Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, cùng với nhiều dấu ấn lịch sử trong sự nghiệp bảo vệ nền độc lập và xây dựng đất nước, Ngành Tài chính Việt Nam nói chung và Tài chính Thừa Thiên Huế nói riêng đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển với muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, những gì mà chúng ta đạt được cho đến hôm nay là vẻ vang và đáng tự hào. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, chiến tranh liên miên, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, chúng ta đã xây dựng được một nền tài chính độc lập, tự chủ và xã hội chủ nghĩa, có đường lối, chính sách, có luật lệ, chế độ thống nhất, thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong từng chặng đường phát triển của đất nước, có ngân quỹ và tiền tệ riêng, có ngân sách Trung ương và từng bước có ngân sách của các cấp chính quyền địa phương. Các đơn vị cơ sở có nguồn vốn và các quỹ tự có theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Quan hệ tài chính đối ngoại ngày càng được mở rộng. Nền tài chính Việt Nam đã có những bước phát triển tương đối vững chắc và ổn định, cân đối thu chi NSNN được đảm bảo, tiềm lực tài chính của đất nước có nhiều tiến bộ, chính sách tài chính quốc gia nhanh chóng được đổi mới phù hợp với sự chuyển biến của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước. Hệ thống pháp luật về quản lý tài chính từng bước được luật hóa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Ngành Tài chính Thừa Thiên Huế là một bộ phận của Ngành Tài chính Việt Nam do đó cũng có nhiều nét tương đồng về lịch sử hình thành, phát triển nhưng đồng thời cũng có những đặc điểm, những khó khăn và thuận lợi riêng của vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng ở Huế tiếp nhận một nền kinh tế - tài chính kiệt quệ. Dựa vào chủ trương, chính sách của Đảng và hoàn cảnh cụ thể của địa phương, Tài chính Trung Bộ nói chung và Tài chính Thừa Thiên Huế nói riêng đã thực hiện tốt chính sách tài chính mà trước hết là tạo công quỹ để đáp ứng nhu cầu chi cấp bách của cách mạng. Đầu những năm 60, do tình hình cách mạng tiến triển, Trung ương Cục miền Nam đã hướng dẫn từng bước hình thành một số loại thu nhưng chưa phải là thuế để động viên sự đóng góp của nhân dân vùng giải phóng.
Đầu năm 1967, Trung ương thành lập Ban Kinh tế - Tài chính Khu Trị Thiên Huế trực thuộc Trung ương. Bộ máy tổ chức tài chính lúc bấy giờ có thể nói vừa thiếu lại vừa yếu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dựa vào nhân dân, Tài chính Khu Trị Thiên Huế vừa cố gắng huy động nguồn tài lực, vật lực tại chỗ, vừa tiếp nhận sự chi viện của Trung ương bằng tiền và hiện vật, bảo đảm cung cấp cho lực lượng vũ trang, các ban ngành và lực lượng cách mạng phục vụ cho nhiệm vụ giữ vững và phát triển vùng giải phóng, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng đấu tranh với địch, duy trì và ổn định đời sống nhân dân. Hoạt động Tài chính Khu đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế.
Ngành Tài chính Bình Trị Thiên được thành lập sau khi có chủ trương hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế năm 1976. Hoạt động tài chính bước đầu gặp không ít khó khăn do tình hình kinh tế của cả ba tỉnh điều kém phát triển. Mặt khác, ba vùng có đặc điểm kinh tế - xã hội - chính trị khác nhau, chính sách, chế độ tài chính không đồng nhất. Sau mười lăm năm hợp nhất tỉnh, đến nay Tài chính Bình Trị Thiên (và nay là Tài chính Thừa Thiên Huế) đã góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế và xã hội ở địa phương, tổ chức tốt công tác thu trên địa bàn và tích cực tham mưu tìm kiếm, thu hút các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, tranh thủ thêm các nguồn viện trợ của các tổ chức Quốc tế, góp phần xây dựng các công trình kinh tế - xã hội của địa phương.
Với việc tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật, các qui định về thu chi NSNN từng bước được luật hóa. Tỉ lệ huy động GDP vào NSNN ngày càng cao, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh từ các thành phần kinh tế tăng khá nhanh. Hoạt động chi NSNN từng bước được kiểm soát chặt chẽ theo dự toán, chế độ, định mức chi tiêu thống nhất. Phân cấp ngân sách ổn định, hợp lý tạo thế chủ động cho các cấp chính quyền tự quyết định ngân sách của cấp mình và quan tâm hơn đến việc bồi dưỡng nguồn thu từ các hoạt động kinh tế trên địa bàn. Công tác quản lý thu được chuyển dần theo hướng các người nộp thuế tự tính, tự kê khai nộp thuế với qui trình quản lý khoa học, chặt chẽ, đảm bảo bình đẳng về nghĩa vụ thuế đối với mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đi đôi với việc mở rộng chính sách ưu đãi đầu tư. Cơ cấu chi ngân sách địa phương cũng đã có sự thay đổi theo hướng tăng chi cho đầu tư phát triển và chi cho con người. Các đơn vị sự nghiệp có thu được giao quyền tự chủ về tài chính, tự quyết định qui chế chi tiêu nội bộ, được huy động vốn phát triển sự nghiệp và kinh doanh dịch vụ, tiến dần đến cơ chế quản lý tài chính như doanh nghiệp. Công tác quản lý tài chính trong các lĩnh vực ngày càng được củng cố, chấn chỉnh và đi vào chiều sâu đi đôi với tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh tế - tài chính.
Nhận thức tầm quan trọng của nhân tố con người và cơ cấu tổ chức quản lý, nhân tố có ý nghĩa quyết định đến quá trình trưởng thành của Ngành, hệ thống tổ chức bộ máy Ngành Tài chính Thừa Thiên Huế thường xuyên được kiện toàn, cán bộ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn cán bộ của Ngành được đào tạo có hệ thống, chính quy. Trình độ nhận thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp được nâng cao một cách rõ rệt. Đội ngũ cán bộ trẻ ngày càng phát huy năng lực, trí tuệ và giữ các vị trí chủ chốt.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Ngành qua nhiều thời kỳ, Ngành Tài chính Thừa Thiên Huế đã được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng hai, Bằng khen của Chính phủ; Bộ Tài chính; Tỉnh uỷ, HĐND và UBND Tỉnh.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành tài chính nghiêm túc đánh giá và nhận thấy phần trách nhiệm của Ngành mình khi nền kinh tế tỉnh nhà vẫn còn khó khăn; cơ chế quản lý kinh tế - tài chính chưa thật sự được đổi mới đồng bộ, toàn diện; chất lượng tăng trưởng và hiệu quả của nền kinh tế chưa cao; chưa tạo được những đột phá mới; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; nguồn lực, tiềm năng chưa huy động và sử dụng có hiệu quả; môi trường kinh tế, xã hội chưa thật thuận lợi và ổn định để huy động hết sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế trong đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; ý thức tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng chưa được hình thành rõ rệt; công tác xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa xã hội còn hạn chế.
Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, đòi hỏi toàn Ngành Tài chính cần phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa, huy động trí tuệ tập thể và đoàn kết của các cơ quan trong Ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động vì sự phát triển của Ngành Tài chính tỉnh nhà trong những năm tiếp theo.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngành Tài chính Việt Nam, đánh giá về quá trình xây dựng và trưởng thành qua các giai đoạn lịch sử với nhiều thử thách và vô vàn khó khăn nhưng Ngành Tài chính Việt Nam nói chung và Ngành Tài chính Thừa Thiên Huế nói riêng có thể tự hào đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng một nền tài chính quốc gia ngày càng vững mạnh, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vững vàng về chính trị, tư tưởng, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ; thường xuyên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó./.
Bí thư Đảng ủy Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính
Ths. Huỳnh Ngọc Sơn