Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Nghiên cứu khả năng cho DN tư nhân dùng vốn ODA
Ngày cập nhật 05/06/2012

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng của nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ 2012.

Chính phủ đã đạt được thành công trong kiềm chế lạm phát 5 tháng đầu năm, tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm kinh tế. Bộ trưởng đánh giá thế nào về khả năng tăng trưởng kinh tế năm nay?
 

 

Trước hết, phải nói rằng, thời gian qua, chúng ta đã đạt được một số thành tựu trong việc ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là thành công khống chế lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng chỉ tăng 2,78%, lãi suất tín dụng giảm, thanh khoản ngân hàng, dự trữ ngoại hối đã được cải thiện, tỷ giá tương đối ổn định, sản xuất công nghiệp có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, tăng trưởng của quý I chỉ đạt 4%. Đây là mức tăng trưởng rất thấp so với cùng kỳ của 2 năm trước.

Nguyên nhân chính là do chúng ta đã áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, gây khó khăn về tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo với Chính phủ về chỉ tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10% chắc chắn sẽ đạt được. Nhưng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% được Quốc hội duyệt, thì rất khó đạt, bởi quý II tăng trưởng chỉ có thể đạt 4,4 - 4,6%. Trong 6 tháng cuối năm, chúng ta phải đạt được tăng trưởng 7,2 - 7,5%, thì mới có thể có được mức bình quân 6% cho cả năm. Nếu không có đột biến, tôi dự báo, tăng trưởng năm nay chỉ 5,2 - 5,5%, mục tiêu 6% là rất khó đạt được.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các nguồn vốn từ bên ngoài như ODA đóng vai trò rất quan trọng. Bộ trưởng cho biết, tình hình giải ngân của dòng vốn này?

ODA là nguồn vốn rất quan trọng trong thời điểm hiện nay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các nhà tài trợ rất quan tâm đến việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân của dòng vốn này. Tuy nhiên, chúng ta đang gặp phải một số điểm nghẽn, gây cản trở tiến độ giải ngân. Thứ nhất, vốn đối ứng không đảm bảo đúng yêu cầu trong các dự án ODA. Thứ hai, khó khăn về mặt bằng và năng lực của các ban quản lý dự án cũng cản trở tiến độ giải ngân.

Chính phủ vừa qua đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các bộ, ngành có liên quan phải tăng cường rà soát những dự án chậm tiến độ để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Chúng tôi cũng đã chủ động làm việc với những đối tác nước ngoài, như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và sứ quán của các nước Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm rà soát từng dự án, để đưa ra danh sách các dự án chậm tiến độ. Chính nhờ những biện pháp trên, năm 2011, giải ngân đã tăng hơn so với năm trước đó và đạt 3,62 tỷ USD. Năm nay, chúng tôi phấn đấu cao hơn con số này.

Một trong những vấn đề được quan tâm là hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA. Xin Bộ trưởng cho biết, sắp tới, sẽ có những biện pháp nào để nâng cao hiệu quả này?

Về bản chất, vốn ODA là vốn vay với lãi suất thấp và thời gian trả nợ dài, không phải vốn cho không, cấp không. Vì vậy, sử dụng ODA sao cho hiệu quả là trách nhiệm của chúng ta ngày nay. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như các bộ, ngành liên quan làm rất tích cực để cải thiện lại và nâng cao hiệu quả sử dụng dòng vốn ODA. Bên cạnh các biện pháp bảo đảm tiến độ dự án, sắp tới, Nghị định 131/2006/NĐ-CP sẽ được sửa đổi theo hướng tháo gỡ vướng mắc trong quản lý vốn ODA. Thậm chí, chúng tôi đang nghiên cứu khả năng cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sử dụng vốn ODA tại một số lĩnh vực cần được khuyến khích ở một chừng mực nhất định, để tạo ra sự cạnh tranh và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn.

Theo www.taichinhdientu.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 47
Chung nhan Tin Nhiem Mang