Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán phù hợp quá trình chuyển đổi số
Ngày cập nhật 05/12/2023

TBTCO) - Việc sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán 2015 nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia. Hiện tại, các quy định của luật hiện hành chủ yếu theo phương thức kế toán thủ công, thực hiện trên giấy và chưa có các quy định cụ thể hướng dẫn thực hiện kế toán điện tử.

(TBTCO) - Việc sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán 2015 nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia. Hiện tại, các quy định của luật hiện hành chủ yếu theo phương thức kế toán thủ công, thực hiện trên giấy và chưa có các quy định cụ thể hướng dẫn thực hiện kế toán điện tử.
Sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán phù hợp quá trình chuyển đổi số
Bộ Tài chính phối hợp với Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam tổ chức hội thảo về sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán Việt Nam, ngày 27/6/2023. Ảnh: Đức Minh

Cấp thiết sửa đổi quy định nghiệp vụ kế toán

Luật Kế toán số 88/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017. Dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, theo TS. Vũ Đức Chính – Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), thời điểm đó, luật có những điểm nhấn đáng ghi nhận, như: các quy định về công nghệ thông tin, lưu trữ điện tử, giải pháp để thực hiện phù hợp với công nghệ thông tin, báo cáo tài chính nhà nước…

Tuy nhiên, qua 7 năm thực hiện, Bộ Tài chính nhận thấy cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp thực tiễn. Bộ Tài chính cũng đã có báo cáo đánh giá kết quả trong việc thi hành Luật Kế toán 2015, nêu rõ những nội dung tồn tại, vướng mắc, làm căn cứ để đưa ra những chính sách sửa đổi luật. Đồng thời, tổ chức các hội thảo tham vấn ý kiến của các nhà hoạch định chính sách, tổ chức nghề nghiệp, kế toán doanh nghiệp để xem xét, tiếp thu, trình ra cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo luật.

Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo luật sửa đổi, PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA), cũng cho rằng, Luật Kế toán năm 2015 cần được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhằm mục đích thống nhất quản lý kế toán, bảo đảm kế toán là công cụ quản lý, giám sát chặt chẽ, có hiệu quả mọi hoạt động kinh tế tài chính, cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, kịp thời, công khai minh bạch...

Đồng quan điểm trên, theo GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Phó Chủ tịch VAA, kể từ năm 2015 đến nay, nền kinh tế và các công nghệ kế toán đã có nhiều thay đổi, xuất hiện những vấn đề mới hoặc nhiều điểm mới cần điều chỉnh để phù hợp với hoạt động thực tiễn. Do vậy, việc sửa đổi và bổ sung Luật Kế toán 2015 là cần thiết để đảm bảo tính thực tiễn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới của nền kinh tế.

Rà soát các quy định để phù hợp với quá trình số hóa

Nêu quan điểm nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán 2015, PGS.TS Đặng Văn Thanh cho rằng, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động và làm thay đổi toàn bộ quy trình kế toán, thay đổi các phương pháp kế toán (chứng từ, tài khoản, ghi sổ, đặc biệt là lập và trình bày báo cáo kế toán, báo cáo tài chính). Những quy định pháp luật về kế toán trong Luật Kế toán năm 2015 sẽ không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi tất cả những tác động của công nghệ sẽ dẫn đến sự phát triển và thay đổi chức năng, nhiệm vụ kế toán trong bối cảnh mới.

Theo GS.TS Đoàn Xuân Tiên, trong thời gian tới, môi trường hoạt động kế toán sẽ có những bước phát triển mới khi quá trình mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế cùng các cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi các cơ chế chính sách về tài chính, kế toán phải điều chỉnh kịp thời. Các quy định về kế toán ngày càng tiệm cận hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Bên cạnh đó, phạm vi, đối tượng của hoạt động kế toán ngày càng đa dạng và mở rộng, bao gồm cả lĩnh vực khu vực công (nhà nước) và khu vực tư (doanh nghiệp) với quy mô, tổ chức và hoạt động không ngừng lớn mạnh, các thành phần sở hữu vốn khác nhau, nên các quy định Luật Kế toán cần phải bao trùm và đảm bảo sự phù hợp và hợp lý.

Quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, dẫn đến các quy định về kế toán trong Luật Kế toán hiện hành chưa theo kịp. Thực tế nảy sinh nhiều vướng mắc (như thực hiện ký chứng từ, luân chuyển xử lý chứng từ, lưu trữ tài liệu kế toán, giao dịch kinh tế trên phương tiện điện tử…), do đó, khi sửa đổi bổ sung luật hiện hành cần bổ sung, sửa đổi thêm những quy định mới để làm rõ hơn những vấn đề này cho phù hợp với quá trình chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, các công cụ công nghệ, phần mềm kế toán hiện đang phát triển rất đa dạng, chất lượng khác nhau để hỗ trợ công tác kế toán, nhưng sự kiểm soát, sự đảm bảo chất lượng đối với các phần mềm kế toán và các công cụ ứng dụng hệ thống chưa được quy định trong Luật Kế toán 2015. Do đó, đòi hỏi cần phải có những quy định phù hợp để đảm bảo chất lượng của các phần mềm kế toán, các ứng dụng hệ thống mà đơn vị kế toán sử dụng trong công tác kế toán và công tác quản lý đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp.

Hạn chế tối đa việc xử lý quy trình kế toán trên giấy

Các quy định hiện nay về chứng từ, sổ kế toán, báo cáo tài chính và các tài liệu kế toán khác chủ yếu được thực hiện theo quy định trên giấy nhưng cũng đang có xu hướng tiếp tục giảm cùng với quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, cần thiết cụ thể hóa các quy định mới về chứng từ kế toán điện tử; việc lập và lưu trữ chứng từ kế toán, ký chứng từ kế toán cần được quy định chủ yếu trên phương diện điện tử. Mục tiêu sửa đổi quy định pháp luật về kế toán cần đạt được là giúp các đơn vị cơ sở thực hiện, xử lý và lưu giữ thông tin trên các ứng dụng, hạn chế việc in ấn, chuyển đổi chứng từ, tài liệu kế toán sang chứng từ, tài liệu trên giấy gây lãng phí.

(Theo thoibaotaichinhvietnam.vn)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 834
Chung nhan Tin Nhiem Mang