Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Các Bộ, ngành cần “tăng tốc” kết nối TABMIS
Ngày cập nhật 22/08/2010

Theo kế hoạch kết nối hệ thống mạng của Bộ Tài chính với các Bộ ngành nhằm phục vụ dự án Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS), sẽ có 14 Bộ phải triển khai ngay trong năm 2010, và sang năm 2011 sẽ hoàn tất việc kết nối cho tất cả các Bộ, ngành. Thế nhưng đến giờ, vẫn còn nhiều Bộ, ngành lần đầu tiên được nghe tới “câu chuyện kết nối TABMIS”.

Không Bộ ngành nào “ngoài cuộc”

 

TABMIS là dự án ứng dụng CNTT quy mô quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, được Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với tất cả các Bộ, ngành trong cả nước cùng triển khai thông suốt hoạt động từ Trung ương tới địa phương, nhằm hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch tài chính ngân sách phù hợp với thông lệ quốc tế.

TABMIS gồm 8 chức năng cơ bản: Quản lý mục lục ngân sách và tài khoản; Quản lý phân bổ ngân sách; Cam kết quỹ; Quản lý thanh toán; Quản lý nhận thu; Quản lý tiền mặt; Quyết toán cuối năm; Quản lý báo cáo.

Thoạt nghe, nhiều người sẽ lầm tưởng đây là dự án riêng của Bộ Tài chính, và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm triển khai, vận hành, không liên quan tới các Bộ ngành khác. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả các Bộ, ngành, các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, được giao dự toán Nhà nước đều có trách nhiệm phải tham gia kết nối vào TABMIS.

Theo mục tiêu đề ra, khi tất cả các Bộ, ngành đều kết nối và cùng khai thác, sử dụng hiệu quả TABMIS (giai đoạn 2011 – 2014), Việt Nam sẽ có được một hệ thống thông tin tài chính tích hợp của Chính phủ (quản lý tập trung, thông suốt từ Trung ương xuống tận cấp huyện, xã, có thể xử lý thông tin tức thời, khai thác dữ liệu ở mọi lúc mọi nơi theo đúng chức năng, quyền hạn của người sử dụng), đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng quốc tế về tính minh bạch, công khai tài chính ngân sách quốc gia.

Cần tăng tốc kết nối

Theo kế hoạch kết nối các Bộ ngành với Bộ Tài chính, trong năm 2010 sẽ triển khai kết nối trước cho 14 Bộ gồm: Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch; Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội.

Tuy nhiên, theo lời ông Trần Nguyên Vũ, Phó Cục trưởng Cục Tin học & Thống kê Tài chính, Bộ Tài chính, thì có vẻ như các Bộ, ngành vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng cũng như vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai dự án TABMIS. Đơn cử, từ năm 2009, Bộ Tài chính đã gửi công văn tới các Bộ ngành, thậm chí tháng 1/2010, đích thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã có công văn tha thiết yêu cầu các Bộ, ngành tích cực phối hợp để triển khai thành công TABMIS, và cách đây không lâu, Bộ Tài chính đã tổ chức tập huấn nhập liệu TABMIS cho cán bộ phụ trách tài chính - kế hoạch của tất cả các Bộ, ngành, thế nhưng, tới ngày hôm nay, 11/8/2010, không ít đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành được mời tham dự cuộc họp bàn về sự phối hợp triển khai TABMIS, vẫn khẳng định đây là lần đầu tiên được nghe tới việc này(!)

“Để hỗ trợ các Bộ, ngành “tăng tốc” kết nối, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục gửi công văn nêu rõ những công việc các Bộ, ngành cần gấp rút tiến hành để triển khai TABMIS thành công và đúng kế hoạch”, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học & Thống kê Tài chính nhấn mạnh.

Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã chính thức đề xuất phối hợp, hỗ trợ bằng cách miễn phí toàn bộ dịch vụ triển khai duy trì hệ thống mạng kết nối từ các Bộ, ngành vào TABMIS. Đây là một tin vui lớn đối với các Bộ, ngành bởi nếu theo phương án kết nối qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của Bưu điện Trung ương - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, thì mỗi Bộ, ngành sẽ phải chi một khoản không nhỏ (trong hạng mục triển khai, phí lắp đặt kênh truyền là 1,7 triệu đồng/kênh; trong hạng mục duy trì mạng, thuê kênh tại Bộ Tài chính – 40 triệu đồng/tháng, thuê kênh, thiết bị tại các Bộ - 2 triệu đồng/tháng, bảo trì tích hợp mạng – 67 triệu đồng/năm).

Đại diện Viettel cam kết sẽ miễn phí tới khi nào các đơn vị có khả năng trả chi phí. Và khi tính phí cũng sẽ chỉ áp dụng giá cước theo quy định đối với mạng truyền số liệu chuyên dùng.

(Theo eFinance Online)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 60
Chung nhan Tin Nhiem Mang