Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thừa Thiên Huế hướng đến là điểm đến hàng đầu của cả nước và khu vực .
Ngày cập nhật 28/11/2016
Tập trung phát triển mạnh du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu đến năm 2020, đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước và khu vực; đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa nổi tiếng thế giới. Đây là mục tiêu về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện với nhiều chủ trương và giải pháp được coi là có tính đột phá mạnh mẽ và quyết liệt nhất từ trước đến nay.

Nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, dịch vụ

Thừa Thiên Huế là vùng đất có nền văn hóa, lịch sử đặc sắc của Việt Nam đồng thời có nhiều cảnh quan thiên nhiên đa dạng và phong phú. Không chỉ sở hữu đồng thời năm di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận mà Thừa Thiên Huế còn được thiên nhiên hào phóng ban tặng nhiều tài nguyên có giá trị nổi bật đó là bờ biển dài với nhiều bãi biển nguyên sơ, hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á cùng các dòng sông thơ mộng và những thác ghềnh, núi non hùng vĩ… đã làm cho không gian du lịch di sản và sinh thái của vùng đất trung điểm cả nước này hội đủ các điều kiện cần để trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch hàng đầu của cả nước và ngang tầm quốc tế. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế có địa chính trị - kinh tế quan trọng, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp CHDCND Lào, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây nối Myanmar, Thái Lan, Lào với biển Đông qua trục giao thông quốc lộ 1A chạy dọc theo tỉnh, là trung điểm và là điểm kết nối trong hành trình ‘‘con đường Di sản văn hóa thế giới miền Trung’’ và ‘‘con đường xanh Tây Nguyên’’; có hệ thống giao thông thuận lợi với cảng biển nước sâu Chân Mây, cảng Thuận An; sân bay quốc tế Phú Bài. Đây là những thế mạnh nổi trội, là điều kiện thuận lợi quan trọng cho phát triển du lịch và dịch vụ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cảnh quan thiên nhiên đa dạng, giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái (nguồn ảnh: Phạm Thanh)

Định hướng phát triển

Trên cơ sở khai thác tiềm năng và lợi thế so sánh về tài nguyên du lịch thiên nhiên, lịch sử, văn hoá, đưa du lịch, dịch vụ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung phát triển đa dạng các loại hình du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; du lịch lễ hội, ẩm thực; du lịch trải nghiệm… có tính đột phá với tốc độ cao hơn giai đoạn 2010-2015. Mặc dù tập trung quyết liệt để tạo dựng hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian tới vơi nhiều khởi sắc, mới lạ, hấp dẫn và đa dạng, song không vì thế mà phải đánh đổi mọi giá, nhất là việc gìn giữ môi trường. Chính vì vậy, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định rõ, phát triển du lịch tỉnh nhà phải đảm bảo tính bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tôn tạo các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn; góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống; đảm bảo về an ninh, chính trị và an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những bất cập trong nhiều năm qua đồng thời khôi phục lại vị thế vốn có của mình, Thừa Thiên Huế sẽ chú trọng xây dựng tỉnh trở thành một điểm đến với dịch vụ đồng bộ có sức cạnh tranh cao và hướng tới đẳng cấp khu vực, quốc tế. Phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước để tạo bước đột phá phát triển du lịch; phát triển mạnh thị trường trong nước và quốc tế; ưu tiên thu hút các dự án lớn đầu tư các khu du lịch cao cấp, gắn với phát triển dịch vụ đồng bộ, hấp dẫn, có đẳng cấp và tính cạnh tranh cao. Trọng tâm là đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ mang bản sắc văn hóa Huế. Phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch di sản. Phát triển mạnh các làng nghề truyền thống để phục vụ du lịch gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kết nối các điểm đến. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình du lịch như: du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; du lịch biển, đầm phá; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch ẩm thực, du lịch vui chơi giải trí, du lịch mua sắm. Thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch, các sản phẩm du lịch cao cấp ở vùng ven biển, đầm phá ở Chân Mây - Lăng Cô và Bạch Mã để bổ sung cho thành phố di sản Huế nhằm thu hút du khách quốc tế. Chú trọng khai thác thị trường trọng điểm khách du lịch quốc tế đến từ các nước Tây Âu; Bắc Mỹ. Thu hút, phát triển mạnh thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây và Đông Bắc Á. Bên cạnh đó là phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa, với mục đích tham quan, nghỉ dưỡng biển, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch kết hợp công vụ. Phấn đấu đến năm 2020, du lịch - dịch vụ đóng góp trên 55% GRDP của tỉnh; thu hút trên 5 triệu lượt khách, trong đó, 3 - 3,5 triệu lượt khách lưu trú; khách quốc tế phấn đấu đạt 2,5 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, thu hút hơn 7 triệu lượt khách, trong đó, có 5 triệu lượt khách lưu trú; khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt 18.000 - 20.000 tỷ; thời gian lưu trú bình quân trên 2,5 ngày.

Giải pháp quyết liệt

Để đạt các mục tiêu và chỉ tiêu đã đặt ra, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó tập trung giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển công nghiệp, nông nghiệp; gắn phát triển du lịch với văn hóa và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Tiến hành thực hiện tốt quy hoạch không gian, hạ tầng du lịch và quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh trên cơ sở gắn kết các vùng, điểm, tuyến du lịch với các địa phương trong vùng Duyên hải miền Trung, Bắc Trung Bộ và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Ban hành các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là những nhà đầu tư có thương hiệu đẳng cấp. Tập trung kêu gọi các nhà đầu tư và huy động các nguồn lực để xây dựng các dự án: nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; đê chắn sóng cảng Chân Mây; cảng biển du lịch quốc tế tại khu Chân Mây. Chú trọng tháo gỡ, liên kết với các doanh nghiệp duy trì, nâng cao tần suất và mở thêm các đường bay trong nước; liên kết mở các đường bay kết nối với các cố đô trong khu vực và đường bay quốc tế. Tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng du lịch, trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông và phát triển phương tiện giao thông công cộng kết nối đồng bộ thành phố Huế đến các điểm tham quan, các vùng trọng điểm du lịch quốc gia (Cảnh Dương - Lăng Cô), điểm du lịch quốc gia (Bạch Mã); vùng biển, đầm phá (biển Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Xuân) và vùng phía Tây Thừa Thiên Huế. Đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác đầu tư phát triển du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau; đặc biệt, có cơ chế thích hợp thu hút nguồn vốn trong dân đầu tư phát triển du lịch. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Gắn phát triển du lịch với văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo. Chú trọng phát huy lợi thế của trung tâm văn hoá, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu để phát triển mạnh các sản phẩm du lịch…

Ngoài những giải pháp trên, trong Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành năm 2020 đó là phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ có thương hiệu và đẳng cấp như tái hiện “Hoàng Thành xưa” trong Đại Nội về đêm với việc tổ chức: đêm Hoàng Cung, thưởng thức yến tiệc Cung đình, khám, chữa bệnh Đông y, các trò chơi Cung đình... kết hợp các lễ hội: Áo dài Huế; ẩm thực Cung đình Huế... Xây dựng tour, tuyến du lịch đường thủy dọc sông Hương kết hợp thưởng thức ẩm thực; đồng thời, phát triển dịch vụ 2 bên bờ sông Hương. Đầu tư xây dựng hình thành trung tâm mua sắm cao cấp, dịch vụ vui chơi, giải trí; ẩm thực Huế và biểu diễn văn hoá, nghệ thuật ở khu vực cảng Chân Mây nhằm phục vụ khách du lịch tàu biển. Hoàn thành khu phố đêm đi bộ gắn với tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, biểu diễn văn hoá, nghệ thuật và trải nghiệm ẩm thực. Hình thành bộ quà tặng lưu niệm mang thương hiệu Huế. Tập trung cải thiện môi trường du lịch. Phủ sóng Internet toàn bộ thành phố Huế. Chấm dứt tình trạng ăn xin, đeo bám, chèo kéo du khách; nghiên cứu gắn camera ở một số điểm du lịch có nhiều du khách tham quan, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho du khách. Tăng cường kiểm tra việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ niêm yết giá dịch vụ; thực hiện các giải pháp chống phá giá buồng, phòng và tranh giành đưa đón, chèo kéo du khách ảnh hưởng đến tính thân thiện môi trường du lịch Huế. Thành lập trung tâm thông tin, đường dây nóng và bộ phận thường trực 24/24 giờ để hỗ trợ du khách. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân Huế thân thiện và niềm nở khi giao tiếp với du khách. Xây dựng Chiến lược xúc tiến, quảng bá theo hướng hiệu quả, thiết thực. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh “Vùng đất - con người và văn hoá Huế” qua kênh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao; các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam. Thành lập Quỹ xúc tiến, quảng bá du lịch…

 

Theo Cổng TTĐT Tỉnh - ThuaThienHue.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 199
Chung nhan Tin Nhiem Mang