Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đảm bảo cân đối ngân sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN
Ngày cập nhật 01/04/2013

Chiều 29/3/2013, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ để thông báo một số nội dung quan trọng của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 03/2013. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son chủ trì cuộc họp báo. Cùng tham dự họp báo có lãnh đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm

Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam

Tại buổi họp báo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thông báo các nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2013 diễn ra từ ngày 28 -29/3, trong đó, nêu rõ tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm, các định hướng điều hành trong thời gian tới, đồng thời giải đáp nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, điều đáng mừng, đúng như định hướng, quyết tâm từ năm 2012 là làm sao năm 2013, tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn. Qua tổng hợp đánh giá chung, 3 tháng/2013, dù có nhiều khó khăn, đặc biệt có nghỉ tết dài, tăng trưởng đã cao hơn cùng kỳ năm trước, 4,89% so với 4,75%. Tuy rằng, mức tăng cao hơn không nhiều nhưng lạm phát đã được kiềm chế, Quý I/2013 CPI thấp hơn so với cùng kỳ. Điều đó đúng như dự báo tình hình có tốt hơn nhưng mức độ không nhiều, nếu Chính phủ không quyết tâm mạnh mẽ hơn, thì chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm sẽ không dễ dàng.

 

Bộ trưởng cho biết, mặc dù, GDP tăng nhưng qua theo dõi bảng cân đối thì sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng thấp hơn cùng kỳ, dịch vụ tăng cao hơn. Đối với xuất khẩu vẫn đảm bảo tăng trưởng, năm 2012 xuất khẩu tăng chủ yếu là khối đầu tư nước ngoài, còn khối doanh nghiệp trong nước không những không tăng mà thậm chí còn giảm, nhưng Quý I/2013 vừa qua cho thấy kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đã có tăng trưởng. Một số địa phương lớn như T. Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp năm 2012 phải dừng hoạt động do khó khăn thì ngay từ đầu năm 2013, qua theo dõi về công tác nộp thuế đã có trên 60% đã quay trở lại hoạt động.

Chính phủ đã thảo luận, thống nhất giao cho các Bộ, ngành tiếp tục để kỳ tới đây sẽ có những giải pháp tháo gỡ mạnh mẽ hơn về thuế. Trên cơ sở Nghị quyết 02, Chính phủ đã ra một số chính sách giảm, giãn, miễn một số sắc thuế. Đồng thời Chính phủ tiếp tục giao các Bộ, ngành, tiếp tục nghiên cứu các biện pháp tháo gỡ khó khăn như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế VAT, vừa bảo đảm cân đối ngân sách, không để tăng thâm thủng ngân sách nhưng cơ bản nhất là phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, không chỉ ngay lúc khó khăn này mà cả môi trường đầu tư kinh doanh nói chung của Việt Nam.

  

Toàn cảnh buổi họp báo

 

Về tiền tệ, tín dụng, Bộ trưởng khẳng định qua quá trình kiên trì thực hiện các giải pháp đồng bộ về kiềm chế lạm phát, Chính phủ có cơ sở yêu cầu các ngân hàng giảm tiếp lãi suất. Chính phủ đã thảo luận và kiên định mục tiêu này làm sao để lạm phát về mức bình thường để chi phí vốn cho doanh nghiệp ở mức bình thường. Tất nhiên chi phí vốn chỉ là một phần trong chi phí nhưng doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh nếu doanh nghiệp nước ngoài chỉ chịu lãi suất vốn 5-6% trong khi chúng ta chịu lãi suất vốn mười mấy phần trăm thậm chí 20%. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN không chỉ hạ lãi suất huy động mà điều quan trọng cuối cùng là lãi suất cho vay. Đồng bộ với các giải pháp đó, làm sao không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mà quan trọng hơn là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn không chỉ năm nay mà từ nay về sau. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế, để tái cơ cấu đi vào từng doanh nghiệp, từng địa bàn, từng chính sách cụ thể.

 

Trả lời các câu hỏi liên quan đến công tác điều hành giá xăng dầu như theo thông cáo báo chí của Bộ Tài chính vào tối ngày 28/3/2013 về điều chỉnh giá xăng dầu, Liên Bộ cho biết giá trong nước đang thấp hơn các nước từ 2.000-5.000 đồng một lít. Dư luận cho rằng, đó là lý do để Chính phủ cho điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, nhiều người dân băn khoăn phải chăng cơ quan chức năng không kiểm soát được buôn lậu xăng dầu nên đẩy việc tăng giá xăng dầu lên người dân hay không? Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định hiện các Bộ đang điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 với các quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục… để điều chỉnh tăng hay giảm giá xăng dầu. Việc Liên Bộ đã thống nhất điều chỉnh theo tinh thần Nghị định này và có thông cáo gửi báo chí. Bộ trưởng cho rằng: “Lý do chính của việc tăng giá xăng dầu là giá thấp hơn giá cơ sở, nếu duy trì giá cũ thì quỹ bình ổn giá sử dụng hết, không còn công cụ nào hỗ trợ, chỉ còn cách lấy ngân sách để bù, nhưng chúng ta đã thống nhất nguyên tắc là không thể bao cấp mãi giá các mặt hàng thiết yếu mà phải dần tiến tới theo thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 

Bộ trưởng cho biết thêm: “Hôm nay là ngày 29/3, cách đây hơn 1 tháng, ở thời điểm cuối tháng 2, rất nhiều báo đã rút tít: Không thể không tăng giá xăng dầu. Lúc đó, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập một cuộc họp, mặc dù Bộ Tài chính và Bộ Công Thương có đủ căn cứ và sự cần thiết để tăng giá xăng dầu nhưng để phục vụ bình ổn giá, kiểm soát lạm phát và quan trọng là không gây thêm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng đã quyết định chưa tăng giá. Đến nay, trước tình hình quỹ bình ổn giá đã sử dụng hết khả năng, mặc dù giá xăng dầu thế giới có đi xuống nhưng giá bán xăng dầu vẫn thấp hơn nên cần điều chỉnh và không phải vì chống buôn lậu mà tăng giá xăng - điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định, bảo đảm an ninh năng lượng và vì lợi ích chung của nền kinh tế xã hội, của đất nước chứ không vì lợi ích cục bộ của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu”, Bộ trưởng khẳng định. 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai

 

Cũng liên quan đến quyết định điều chỉnh giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, quan điểm điều hành của Chính phủ và liên Bộ Tài chính-Công thương là luôn xác định và cân nhắc các lợi ích và hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Khi đề xuất bất kỳ phương án nào về điều hành giá xăng dầu cũng đã tính toán rất kỹ đến lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

 

Thứ trưởng khẳng định, trong lần điều chỉnh này tại sao lại điều chỉnh với mức như đã thông báo, ví dụ như xăng là 1.430đ/lít. Qua tính toán và theo công thức tính giá cơ sở tại Thông tư 234, với lần điều chỉnh này, dừng sử dụng quỹ bình ổn vì quỹ bình ổn đã hết. Tính toán đủ chi phí của xăng dầu thì kết quả là giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành, cụ thể với mặt hàng xăng là 1.430 đồng/lít, dầu diezel là 362đ/lít, dầu hỏa 480đ/lít, dầu mazut 807đ/kg. Đấy chính là chênh lệch giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành trước thời điểm 20 giờ ngày 28/3. Liên bộ đã quyết định đề xuất phương án là điều chỉnh giá đúng bằng chênh lệch giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành.

 

Về thuế nhập khẩu có tính đến hay không khi điều chỉnh lần này, Thứ trưởng khẳng định, Liên Bộ đã tính toán với thuế nhập khẩu hiện hành đối với xăng là 12%, dầu diezel 8%, dầu hỏa và dầu mazut 10%, thì xuất thuế nhập khẩu này so với barem thuế đang thấp hơn, theo quy định là đối với giá xăng dầu như hiện nay thì Nhà nước có khả năng áp thuế đến 20%.

 

Thứ trưởng cũng khẳng định, trong quá trình điều hành giá xăng dầu và quản lý quỹ bình ổn giá, Liên Bộ Tài chính-Công Thương luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch. Tuy nhiên Liên Bộ ghi nhận các ý kiến phản ảnh và trong thời gian tới sẽ làm sao công khai, minh bạch hơn nữa để các cơ quan báo chí và nhân dân giám sát, đóng góp ý kiến để việc điều hành giá xăng dầu và quản lý quỹ bình ổn giá được sát hơn.

 

Theo http://mof.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 162
Chung nhan Tin Nhiem Mang