin Nhiem Mang