Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Tập trung ưu tiên tái cơ cấu thị trường tài chính, đầu tư và DNNN
Ngày cập nhật 23/05/2012

Chiều 21-5, Quốc hội (QH) đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế. Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh được kỳ vọng sẽ đem đến những bước đột phá lớn cho nền kinh tế của nước ta, đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế

Bộ trưởng đã báo cáo tóm tắt  nội dung chủ yếu của Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh. Với điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, trong 5 năm tới sẽ ưu tiên tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính, loại bỏ nguy cơ mất an toàn với hệ thống tài chính và nền kinh tế, đồng thời tạo điều kiện để hệ thống tài chính phát triển bền vững và thực hiện tốt hơn chức năng trung gian tài chính.

Tái cơ cấu đầu tư sẽ tập trung vào đổi mới căn bản cơ chế và cách thức huy động, phân bố, quản lý và sử dụng vốn đầu tư xã hội. Huy động hợp lý tổng đầu tư xã hội, cân đối giữa tiết kiệm và tiêu dùng, tiết kiệm nội địa và đầu tư, ngân sách, cán cân thanh toán,, nợ công và nợ nước ngoài. Xác định cụ thể lĩnh vực ưu tiên đầu tư của nhà nước; mở rộng phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước.

Tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tập trung vào 3 nội dung. Thứ nhất là sắp xếp, phân loại để tập trung vào ngành nghề chính,, cổ phần hóa và thoái vốn ở các DNNN không cần sở hữu 100% hay nắm cổ phần chi phối. Hai là, áp dụng khung quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ba là, yêu cầu các DNNN hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng.

Đề án cũng đưa ra 12 nhóm giải pháp và 4 mục tiêu thành phần của tái cơ cấu kinh tế.

Chính phủ nhận định, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, phải thực hiện trong nhiều năm liền với không ít khó khăn và thách thức, trong đó có thể phải hi sinh tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng tăng trưởng hoặc tái cơ cấu kinh tế có thể sẽ làm cho  quy mô đầu tư, sản xuất một số ngành, một số vùng  thu hẹp lại; thay vào đó, các vùng, ngành khác có tiềm năng hơn sẽ được mở rộng và phát triển.

Hệ quả trước mắt, hàng nghìn dự án đầu tư, nhất là đầu tư bằng vốn NSNN, có thể phải đình hoãn; hàng chục nghìn DN, nhà đầu tư có thể  bị thua lỗ…Vì vậy, cần phải có giải các pháp cần thiết để bù đắp hợp lý lợi ích chính đáng cho các bên có liên quan, nhất là nhóm những người lao động, nhóm những người yếu thế, dễ bị tổn thương khác.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần hình thành một tổ chức chịu trách nhiệm giúp QH, Chính phủ thực hiện Đề án này. Nếu cần thiết, QH xem xét, trao cho tổ chức này có một số thẩm quyền nhất định để thực hiện nhiệm vụ. UB này cho rằng, các nhóm giải pháp của Đề án chưa có sự gắn kết với nhau, cũng như chưa thực sự đồng bộ giữa các Đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực và thiếu các giải pháp đối với vấn đề xã hội, môi trường và đề nghị bổ sung một số giải pháp về mặt xã hội và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

Ngoài các nhóm giải pháp chủ yếu trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần lượng hóa giải pháp được tính toán bằng kết quả như một “bài toán” thì rõ tính khả thi và thuyết phục hơn.
 

Theo www.mof.gov.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 25
Chung nhan Tin Nhiem Mang