Ngày 01/12/2017, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương về chủ động phương án bình ổn, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu, xử lý các biến động bất thường của thị trường từ nay cho đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Do ảnh hưởng của thiên tai mưa lũ, hầu hết các xã vùng hạ du đều bị ngập lụt kéo dài, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản; tình hình sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ; đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng lượng thực, thực phẩm, hoa màu bị thiệt hại nặng nề, nhiều nguy cơ gây ra nhiều biến động lớn một số mặt hàng nông sản từ nay cho đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Để chủ động ứng phó, đảm bảo bình ổn cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, chủ động phương án xử lý biến động bất thường của thị trường từ nay cho đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương:
1. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế yêu cầu các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh ngành hàng thiết yếu tổ chức rà soát, cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục bình ổn giá và chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp, phương án bình ổn thị trường trên địa bàn; đồng thời lựa chọn các doanh nghiệp, đại lý đầu mối dự trữ hàng hoá, xác định lựa chọn nhóm hàng, mặt hàng dự trữ đảm bảo mục đích bình ổn thị trường khi có các biến động bất thường.
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường nắm bắt giá cả, lượng hàng hóa thiết yếu; đặc biệt là các mặt hàng đang bị tác động tiêu cực của thời tiết, như rau củ quả, hoa màu tại các chợ, Trung tâm thương mại thuộc địa bàn quản lý để kịp thời thông tin, điều phối hàng hóa, ổn định tâm lý người tiêu dùng. Chủ động làm việc với các hệ thống phân phối của siêu thị BigC, Coopmart để tăng lượng cung ứng các mặt hàng rau củ quả, hoa màu từ các vùng khác về để bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh.
2. Chi cục Quản lý thị trường rà soát lại tổ chức thực hiện nhiệm vụ "xử lý biến động thị trường bất thường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế"; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và theo dõi, giám sát số lượng, chất lượng hàng hóa thiết yếu trên thị trường; phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND cấp huyện tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, công khai giá tại các điểm kinh doanh, nhất là ở các chợ trên địa bàn; phối hợp với Chi cục Thú y có kế hoạch kiểm soát, phòng chống dịch, bệnh ở gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh.
3. Yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các đại lý đầu mối cung ứng, phân phối trên địa bàn có kế hoạch cụ thể nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tăng cường dự trữ nguyên, nhiên vật liệu đầu vào để chủ động trong sản xuất, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Vận động các doanh nghiệp tham gia hưởng ứng tích cực Chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến mại, các phiên chợ bán hàng khuyến mại về nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; cung ứng các mặt hàng của Việt Nam sản xuất với chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý. Vận động các nhà phân phối, siêu thị tổ chức thường xuyên các xe bán hàng lưu động và đồng thời có phương án chuẩn bị sẵn sàng để đối phó kịp thời trong trường hợp xảy biến động cục bộ.
4. Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất nông nghiệp để chủ động thông tin điều phối thị trường nông sản, hoa màu; phối hợp với Sở Tài chính trong việc quản lý giá, xử lý các biến động về giá.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương, các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế phối hợp thực hiện; tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xử lý kịp thời, dứt điểm các vấn đề phát sinh.
Theo Cổng TTĐT Tỉnh - ThuaThienHue.gov.vn