Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Tiếp tục duy trì vai trò chủ đạo của DNNN?
Ngày cập nhật 26/06/2012

Đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) bảo đảm vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những chủ đề được các nhà quản lý, chuyên gia quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục duy trì vai trò chủ đạo của DNNN trong nền kinh tế thị trường?

Tỷ lệ nghịch giữa các con số

Câu chuyện nghịch lý giữa nguồn lực và hiệu quả của DNNN không còn quá mới khi mà số liệu gần đây nhất cho thấy, tổng số DNNN hiện có là khoảng 1.309 DN, trong đó có 857 DN kinh doanh, chiếm 65,5% tổng số DN 100% vốn nhà nước. Mặc dù giảm về số lượng nhưng vốn điều lệ và tài sản của DNNN tăng lên nhiều, tính đến cuối năm 2011, các DNNN tập trung chủ yếu ở 96 tập đoàn kinh tế và tổng công ty và một số DN độc lập với tổng tài sản khoảng 1.760.000 tỷ đồng, lợi nhuận 117.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 34% GDP của cả nước.

Tổng tài sản tăng song số nợ phải trả của các DNNN cũng tỷ lệ thuận với khoảng 1.044.292 tỷ đổng, bình quân bằng 1,65 lần vốn chủ sở hữu.

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (HVHCQG Hồ Chí Minh), mặc dù nhận được khá nhiều ưu đãi về nguồn lực nhưng hiệu quả và sức cạnh tranh lại không tương xứng. Dường như đang có một nghịch lý là dù kém hiệu quả, nhưng các DNNN vẫn tiếp cận vốn các ngân hàng vẫn dễ dàng hơn các doanh nghiệp thuộc loại hình khác vì có sự “bảo đảm” nhất định, nên vốn tiếp tục đổ vào, trong khi, đáng lẽ dòng tiền phải chảy từ khu vực có hiệu quả kinh tế thấp sang khu vực có hiệu quả kinh tế cao.

Lợi thế và đặc quyền đang giúp các doanh nghiệp nhà nước đầu tư dàn trải mà không tính toán đến lợi ích kinh tế cũng như được loại trừ trách nhiệm khi xảy ra thua lỗ, DNNN đang đứng ngoài vòng quy luật "lời ăn, lỗ chịu". Sự tồn tại của các Tập đoàn, TCT nhà nước song hành cùng nền kinh tế của đất nước nên không có chuyện phá sản... mà theo TS. Nguyễn Minh Phong, thời gian qua, dường như đã chuyển việc sử dụng Nhà nước là các công cụ dẫn dắt nền kinh tế, thành mục tiêu phải nắm giữ kiểm soát.

DNNN đang dẫn dắt hay kiểm soát nền kinh tế?

Có thể nói, một cấu phần cơ bản của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế là tái cơ cấu khu vực DNNN. Nhiệm vụ này, đặt trong quan hệ với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng bao gồm thay đổi cấu trúc sở hữu, cấu trúc chủ thể của nền kinh tế theo hướng thu hẹp phạm vi và tỷ trọng của kinh tế Nhà nước, tạo điều kiện cho nền kinh tế nhiều thành phần, khu vực tư nhân lớn mạnh; thay đổi phương thức phát triển và cơ chế vận hành nền kinh tế, theo đó hoạt động điều hành nền kinh tế của nhà nước và vận hành của các DNNN chuyển sang nguyên tắc thị trường.

Quan trọng nhất cần phải xây dựng cơ chế quản lý DNNN theo hướng không cho phép doanh nghiệp Nhà nước trở thành độc quyền, để thao túng giá cả, thao túng thị trường và thao túng nền kinh tế, hiệu quả sản xuất kinh doanh kém, mang lại hiệu quả thấp cho nhà nước và cho nhân dân. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực cần nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia, sản xuất, kinh doanh với môi trường điều kiện pháp lý bình đẳng, không để xảy ra tình trạng độc quyền hoặc thao túng thị trường. - PGS.TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh.

Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN nhằm bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN, kể cả các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước lớn…, nâng cao năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhưng phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, DN, nhà đầu tư và người lao động. Điều quan trọng nhất là yêu cầu các DN phải công khai, minh bạch các thông tin về hoạt động kinh tế.

Ông Nguyên Sinh Cúc, Tổng cục Thống kê cho biết, định hướng và giải pháp đối với DNNN trong thời gian tới là cần chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, đồng thời “nghiêm cấm các tập đoàn, tổng công ty phi tài chính đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản”.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, không nên cho phép công ty con đầu tư ngược vào công ty mẹ mà chỉ có thể đầu tư xuôi hoặc đầu tư ngang để tránh hiện tượng đầu tư ảo làm rối loại các quan hệ kinh tế liên quan; để mở rộng và phát triển tập đoàn kinh tế có thể bằng quá trình tích tụ vốn và lợi thế về công nghệ, vốn, năng lực quản lý hoặc bằng việc sáp nhập và tổ chức lại.

Điều quan trọng nhất lúc này là phải thay đổi cơ chế quản lý DNNN, Nhà nước nên "sắm" vai trò gì - dẫn dắt hay kiểm soát nền kinh tế? Và nếu có dẫn dắt thì cũng phải vì đại cục chung: Nhà nước chỉ có mặt ở những nơi mà tư nhân không thể và không muốn làm, hơn nữa đã là doanh nghiệp thì phải bị áp theo cơ chế thị trường, "lời ăn, lỗ chịu".

Nếu không thống nhất quan điểm đó thì khó lòng giải quyết được những hạn chế của việc đầu tư dàn trải, sử dụng vốn tràn lan tại các DNNN như thời gian qua.

Theo www.taichinhdientu.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 51
Chung nhan Tin Nhiem Mang