Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Phát triển sản phẩm du lịch “xanh” ở các vùng ven biển nước ta
Ngày cập nhật 12/06/2018

        Trong xu thế hiện nay, khi sự quan tâm của du khách đến môi trường tự nhiên ngày một tăng thì việc phát triển những sản phẩm du lịch “xanh-sạch-đẹp” (gọi tắt là xanh) có chất lượng cao sẽ góp phần tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn cho các điểm đến du lịch.

        Sản phẩm du lịch biển “xanh” đặc thù: Thiếu và yếu!

        Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định: “Tập trung đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thể là thế mạnh về tài nguyên du lịch của đất nước và của từng địa phương. Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn liền với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch. Tập trung phát triển các khu du lịch biển tầm cỡ, chất lượng cao, tạo thương hiệu và có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới”.

        Mặc dù đã có được định hướng cho hoạt động phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, đặc biệt là sản phẩm du lịch “xanh” nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh của du lịch biển nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhưng trong việc phát triển các sản phẩm du lịch biển “xanh” thời gian qua vẫn còn nhiều điểm thiếu và yếu như:

        Nhiều tài nguyên du lịch biển không được khai thác hợp lý, thậm chí còn bị “biến dạng” bởi những “ý tưởng” thiếu căn cứ khoa học. Điển hình là du lịch biển Hạ Long nơi cảnh quan tự nhiên – giá trị được UNESCO công nhận là di sản thế giới - đã bị biến dạng bởi sự phát triển của những bãi biển nhân tạo ở Tuần Châu, bởi sự thu hẹp không gian vịnh do các công trình dịch vụ du lịch, bởi hệ thống chiếu sáng trong các hang động… Hơn nữa, mô hình “xanh- sạch” trong các dịch vụ du lịch như vận chuyển hành khách trên vịnh, dịch vụ lưu trú… chưa được nhìn nhận, thể hiện một cách đầy đủ để lồng ghép vào trong các tour du lịch tham quan vịnh Hạ Long, tạo ra tính “xanh” của sản phẩm du lịch này.

        Những công ty du lịch chưa thực sự quan tâm, có trách nhiệm đến xây dựng mục tiêu kinh doanh theo mô hình chương trình tour, đánh giá “cung – cầu”… để có được những sản phẩm du lịch phù hợp với xu thế hướng tới du lịch “xanh”. Thay vào đó họ đã tiến hành việc “sao chép” sản phẩm du lịch của các công ty khác nên đã dẫn đến việc 60% những sản phẩm du lịch quảng bá đều bị trùng lặp, nhiều nhất lại chính ở những khu du lịch khá nổi tiếng như Phan Thiết – Mũi Né (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang).

        Không những thế, các nhà đầu tư đã phát triển, đầu tư cho mô hình “du lịch sinh thái biển” với sản phẩm “xanh điển hình” đã không đúng bản chất của loại hình du lịch xanh, thân thiện với môi trường theo đề ra. Việc thiếu nội dung về “giáo dục môi trường”; “có sự đóng góp cho nỗ lực bảo tồn”; và “có sự tham gia tích cực của cộng đồng” trong cấu thành sản phẩm du lịch sinh thái được xem là phổ biến ở vùng ven biển và hải đảo. Kết quả của tình trạng này đã ảnh hưởng đến “hình ảnh” về sản phẩm du lịchViệt Nam nói chung, về sản phẩm du lịch sinh thái biển ở Việt Nam nói riêng.

        Một trong số những nguyên nhân chính của tình trạng trên do quan điểm, cách nhìn nhận của các nhà quản lý về tầm quan trọng của phát triển sản phẩm “du lịch biển- “xanh” đặc thù đối với việc nâng cao sức cạnh tranh của Du lịch Việt Nam cũng như năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ chiến lược này còn nhiều hạn chế do phải cân nhắc nhiều đến lợi ích kinh tế trước mắt.

        Trong xu thế hiện nay, khi sự quan tâm của du khách đến môi trường tự nhiên ngày một tăng thì việc phát triển những sản phẩm du lịch “xanh” có chất lượng cao sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn cao của điểm đến du lịch bên cạnh một số yếu tố khác như mức độ thuận lợi trong tiếp cận điểm đến (thủ tục ra, vào phương tiện); hình ảnh thông tin về điểm đến.

        Một số đề xuất

        Nâng cao nhận thức cho công đồng địa phương có phát triển du lịch biển. Để thành công, cần bắt đầu từ các nhà quản lý, trách nhiệm về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhất là các sản phẩm du lịch biển “xanh” đặc thù, nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của du lịch biển Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Nhận thức này cần được chuyển hóa thành hành động cụ thể trong hoạt động tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, trong thẩm định dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch ở các cấp từ địa phương đến vùng ven biển trên phạm vi toàn quốc. Cần xây dựng một số chương trình hành động cụ thể phát triển các sản phẩm du lịch biển “xanh” đặc thù trên cơ sở định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án về phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 cho từng khu vực ở vùng ven biển. Những mô hình đề ra, cách thức triển khai thực hiện phải có nghiên cứu, thí điểm phù hợp với đặc điểm từng vùng, địa phương sở tại vùng ven biển đó.

        Ngoài ra, để có được hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện các chương trình hành động trên, các nhà quản lý, các nhà đầu tư nên có những đánh giá toàn diện mang tính hệ thống về sản phẩm du lịch biển Việt Nam, đặc thù. Trên cơ sở những đánh giá này mới có thể xác định được sản phẩm du lịch nào cần được nâng cấp, đổi mới hoàn thiện và sản phẩm du lịch nào cần được phát triển mới theo hướng “xanh”.

        Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thẩm định dự án đầu tư của các cơ quan quản lý, tư vấn du lịch. Ở đây vấn đề nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý và tư vấn du lịch cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Thực tế cho thấy, năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý và tư vấn các dự án phát triển du lịch nói chung, phát triển các sản phẩm du lịch “xanh” nói riêng, còn rất hạn chế.

        Cơ chế phân cấp xét duyệt các dự án đầu tư phát triển du lịch hiện nay đã tạo điều kiện để các địa phương chủ động, đẩy nhanh quá trình đầu tư phát triển du lịch nói chung, phát triển các sản phẩm du lịch biển “xanh” nói riêng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi năng lực thẩm định của các địa phương nhìn chung còn hạn chế, đòi hỏi có sự hợp tác, tham vấn với các cơ quan quản lý, và tư vấn trung ương đối với những dự án phát triển sản phẩm du lịch ‘xanh” có ý nghĩa quan trọng, đặc thù hoặc nằm trong các khu vực nhạy cảm về môi trường sinh thái, văn hóa. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các địa phương nằm trong các trọng điểm phát triển du lịch biển Việt Nam đã được phát triển trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020.

        Nghiêm ngặt và có chế tài trong BVMT du lịch biển với việc nâng cao năng lực và hiệu lực QLNN về BVMT biển trong lĩnh vực du lịch; nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích phát triển du lịch biển “xanh” với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương vùng ven biển.

        Hiện nay, nước ta đã, đang phát triển hệ thống tiêu chuẩn “lá xanh” đối với hệ thống khách sạn bên cạnh hệ thống xếp hạng khách sạn đang vận hành. Đây là một bước đi quan trọng trong tiến trình tiến tới việc phát triển sản phẩm du lịch “xanh” cấp quốc gia, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch biển Việt Nam trong khu vực và quốc tế./.

BBT tổng hợp tạp chí Tài nguyên và Môi trường
(Kỳ 1 - Tháng 5/2018 của tác Th.S Đại tá Nguyễn Minh Tuấn , Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 115
Chung nhan Tin Nhiem Mang