Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Hiệu quả từ việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn
Ngày cập nhật 26/06/2018

Sau hơn hai năm triển khai thực hiện Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng được nâng cao, phương thức sản xuất nông nghiệp ngày càng tiên tiến, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Chuyển biến tích cực

Triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Quyết định số 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong 02 năm 2016 - 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức rà soát, xác định lại nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; tổ chức tuyên truyền các nội dung của Đề án đến với người dân, tập trung ưu tiên đến các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi; tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn học nghề. Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề phù hợp, linh hoạt, tăng thực hành giảm lý thuyết và thực hiện tại nơi sản xuất. Hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo đề nghị của các Trường, các Trung tâm và các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn của tỉnh.

Nhờ vậy, sau 02 năm thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng, toàn tỉnh đã có 1.278 lao động nông thôn học nghề nông nghiệp chiếm tỷ lệ 21,4% số lượng lao động tham gia học nghề; cơ cấu nghề đã có sự chuyển biến tích cực tỷ lệ lao động học nghề có việc làm đạt tỷ lệ 81,7%.

Là một trong những học viên tham gia lớp tào dạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, Chị Hồ Thị Bích Em (trú tại làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ) tham gia khóa đào tạo trồng hoa chia sẻkhi chưa qua trường lớp đào tạo, người dân chúng tôi cứ theo thói quen, kinh nghiệm bón phân nhiều, vừa tốn kém lại không hiệu quả, cuốc đất thấp nước dễ ứ đọng. Đến khi tham gia lớp học, chúng tôi đã được dạy cách bón phân ở dưới, rồi ủ rơm lên trên, thời tiết bình thường thì tưới phân mỗi tuần một lần... Nhờ vậy, cây phát triển nhanh, đỡ công chăm sóc và giảm kinh phí hơn hẳn.

Được sự hướng dẫn, tập huấn về khoa học kỹ thuật bởi Trung tâm khuyến nông lâm ngư thị xã Hương Trà, Ông Nguyễn Thảo (trú tại phường Hương Văn, thị xã Hương Trà) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích 500 mét vuông đất cát, sình lầy sang trồng thử nghiệm cây mướp đắng, qua gần 3 tháng trồng, chăm sóc đến nay ruộng mướp đắng của gia đình đã cho thu hoạch, từ đó giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ông Thảo cho biết, với diện tích đất này, trước đây gia đình ông chỉ trồng được một vụ lạc đông xuân sau đó phải bỏ hoang do đất cát, thường xuyên bị sình lầy, năm nay gia đình ông thực hiện mô hình trồng mướp đắng trái vụ, nguồn giống được đưa vào trồng là giống F1, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch ngắn, cho năng suất cao, bình quân mỗi lần thu hoạch khoảng 50kg, với giá thị trường hiện nay bình quân 10 ngàn đồng/kg, trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu gần 500 ngàn đồng.

Lao động sau khi học nghề, tập huấn bước đầu đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng.

Có thể thấy rằng, lao động sau khi học nghề đã bước đầu áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần vào xây dựng Chương trình nông thôn mới của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lao động nông thôn lớn tuổi, đặc biệt là đồng bào dân tộc và miền núi, người nghèo phần lớn là trụ cột gia đình nên rất khó để sắp xếp thời gian tham gia các khoá đào tạo nghề. Chương trình đào tạo mới chỉ bó hẹp ở mức độ phổ biến kiến thức; việc giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp còn thuần túy. Kiến thức sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bảo quản, chế biến nông lâm sản hải sản còn hạn chế.  Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động đào tạo nghề còn hạn chế, định mức chi chưa phù hợp với tình hình thực tế...

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới

Hiện nay, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là nhiệm vụ rất quan trọng để nâng cao trình độ của người sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Do đó, trong năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu từng bước đưa công tác dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo một số nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện tốt các mục tiêu nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ triển khai nhiều giải pháp để nâng cao công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn như: Làm tốt hơn công tác khảo sát nhu cầu học nghề, các Trường và Trung tâm đào tạo nghề gắn với nhu cầu lao động của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp để đào tạo phù hợp, lao động sau khi đào tạo xong có việc làm. Mỗi địa phương (cấp xã) phải làm tốt quy hoạch sản xuất, trong đó xác định được sản phẩm chủ lực, sản xuất có liên kết tiêu thụ. Tiếp tục tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề. Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề phù hợp, linh hoạt, chủ yếu tập trung dạy thực hành và thực hiện tại nơi sản xuất. Đồng thời hỗ trợ vay vốn xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm để nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như chất lượng đào tạo nghề. Ưu tiên đào tạo những ngành nghề có điều kiện tiếp cận kỹ thuật công nghệ mới, công nghệ cao trên địa bàn khu vực nông thôn. Đào tạo nghề gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020, chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020...

Có thể thấy rằng, việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã góp phần thay đổi nhận thức và đời sống kinh tế - xã hội của người dân, nhất là ở những vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Người lao động sau khi học nghề nông nghiệp đã biết vận dụng các kiến thức, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào lao động sản xuất, cải thiện chất lượng việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững, từng bước thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 374
Chung nhan Tin Nhiem Mang