Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Đường thừa cung, giá vẫn tăng
Ngày cập nhật 11/10/2012
Bình ổn giá lại là điều mà Hiệp hội Mía đường Việt Nam chưa làm được.

Từ nay đến cuối năm, khi vào mùa cao điểm tiêu thụ đường, các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo lại phập phồng nỗi lo giá đường biến động theo hướng tăng.

Nhưng việc bình ổn giá lại là điều mà Hiệp hội Mía đường Việt Nam chưa làm được.

 

Xài đường ngoại mới yên tâm!

Hiện giá đường Việt Nam cao hơn đường Thái Lan từ 4.000 – 6.000 đồng/kg khiến nhiều doanh nghiệp tiêu thụ đường trong nước quay lưng với đường nội.

Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty CP Bibica cho hay, hiện Bibica nhập khẩu 40% sản lượng đường phục vụ cho dây chuyền sản xuất, trong khi cung đường trong nước lại không thiếu.

 

Nhiều doanh nghiệp tiêu thụ đường cho biết, cái khó hiện nay của doanh nghiệp là giá đường biến động quá chênh lệch so với đường ngoại, khiến chi phí giá thành tăng cao, trong khi mùa cao điểm sản xuất đang đến gần. Ông Trương Phú Chiến đặt câu hỏi: Hiệp hội Mía đường Việt Nam có ổn định được lượng và giá cho người tiêu dùng trong nước hay không?

Ông Chiến kiến nghị, cần ổn định giá đường một năm. Trong khi đó, đại diện Coca – Cola Việt Nam đề nghị giá đường cần ổn định nửa năm hoặc ít nhất một quý.

Ngoài giá cao, ngành mía đường Việt Nam hiện còn đối mặt với chất lượng không ổn định. Về vấn đề này, đại diện Nestlé Việt Nam cho rằng, cần nâng cao chất lượng đường Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, tiến tới thống nhất một tiêu chuẩn chung cho từng loại đường (RE, RS).

Trước thực trạng đường nội bị “chê”, các doanh nghiệp tiêu thụ giải thích, vấn đề không phải là sánh đường ngoại, mà là ngành đường trong nước chưa đáp ứng đủ các yêu cầu của doanh nghiệp mà cụ thể là giá cả và chất lượng.

Một doanh nghiệp chia sẻ: “Nhiều lúc dây chuyền sản xuất đang “nuốt” đường, nhưng khi chúng tôi gọi điện đến nhà cung cấp thì nhận được câu trả lời: Hết đường rồi anh/chị ơi!”. “Có hiện tượng găm hàng chờ giá”, doanh nghiệp này bức xúc.

Đối với các nhà tiêu thụ đòi hỏi tiêu chuẩn mang tính quốc tế như Coca – Cola hay Nestlé, hiện Việt Nam chỉ có một vài nhà máy đáp ứng đủ tiêu chuẩn này. Điều đó cũng khiến một sản lượng lớn đường từ nước ngoài “chảy” vào Việt Nam. Chính vì vậy, để yên tâm, họ buộc phải “xài” đường ngoại.

 

Lỗi do nhà nông?

Trả lời câu hỏi của báo Tổ Quốc vì sao cung đường thừa nhưng giá vẫn tăng, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, vấn đề không nằm ở chỗ doanh nghiệp mà là ở chỗ người trồng. Ông Long giải thích: “Khi ngành đường gặp khó đầu ra, người nông dân lại chặt phá cây mía để trồng thứ khác khiến cho vùng nguyên liệu không ổn định”.

Tuy nhiên, trước câu hỏi, liệu doanh nghiệp thu mua có làm tốt khâu hỗ trợ và liên kết với nhà nông chưa, ông Long lại không đưa ra câu trả lời mang tính thuyết phục.

Hiện bà con ĐBSCL đang đốn mía chạy lũ, trong khi họ luôn canh cánh nỗi lo mất giá. Các doanh nghiệp đường hiện nay vẫn hoạt động mang tính manh mún, mua bán kiểu chụp giựt. Nông dân luôn là người chịu thiệt hại cuối cùng./.

 

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2011 – 2012, ngành mía đường đạt 1,3 triệu tấn. Dự kiến, niên vụ 2012 – 2013, ngành đường sẽ đạt gần 1,6 triệu tấn. Tuy nhiên, theo tính toán, nhu cầu tiêu thụ đường năm 2013 chỉ từ 1,35 – 1,4 triệu tấn. Như vậy, cung đường sẽ thừa khoảng 200.000 tấn.

 Bài, ảnh: Lê Nguyễn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 62
Chung nhan Tin Nhiem Mang