Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Chính phủ ban hành nhiều giải pháp thuế để cứu thị trường, giải quyết nợ xấu
Ngày cập nhật 15/01/2013

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu.

 

Ảnh minh hoạ: HMT

Giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

 

Để giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư, Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định.

 

Đồng thời, phân bổ ngay vốn đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong kế hoạch năm 2013, tập trung cho những dự án tạo sức lan tỏa lớn, những dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà ở xã hội, ký túc xá học sinh, sinh viên.

 

Chính phủ yêu cầu các địa phương có tồn kho sản phẩm bất động sản lớn hạn chế tối đa sử dụng nguồn từ ngân sách để đầu tư, xây dựng mới nhà ở tái định cư mà dùng nguồn vốn này và các nguồn tài chính hợp pháp khác để mua lại các dự án nhà ở thương mại phù hợp, phục vụ nhu cầu tái định cư, làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách: Người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động. Bộ Tài chính tính toán, báo cáo Chính phủ hỗ trợ ứng trước một phần ngân sách cho địa phương giải quyết nhu cầu này.

 

Giãn, giảm, hoàn nhiều loại thuế

 

Để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm, Chính phủ quyết định:

 

Gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với số thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý I và 03 tháng thời hạn nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với số phải nộp quý II và quý III năm 2013 cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng); Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (sử dụng trên 300 lao động) trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội; Doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở được gia hạn nộp thuế đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở, không phân biệt quy mô doanh nghiệp và số lao động sử dụng.

 

Gia hạn 06 tháng thời hạn nộp thuế Giá trị gia tăng đối với số thuế phải nộp của tháng 1, tháng 2, tháng 3 năm 2013 đối với các doanh nghiệp đang thực hiện nộp thuế Giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, gồm: Doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (không bao gồm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xổ  số, trò chơi có thưởng, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt); Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (sử dụng trên 300 lao động) trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: Nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội; Doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở và doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng: Sắt, thép, xi măng, gạch, ngói.

 

Chính phủ cũng quyết định: Hoàn lại tiền thuế Bảo vệ môi trường đã nộp từ ngày 1/1/2012 đến hết ngày 14/11/2012 đối với túi nylon làm bao bì đóng gói sẵn sản phẩm.

 

Giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất mà số tiền thuê đất phải nộp theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ tăng quá 2 lần so với mức nộp năm 2010…

 

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định: Áp dụng thuế TNDN 20% từ 1-7-2013 (sớm hơn 6 tháng so với lộ trình dự kiến thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN) đối với thu nhập từ đầu tư- kinh doanh nhà ở ở xã hội. Nhà ở xã hội được xác định theo quy định của pháp luật về nhà ở.

 

Giảm 50% thuế GTGT đầu ra từ 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014 đối với hoạt động đầu tư- kinh doanh nhà ở xã hội.

 

Giảm 30% số thuế GTGT đầu ra từ ngày 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014 đối với hoạt động đầu tư- kinh doanh (bán, cho thuê, cho mua) nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70% và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

 

Bổ sung ưu đãi thuễ đối với đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi theo quy định của Luật Thuế TNDN để thực hiện từ ngày 1-7-2013 (sớm hơn 6 tháng so lộ trình dự kiến thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN).

 

Nghị quyết Chính phủ cũng nêu rõ, không ban hành chính sách thực hiện việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ theo đầu phương tiện. Giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi theo hướng: (i) Đối với ô tô đăng ký lần đầu: Mức thu chung là 10%, các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50% mức quy định chung; (ii) Đối với ô tô đăng ký lần 2 trở đi: Mức thu chung là 2% và thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

 

Gỡ khó thị trường bất động sản

 

Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát tất cả các dự án phát triển nhà ở để phân loại các dự án được tiếp tục thực hiện, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở, chuyển đổi sang phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội.

 

Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp, như: Giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với khả năng chi trả của thị trường; áp dụng các phương thức bán hàng linh hoạt, khuyến khích chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua; chuyển sang nhà ở xã hội; sử dụng đúng mục đích các khoản vay và huy động vốn từ khách hàng, thực hiện công khai, minh bạch, đúng cam kết tiến độ, tạo niềm tin với khách hàng.

 

Chính phủ yêu cầu: Rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đặc biệt là giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu dự án đang tồn kho, thi công dở dang cho phù hợp với nhu cầu thị trường, thủ tục chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

 

Đặc biệt, cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách: Người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên và làm các công trình dịch vụ như: Bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại đang có nhu cầu nhưng phải phù hợp quy hoạch và điều kiện cơ sở hạ tầng.

 

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, chỉ  đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.

 

Như vậy, có thể thấy các giải pháp tài chính do Bộ Tài chính đề xuất từ trung tuần tháng 12-2012 nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường, giải quyết nợ xấu đã được Chính phủ thống nhất ban hành tại Nghị quyết. Với nhiều giải pháp được ban hành sớm ngay từ đầu năm và hết sức kịp thời, tháo gỡ trực tiếp cho DN, cho thị trường, chắc chắn sẽ tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng trong năm 2013 theo đúng Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra. 

 

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương: Sử dụng 250 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN để cấp bổ sung Quỹ dự phòng bảo lãnh tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Thực hiện đánh giá lại khả năng quy mô bảo lãnh tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để xác định nhu cầu vốn cho phù hợp.

 

Đồng thời tăng cường nguồn lực tài chính cho các Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương từ các nguồn: Thu từ cổ phần hóa mà các địa phương chưa nộp về trung ương, ngân sách địa phương để cấp bổ sung vốn điều lệ cho các Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương.

 

 

H.L - theo mof.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 204
Chung nhan Tin Nhiem Mang