Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng không phải “cứu cánh” cho DN
Ngày cập nhật 11/05/2012

Gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do Bộ Tài chính đề xuất có tác động tài chính ước khoảng 29.000 tỷ đồng, tuy nhiên, theo TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách - Bộ Tài chính, gói hỗ trợ này không phải thuốc “cứu” cho doanh nghiệp.

Chỉ là giải pháp tạm thời

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do Bộ Tài chính đề xuất có tác động tài chính ước khoảng 29.000 tỷ đồng, giảm thu ngân sách năm 2012 chỉ vào khoảng 9.000 tỷ đồng do giãn thuế 6 tháng hay 9 tháng đều nộp vào ngân sách trong năm. Giãn thuế chuyển nộp sang 2013 khoảng 4.100 tỷ.

Gói giải pháp do Bộ Tài chính đưa ra gồm: các giải pháp về giãn thuế tác động khoảng 16.000 tỷ đồng (giãn thuế VAT khoảng 12.030 tỷ đồng, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 3.000 tỷ đồng). Giải pháp miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế khoán đối với hộ và thuế môn bài 4.100 tỷ đồng. Giải pháp giảm 50% tiền thuế đất khoảng 1.500 tỷ đồng. Riêng giải pháp lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ (phí sử dụng đường bộ thu theo đầu phương tiện) có hiệu lực từ 1/6 đến 1/1/2013 cũng góp vào giảm nghĩa vụ đóng phí cho doanh nghiệp khoảng 3.000-3.200 tỷ đồng. Cộng với các giải pháp liên quan đến chi tiêu khoảng 2.670 tỷ đồng.

Khi đưa ra giải pháp Bộ Tài chính đánh giá tình hình khó khăn của doanh nghiệp thông qua tình hình tế vĩ mô như: xuất nhập khẩu, tăng trưởng GDP, hàng tồn kho, phân tích số lượng doanh nghiệp thành lập mới, ngừng hoạt động, phá sản... Cụ thể, bên cạnh một số ngành vẫn tăng trưởng tốt, qua việc đánh giá hàng tồn kho tăng cao, Bộ đã nhận thấy khó khăn của không ít doanh nghiệp sản xuất đặc biệt các ngành như xây dựng, sản xuất xi măng, sắt thép, sản xuất, chế tạo, lắp ráp động cơ, da giầy, vải bông sợi… lượng thu thuế nội địa, thuế xuất nhập khẩu nói chung giảm đáng kể.

Thực chất, theo TS Vũ Nhữ Thăng, nhóm giải pháp về thuế chỉ là 1 trong 5 nhóm giải pháp để phối hợp tốt chính sách tiền tệ, tài khóa, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, kết hợp với cơ cấu lại hệ thống tín dụng. Gói hỗ trợ chính xác cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không phải là “cứu” mà là Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong lúc thị trường tiêu thu hàng hóa đang yếu, tổng cầu đang yếu.

Hơn nữa, dự toán ngân sách Quốc hội đã thông qua là vẫn phải đảm bảo, vì không có thu thì không lấy đâu ra để chi, đặc biệt chi đầu tư. Ngân sách năm nay phải cân đối rất nhiều cho chi thường xuyên, đặc biệt chi tiền lương tăng, chi cho người có công, chi khoản an sinh xã hội. Nếu không đảm bảo nguồn thu thì sẽ ảnh hưởng ngay tới ngân sách, nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Về chỉ tiêu thu chi ngân sách do Quốc hội quyết định, khoản tăng chi phải báo cáo quốc hội, nhất là những khoản tăng chi sẽ ảnh hưởng cân đối vĩ mô như nợ công, gây bội chi. Trong dài hạn vẫn phải lưu ý chính sách tài khóa chặt chẽ đang triển khai thực hiện mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công…

Do đó, khi đưa gói giải pháp vẫn phải bám sát mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội năm 2012 Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra, tăng trưởng đảm bảo 6,5% và kiểm soát lạm phát 1 con số. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015 trong đó nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo mục tiêu, đưa ra trong đó đặc biệt kiềm chế lạm phát và tăng trưởng không gây xáo trộn trên thị trường.

DN nên điều chỉnh theo cơ hội thị trường

Khó khăn của doanh nghiệp là chi phí đầu vào cao, đặc biệt là chi phí nguyên vật liệu, giá nhập khẩu vào thì cao mà giá xuất ra lại giảm, như giá nông sản. Chi phí tài chính như (lãi suất thời gian qua khá cao), NHNN cũng đã có lộ trình hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Với đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần phải có thu nhập, có lợi nhuận. Nhưng với giải pháp gia hạn thuế VAT, các doanh nghiệp vẫn được hưởng lợi. Khi bán được hàng, có doanh thu là có VAT, Nhà nước giãn thời gian nộp thuế này là đã tạo điều kiện có dòng vốn lưu động cho các doanh nghiệp trong 6 tháng. Ước tổng giá thị thuế VAT này là 12.300 tỷ đồng, nếu như nhân với lãi suất ngân hàng 16%/năm tương đương 1000 tỷ đồng, chính là khoản Nhà nước đã để lại cho doanh nghiệp.

Đặc biệt nhóm giải pháp liên quan giảm 30% thuế TNDN hay miễn thuế khoán VAT, Thu nhập cá nhân (TNCN), Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với với các đối tượng kinh doanh liên quan đến cho thuê nhà trọ, cho sinh viên, học sinh, người lao động hay xuất ăn ca cho công nhân hoặc các hộ trông giữ trẻ….với điều kiện có cam kết không tăng giá, đảm bảo quyền lợi người dân lao động.

Một khó khăn lớn nữa của doanh nghiệp là thị trường đầu ra và tiêu thụ sản phẩm yếu trong khi tồn kho nhiều, nhìn từ công tác thu thuế cho thấy doanh thu đã sụt giảm.

Do đó, để giúp doanh nghiệp tháo gỡ hàng tồn kho như sắt théo, xi măng cho các công trình xây dựng cơ bản, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, chi tiêu công. Riêng các khoản chi mua sắm của Chính phủ mà theo Nghị quyết 11, đã có trong dự toán 2011 nhưng tạm dừng, giờ chuyển nguồn sang năm 2012, giờ đã báo cáo Chính phủ cho phép tiếp tục mua sắm. Các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lĩnh vực lắp ráp sản xuất. - TS. Vũ Nhữ Thăng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thời điểm khó khăn cũng là cơ hội thực hiện quá trình tái cấu trúc, chỉnh lại trong đầu tư công, Nhà nước đầu tư đến đâu, doanh nghiệp đầu tư đến đâu, lĩnh vực nào Nhà nước làm, doanh nghiệp làm. Đây cũng chính là lúc doanh nghiệp tự điều chỉnh theo cơ hội thị trường. Doanh nghiệp tự đổi mới chiến lược kinh doanh, phương thức quản trị cho phù hợp với tình hình mới.

Theo www.taichinhdientu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 53
Chung nhan Tin Nhiem Mang