Kết quả sau 5 năm thực hiện
Sau 5 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2016, toàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực trong tổ chức thực hiện, tạo chuyển biến về nhận thức của cán bộ và người dân, huy động hệ thống chính trị các cấp tham gia. Số tiêu chí đạt chuẩn tăng đáng kể hàng năm, bộ mặt nông thôn khởi sắc, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội. Mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.
Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 23/104 xã đạt chuẩn NTM (22,1%); 26 xã đạt từ 15-18 tiêu chí (25%); 50 xã đạt 10-14 tiêu chí (48,1%); 5 xã đạt 8-9 tiêu chí (4,8%). Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh trong 5 năm đạt 6.376,725 tỷ đồng; người dân đã đóng góp tiền, đất đai, hoa màu, ngày công trị giá hơn 601 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 9,43% (trong đó, có hơn 144 ha đất và hơn 379.000 ngày công được đóng góp để xây dựng đường thôn, đường ngõ xóm, nhà văn hoá thôn, chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, nhà cửa…). Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng nguồn vốn được huy động từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn lực khác là 3.159 tỷ đồng. Thông qua các dự án đầu tư hạ tầng của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá UBND tỉnh, do nguồn lực của các địa phương còn khó khăn, việc huy động nguồn vốn trong dân còn hạn chế; do đó có nơi đã xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, nhất là ở cấp xã. Tính đến cuối năm 2016, số nợ đọng xây dựng cơ bản trong toàn tỉnh hơn 83 tỷ đồng; đến 15/7/2017 đã giảm xuống còn khoảng 26,5 tỷ đồng (do trong năm 2016 đã trả nợ hơn 62 tỷ đồng từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất và một phần ngân sách của các địa phương). Bên cạnh đó, trong thực hiện xây dựng NTM, một số địa phương chỉ chú ý về xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa tập trung cao cho việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường. Vì thế, các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất chuyển biến chậm, một số tiêu chí mới đạt ngưỡng so với quy định, chất lượng chưa cao và khó duy trì bền vững. Một số xã đạt chuẩn nhưng đời sống người dân còn khó khăn, nhất là các xã miền núi. Vì vậy, nếu không có giải pháp huy động nguồn lực tốt hơn và hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách tỉnh cho đầu tư cơ sở hạ tầng ở các xã xây dựng NTM thì khả năng về đích xây dựng NTM theo chỉ tiêu đề ra sẽ gặp khó khăn.
Không hỗ trợ dàn trải
Vì những lý do nêu trên, UBND tỉnh đã có tờ trình quy định cơ chế chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016-2020 để HĐND tỉnh thông qua nhằm làm cơ sở giúp các địa phương có điều kiện huy động nguồn lực để xây dựng NTM. Về phương án và mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ sẽ có thay đổi so với Quyết định 32/2012/QĐ-UBND và không hỗ trợ dàn trải như trước mà tập trung hỗ trợ cho các công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm...; đồng thời, đưa khỏi danh sách những công trình không được hỗ trợ giai đoạn hiện nay như các trạm y tế xã, trụ sở HĐND và UBND xã…
Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế về vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, ngân sách tỉnh đảm bảo bố trí tối thiểu 2/3 tổng vốn đối ứng của tỉnh để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, tương đương 727,41 tỷ đồng (bình quân 145,48 tỷ đồng/năm). Ngân sách huyện, thị xã, xã bố trí tối thiếu 1/3 tổng vốn đối ứng của tỉnh, tương đương hơn 363 tỷ đồng, bình quân hơn 9 tỷ đồng/địa phương/năm. Ngoài ra, tỉnh sẽ bố trí để lồng ghép các nguồn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và các chương trình mục tiêu, dự án, nguồn vốn huy động hợp pháp khác cho các xã xây dựng NTM.
Về danh mục công trình đề nghị được hỗ trợ đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, gồm: các công trình giao thông nông thôn là đường xã, trục thôn, liên thôn, đường trục chính nội đồng; kênh mương cấp 2 trở xuống, đê nội đồng do xã quản lý; các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Nhà văn hóa xã (hỗ trợ tối đa 2,5 tỷ đồng/công trình). Các công trình hạ tầng khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản; công trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề; công trình thoát nước thải khu dân cư; công trình thu gom xử lý rác thải, mức hỗ trợ theo Quyết định 32/2012/QĐ-UBND...
Theo Cổng TTĐT Tỉnh - ThuaThienHue.gov.vn