Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Bộ Tài chính đề xuất giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho DN
Ngày cập nhật 07/05/2012

Bộ Tài chính vừa cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2012 chỉ đạt 4%, mức thấp nhất kể từ năm 2004, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn, số lượng DN đăng ký mới giảm, trong khi số tạm ngưng hoạt động, giải thể và phá sản tăng.

Cụ thể, qua theo dõi mã số thuế DN, trong quý I/2012 số DN thành lập giảm 10,2% so cùng kỳ; số DN giải thể, phá sản và ngừng hoạt động tăng 14,8%; doanh thu giảm 7% so cùng kỳ; chỉ số tài chính giảm, chi phí lãi vay tăng; số thu thuế nội địa và thu hải quan đều giảm; nợ thuế tăng ở mức 1,76% so năm 2010.

Trước thực tế khó khăn của các DN trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính cho rằng, cùng với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng thì cần phải có những giải pháp tài chính để kịp thời tháo gỡ, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, chống suy giảm kinh tế, gắn với thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát ở mức 9%, phấn đấu đảm bảo tăng trưởng 6%.

 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định phương án sử dụng số tăng thu của năm 2011, trong đó:

- Dành khoảng 2.100 tỷ đồng bổ sung vốn đầu tư để hiện một số công trình cấp bách;

- Dành 750 tỷ đồng làm nhà cho người có công;

- Bố trí 460 tỷ đồng để làm vốn đối ứng cho các dự án ODA;

- Bổ sung 100 tỷ đồng để Hội liên hiệp phụ nữ thực hiện cho phụ nữ nghèo vay vốn sản xuất.

 

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN theo nguyên tắc:

 

 

- Phải bảo đảm được việc tuân theo nguyên tắc thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát tăng trở lại. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế;

- Việc hỗ trợ phải đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đúng mục tiêu và kịp thời theo mức độ khó khăn của DN. Tuân thủ quy định của pháp luật và cam kết quốc tế;

- Bảo đảm khả năng cân đối ngân sách. Ưu tiên lựa chọn những giải pháp có hiệu quả, có tác động lớn đến hỗ trợ vốn và thanh khoản cho DN nhưng không tác động nhiều đến cân đối ngân sách;

- Phối hợp tốt với điều hành chính sách tiền tệ, từng bước hạ lãi suất cho vay và nâng cao khả năng hấp thụ vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào cho DN;

- Thực hiện tái cấu trúc DN và cơ cấu lại sản xuất kinh doanh cũng như tái cấu trúc nền kinh tế, sắp xếp lại ngành hàng phù hợp với lợi thế cạnh tranh và phù hợp với quy hoạch phát triển ngành.

Theo các nguyên tắc nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất 5 nhóm giải pháp về điều hành vĩ mô, chi tiêu công, thuế và phí, điều hành giá và trợ cấp, cải cách thủ tục hành chính thuế. Cụ thể:

Nhóm giải pháp điều hành vĩ mô

- Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tuỳ theo tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng và chỉ số giá tiêu dùng để hạ nhanh lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

- Cơ cấu lại tín dụng, ưu tiên vốn tín dụng phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, sử dụng nhiều lao động… một số phân khúc trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản (nhà để ở, phát triển nhà ở trong khu đô thị…).

- Hỗ trợ DN tiếp cận vốn tín dụng và thị trường chứng khoán thông qua phát triển thị trường chứng khoán và tiết kiệm giảm 5% - 10% chi phí quản lý ở 5 Ngân hàng thương mại Nhà nước và Ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

- Thực hiện các biện pháp thích hợp để tiết kiệm chi, tăng thu NSNN, đảm bảo thực hiện thắng lợi dự toán NSNN năm 2012 đã được Quốc hội thông qua. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Nhóm giải pháp về chi tiêu công

- Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn TPCP, vốn và kinh phí các Chương trình mục tiêu quốc gia đến từng dự án; tìm nguồn vốn bổ sung vốn đối ứng cho các dự án ODA; triển khai các giải pháp đẩy nhanh đầu tư xây dựng cơ bản; đôn đốc để đảm bảo đủ điều kiện triển khai thực hiện các dự án.

- Bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng (nâng tổng mức năm 2012 lên 4.000 tỷ đồng) cho vay đầu tư kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn (tổng mức cả năm 2012 là 4.000 tỷ đồng).

- Thực hiện quản lý, cấp phát thanh toán vốn đầu tư, vốn trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định và kịp thời cho các dự án phù hợp với kế hoạch và tiến độ thực hiện; tạm ứng vốn theo đúng quy định.

- Cho phép sử dụng khoản kinh phí mua sắm trong dự toán năm 2011 đã chuyển nguồn sang năm 2012 để thực hiện mua sắm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- Rà soát việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho các hoạt động xúc tiến thương mại được giao năm 2012 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ tiếp trong năm 2012, trong đó tập trung để mở rộng thị trường có tiềm năng.

- Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo đúng chính sách chế độ, đúng đối tượng và kịp thời.

Nhóm giải pháp về thuế và phí

- Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT trong 06 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp của tháng 4, tháng 5 và tháng 6/2012 của các DN quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 08/2011/QH13 và đang thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

- Giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 theo cơ chế quy định tại Quyết định số 2093/QĐ-TTg ngày 23/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ đối với DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm mà năm 2012 phải xác định đơn giá thuê đất theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 03/12/2010.

- Gia hạn số tiền thuế TNDN còn nợ chưa nộp NSNN của năm 2011 trở về trước trong 09 tháng của các DN quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 08/2011/QH13 và DN sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất, vận tải đường thuỷ (bao gồm cả vận tải thuỷ nội địa và vận tải biển), sản xuất thép, xi măng.

- Miễn thuế môn bài năm 2012 đối với các hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối.

- Gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất trong thời gian tối đa 12 tháng kể từ ngày phải nộp theo thông báo của cơ quan thuế đối với số tiền sử dụng đất đến hạn phải nộp của các chủ đầu tư dự án do có khó khăn về tài chính nên chưa nộp tiền sử dụng đất. Căn cứ tình hình thực tế của DN và mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách địa phương sau khi có ý kiến của Thường trực HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thời gian gia hạn cụ thể cho từng dự án hoặc nhóm dự án.

- Lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ đối với ô tô và xe máy đến hết 31/12/2012 nhằm giảm bớt khó khăn cho DN (giảm chi phí đầu vào) và người dân.

- Giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2012 của các DN quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 08/2011/QH13.

- Miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế TNCN và thuế TNDN trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện hộ, cá nhân, tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.

Nhóm giải pháp điều hành giá và trợ cấp

- Tăng cường hiệu quả công tác quản lý, điều hành giá, nhằm đảm bảo giá cả hàng hoá, đặc biệt là giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, phản ánh đúng giá trị thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ hàng hoá nhằm thao túng thị trường giá cả...

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kết hợp với thuế để ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với nguyên vật liệu quan trọng.

- Rà soát và thực hiện trợ giá xăng dầu, điện đầu vào cho một số lĩnh vực sản xuất/đối tượng (ngư dân đánh bắt xa bờ, sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo) nếu những mặt hàng này tiếp tục có biến động lớn về giá.

Nhóm cải cách thủ tục hành chính thuế

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan nhằm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế cho doanh nghiệp. Cụ thể: Rút ngắn thời gian thông quan; Tăng cường công tác khai thuế điện tử qua mạng; Tiếp tục triển khai nộp thuế qua hệ thống ngân hàng; Đẩy mạnh tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế và hải quan thông qua các chương trình hiện đại hóa và thuế điện tử; Phấn đấu giảm 10-15% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, hải quan cho cá nhân, tổ chức và DN...

Theo www.taichinhdientu.vn

 

Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 84
Chung nhan Tin Nhiem Mang