Nhận định nêu trên vừa được ông Trương Bá Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính chia sẻ tại hội thảo Vietnam Finance 2018 chủ đề “Chuyển đổi số ngành Tài chính” diễn ra hôm nay, ngày 26/9 tại Hà Nội.
|
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính Trương Bá Tuấn nhận định, khả năng thích ứng, chủ động nắm bắt cơ hội và ứng phó phù hợp với thách thứct ừ cách mạng 4.0 là nhân tố quyết định.
|
Cơ hội đang ở dạng tiềm năng, thách thức đã hiện hữu!
Cũng trong trao đổi tại hội thảo, ông Trương Bá Tuấn cho biết, đẩy mạnh phát triển, ứng dụng CNTT và chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ những năm gần đây.
Hiện thực hóa các chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đồng thời đề ra những biện pháp, giải pháp để tăng cường sự thích ứng cũng như chủ động áp dụng những thành quả của CNTT, của cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.
Cụ thể, năm 2016, Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ Tài chính giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp đó, vào tháng 3/2018, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ra Nghị quyết 02 về triển khai ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài chính-ngân sách; Bộ Tài chính ngay sau đó đã có Kế hoạch hành động nhằm thực hiện Nghị quyết này.
Thời gian qua, một số hệ thống thông tin tài chính quy mô lớn, đóng vai trò nền tảng trong hoạt động tài chính-ngân sách đã được Bộ Tài chính triển khai hiệu quả, có thể kể đến như hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS); hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS); hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS)...
Kết quả rõ nét nhất, theo ông Tuấn, là liên tiếp trong 6 năm qua, từ năm 2013-2018, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu khối các bộ, ngành về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam-Vietnam ICT Index.
Ông Tuấn cũng chỉ rõ, mặc dù đạt được nhiều thành tựu song nhìn xa, rộng hơn, trong tiến trình tới đây, việc tiếp tục thích ứng và chủ động có biện pháp để khai thác những lợi ích có được từ cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra vấn đề: phải làm sao để Bộ Tài chính có thể tiếp tục khai thác hiệu quả những cơ hội cũng như có biện pháp để giảm thiểu những rủi ro, thách thức đặt ra từ tiến trình tham gia vào CMCN 4.0.
“Cơ hội và thách thức đan xen với nhau. Và cần nói là, trong khi cơ hội ở dạng tiềm năng thì các thách thức lại là hiện hữu, đòi hỏi phải có sự nhận diện, đánh giá đầy đủ. Công nghệ thay đổi với tốc độ nhanh, khó dự đoán. Khả năng thích ứng, chủ động nắm bắt cơ hội và ứng phó phù hợp với thách thức là nhân tố quyết định”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đề cập đến cơ hội từ CMCN 4.0, vị Phó Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, CMCN 4.0 tạo điều kiện để ngành Tài chính tiếp tục tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu KHCN trước hết là CNTT và công nghệ số vào thực hiện các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, ví dụ: các giao dịch số hóa, các nền tảng mà chúng ta có được từ tăng cường ứng dụng CNTT, dữ liệu lớn, hay những phân tích thông minh sẽ hỗ trợ tốt hơn cho quá trình ra quyết định.
Mặt khác, khi ngành Tài chính có được một hệ thống CNTT đầy đủ hơn cũng sẽ tạo điều kiện cho Bộ Tài chính và các cơ quan của Bộ trong việc khai thác thông tin, dữ liệu từ các đối tác thứ ba cũng như từ bên ngoài để phục vụ cho quá trình ra quyết định với từng ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của CNTT, các công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và phân tích thông minh cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng điều hành các nhiệm vụ về tài chính - ngân sách, ví dụ như khi thông tin đầy đủ, kịp thời hơn thì các quyết định điều hành cũng sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn.
“Việc tăng cường ứng dụng CNTT còn tiếp tục tạo điều kiện cho Bộ Tài chính thúc đẩy phát triển các giao dịch tài chính trực tuyến, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần xây dựng Chính phủ điện tử; nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thiểu chi phí quản lý, tuân thủ hành chính trong các lĩnh vực như thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, bảo hiểm... từ đó góp phần giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho cả cơ quan nhà nước cũng như người dân và doanh nghiệp”, ông Tuấn cho hay.
Bảo mật thông tin là thách thức lớn với ngành Tài chính trong CMCN 4.0
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ rõ, cuộc CMCN 4.0 đặt ra nhiều thách thức cho ngành Tài chính trong thời gian tới. Thách thức trước tiên là đặt ra yêu cầu phải xử lý hiệu quả “khoảng trống” của chính sách để thích ứng với sự thay đổi trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Minh chứng cho nhận định của mình, ông Tuấn nêu, trong CMCN 4.0, các cơ chế, chính sách hiện hành có thể không bao quát được các hoạt động kinh tế mới phát sinh dẫn tới những thách thức đối với chính sách thuế như: các tiến bộ công nghệ đã tạo ra các mô hình kinh doanh số mới như cung cấp hàng hóa, dịch vụ qua mạng; các hoạt động của nền kinh tế chia sẻ...); các doanh nghiệp không cư trú tương tác với khách hàng ở một quốc gia khác mà không có bất kỳ hiện diện vật lý nào ở quốc gia đó, cơ quan thuế khó khăn hơn trong việc theo dõi các dòng thu nhập. Ngoài ra, đó còn là việc phát sinh thêm các hành vi trốn thuế mới.
Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ phải điều chỉnh một số chính sách để thích ứng và khai thác hiệu quả các lợi ích mà quá trình số hóa có thể mang lại như chính sách thuế; quản lý chi tiêu công; mua sắm công; quản lý, giám sát thị trường tài chính.
“Điểm mặt” 4 thách thức lớn khác từ cuộc CMCN 4.0 với ngành Tài chính, ông Tuấn đánh giá, đó là thách thức về an ninh mạng và bảo mật thông tin; thách thức về chất lượng nguồn nhân lực và khả năng tiếp cận CNTT của người dân; thách thức về bố trí nguồn lực để thích ứng với CMCN 4.0; cũng như yêu cầu về minh bạch hóa, trách nhiệm giải trình trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực công sẽ còn cao hơn nữa thời gian tới.
Nói rõ hơn thách thức mới về an ninh mạng và bảo mật thông tin, ông Tuấn nhấn mạnh: “Trong bối cảnh tính kết nối của thông tin, dữ liệu ngày càng gia tăng, yêu cầu về bảo mật thông tin là rất quan trọng và phải đối mặt với nhiều thách thức. Yêu cầu đặt ra là cần phải có những công cụ bảo mật mới, phải có những nguồn lực lớn về tài chính và con người để có thể ứng phó. Ngành Tài chính cũng cần quan tâm đến việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dự phòng và nâng cao nhận thức về bảo mật và an toàn thông tin”.
Với các thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận CNTT của người dân và bố trí nguồn lực để thích ứng với CMCN 4.0, để ứng phó, ông Tuấn đề xuất, thời gian tới ngành Tài chính cần có kế hoạch đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, có khả năng ứng dụng CNTT; nâng cao tiếp cận về CNTT của người dân, đẩy mạnh số hóa toàn diện; tăng chi đầu tư cho con người, chi cho KH&CN và ứng dụng CNTT.