Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
10 nhiệm vụ trọng tâm của thống kê tài chính đến năm 2015
Ngày cập nhật 03/12/2010

Theo đánh giá của Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), giai đoạn 2004 - 2010, công tác thống kê của ngành Tài chính đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc thu thập, tổng hợp, xử lý, biên soạn, phổ biến thông tin thống kê tài chính.

 Kết quả bước đầu

 Ông Phạm Công Minh, Phó cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính cho biết: Thời gian qua, Bộ Tài chính đã 2 lần điều chỉnh lại hệ thống chỉ tiêu thống kê cho phù hợp với các yêu cầu. Lần thứ nhất, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 616/QĐ-BTC ngày 17/2/2005 để xác định một hệ thống chỉ tiêu thống kê mới bao gồm đầy đủ hơn các lĩnh vực tài chính theo tổ chức mới của Bộ Tài chính thay thế cho chế độ báo cáo thống kê tài chính định kỳ đã ban hành từ năm 2000.

Lần thứ hai, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 148/QĐ-BTC ngày 12/1/2007 về Chế độ báo cáo Thống kê tài chính theo Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (Quyết định 305/2005/QĐ-TTg ngày 24/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ). Hệ thống chỉ tiêu, báo cáo thống kê này đã  đáp ứng một bước yêu cầu về các chỉ tiêu báo cáo phục vụ quản lý điều hành và hoạch định chính sách của ngành và gần hơn với định hướng Thống kê tài chính Chính phủ (GFS).

Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê tài chính trong thời gian qua cũng đã được tăng cường theo Quyết định phê duyệt của Bộ Tài chính số 2681/QĐ-BTC ngày 9/8/2007 về nội dung triển khai xây dựng và phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia tài chính - ngân sách giai đoạn 2007 - 2010. Đây là Quyết định nhằm điều chỉnh cho phù hợp hơn với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và nhu cầu xây dựng cũng như khả năng thực thi đối với kế hoạch xây dựng và phát triển hệ thống kho dữ liệu quốc gia về tài chính ngân sách theo Quyết định số 30/1999/QĐ-BTC ngày 15/3/1999 của Bộ. Cơ sở dữ liệu quốc gia tài chính - ngân sách cùng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan là các cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng và hoạt động có hiệu quả.

Thời gian qua, Cục Tin học và Thống kê tài chính đã xây dựng lại phần mềm thu thập và tổng hợp thông tin thống kê đáp ứng các yêu cầu của hệ thống chỉ tiêu và báo cáo thống kê theo Quyết định 148/QĐ-BTC. Hệ thống phần mềm này có giao diện web chạy trên mạng hạ tầng truyền thông của Bộ Tài chính. Tất cả các báo cáo đều được truyền nhận bằng giao dịch điện tử; các cán bộ của ngành có thể truy cập và khai thác, sử dụng thông tin thống kê từ hệ thống này các số liệu thống kê theo các lĩnh vực, theo định kỳ: hàng ngày, 15 ngày, tháng, quý.

 

 Thực hiện việc chuẩn hoá và đa dạng hoá các sản phẩm của công tác thống kê trong những năm qua, hệ thống các chỉ tiêu thống kê tài chính đã được định nghĩa để đảm bảo hiểu và sử dụng thống nhất đối với  mọi người sử dụng. Gần đây nhất là hệ thống chỉ tiêu báo cáo thống kê ban hành theo Quyết định 148/QĐ-BTC cùng các Niên giám thống kê tài chính đều được định nghĩa rõ ràng, nhất là các chỉ tiêu về tài chính. Bộ Tài chính cũng đã chấp thuận kế hoạch xây dựng cuốn Cẩm nang thống kê tài chính.

 Ngoài ra, sản phẩm của công tác thống kê còn được biểu hiện bằng trang “Thông tin thống kê tài chính - phục vụ lãnh đạo” được bắt đầu xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2008. Ý tưởng xây dựng trang này bắt nguồn từ giải pháp BI (Business Intelligence) tạo các thông tin tổng hợp nhanh thuận tiện cho lãnh đạo khi cần nắm bắt nhanh các thông tin cần thiết phục vụ điều hành và lãnh đạo; đồng thời có tác dụng rất lớn để cung cấp các bài phân tích của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, giúp ích cho việc phân tích hoạch định và điều chỉnh chính sách.

Bộ Tài chính đã thực hiện thu thập, tổng hợp đầy đủ thông tin và gửi cho các Bộ, ngành theo đúng quy định. Hầu hết các báo cáo Bộ Tài chính đều được định kỳ gửi và nhận thông tin từ Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, cơ sở dữ liệu luật Việt Nam… dưới dạng thông tin điện tử.

 

Nhiệm vụ trọng tâm tới 2015

Đến năm 2015, thống kê ngành Tài chính sẽ phải hoàn thành 10 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu quốc gia của ngành tài chính nhằm đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu quản lý tài chính công và hoạch định chính sách quản lý tài chính công phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bổ sung, sửa đổi chế độ thông tin báo cáo thống kê định kỳ từ các đơn vị thuộc Bộ, các quỹ tài chính công ngoài ngân sách, quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Xây dựng chế độ báo cáo thống kê tài chính thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tăng cường hỗ trợ các sở tài chính xây dựng và phát triển công tác thống kê tài chính tại địa phương cả về nghiệp vụ, năng lực, tổ chức và phương tiện, công cụ.

Từng bước cải tiến và hoàn thiện phương pháp thống kê tài chính, các bảng phân loại, bảng danh mục, mã dung chung của toàn ngành đáp ứng các yêu cầu công việc chính của ngành từ hoạch định, điều chỉnh chính sách đến quản lý, điều hành và phân tích dự báo; đồng thời phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thuận lợi cho ứng dụng công nghệ thông tin.

Bổ sung và sửa đổi các phần mềm thu thập và phân tích số liệu thống kê thuộc lĩnh vực tài chính để bao hàm được các thông tin theo nhiệm vụ 2 nêu trên; đồng thời đảm bảo tích hợp với các chế độ thông tin báo cáo thống kê định kỳ, đặc biệt là hệ thống chế độ kế toán áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc tích hợp (TABMIS), Hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp (ITAIS), Hệ thống thông tin quản lý Hải quan (VCIS), Hệ thốgn thông tin quản lý dự trữ quốc gia.

Thực hiện đầy đủ các hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu với Chính phủ và giữa các Bộ, ngành đáp ứng nhu cầu phân tích, nghiên cứu phục vụ hoạch định chiến lược, dự báo, cảnh báo, nghiên cứu khoa học.

Đẩy mạnh chuẩn hoá, đồng bộ dữ liệu. Xây dựng các cơ sở dữ liệu thống kê vi mô, vĩ mô ngành Tài chính.

Đa dạng hoá các sản phẩm thông tin thống kê, đảm bảo thông tin thống kê được phổ biến kịp thời, minh bạch, đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế của Việt Nam.

Hoàn thành việc củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức thống kê theo Nghị định số 03/NĐ-CP ngày 13 tháng 01 năm 2010 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thống kê Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; tăng cường môi trường pháp lý, cơ sở vật chất, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho công tác thống kê của Bộ.

Tiếp tục đẩy mạnh các lớp đào tạo nâng cao năng lực thống kê và phân tích dự báo cho các cán bộ thực hiện nhiệm vụ thống kê tài chính toàn ngành Tài chính.

Nhận diện thách thức         

Ông Minh cho rằng, công tác thống kê tài chính trong những năm tới sẽ là tiến thêm một bước mới, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức như: Người chủ trì công việc là đòi hỏi không chỉ nắm đúng và đầy đủ các kiến thức cập nhật về hoạch định và quản lý tài chính công theo chuẩn mực quốc tế, mà còn phải nắm được kịp thời tình hình kinh tế tài chính hiện tại của đất nước.

Việc sửa đổi chế độ báo cáo thống kê định kỳ từ các đơn vị thuộc Bộ là việc thường xuyên, nhưng đối với các quỹ tài chính công ngoài ngân sách, quỹ BHXH, Bảo hiểm y tế, hiện có rất nhiều loại quỹ này với nhiều chế độ và năng lực kế toán thống kê khác nhau. Chúng đòi hỏi những người làm chế độ phải hiểu biết các nhu cầu hiện hành về quản lý tài chính công đối với các quỹ này, mà còn phải hiểu hiện trạng khả năng cung cấp thông tin của họ đến đâu, theo các quy định pháp lý nào? Có như vậy các thông tin mới thực sự hoà hoà và đúng, đủ theo yêu cầu, cũng như có bước đi thích hợp theo nhu cầu nâng cao chất lượng thông tin, tạo gắn bó hiệu quả giữa nhu cầu thông tin với khả năng cung cấp và chất lượng hoạt động phân tích dự báo, cảnh báo sau này.

Công tác xây dựng chế độ báo cáo thống kê tài chính thống nhất từ trung ương đến địa phương cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Để thống nhất được, phải hiểu rõ ở địa phương cần phân tích đánh giá những vấn đề gì, cơ sở kinh tế của các dòng tài chính phát sinh trên địa bàn về tài chính và cách điều hành xử lý các vấn đề tài chính của địa phương… Nói chung, những vấn đề nảy sinh cần xử lý ở địa phương thường rất cụ thể, nhưng lại không chi tiết như các nhu cầu phân tích đánh giá của trung ương trên giác độ tổng thể nền kinh tế quốc dân. Trong khi ở trung ương các vấn đề nổi lên cần tập trung xử lý là về hoạch định và điều chỉnh chính sách, thì ở địa phương lại là giải pháp chấp hành chính sách và những vấn đề cần “lách” sao cho vừa thực hiện được chế độ quy định, lại vừa đảm bảo được các yêu cầu của thực tế tại chỗ… Có như vậy, mới thực sự nắm được các nhu cầu mà các Sở Tài chính địa phương cần hỗ trợ cả về nghiệp vụ, năng lực, tổ chức và phương tiện, công cụ.

Những năm qua, các phần mềm thu thập và tổng hợp các báo cáo thống kê tài chính đã được xây dựng và đang hoạt động tốt, nhưng so với các nhu cầu mới đặt ra như trên còn chưa đủ. Vì vậy, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung và triển khai các phần mềm thu thập và phân tích số liệu thống kê thuộc lĩnh vực tài chính còn thiếu, trên cơ sở các yêu cầu: Đầu vào tương thích với hệ thống chế độ kế toán và báo cáo thống kê kế toán hiện hành cũng như đã được định hướng của Việt nam. Đặc biệt chú ý đến hệ thống chế độ kế toán áp dụng cho hệ thống thông tin tích hợp ngân sách - kho bạc nhà nước (TABMIS), hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp (ITAIS), hệ thống thông tin quản lý hải quan (VCIS), hệ thống thông tin quản lý dự trữ quốc gia. Đầu ra cho phép chiết suất ra các báo cáo, thông tin cần nghiên cứu trên cơ sở các dữ liệu đã có và cần phải bổ sung. Đặc biệt, chú ý xác định các nhu cầu thông tin theo từng cấp bậc lãnh đạo và theo nhiều nhu cầu của Chính phủ, của các Bộ, ngành để phục vụ có hiệu quả, kịp thời.

Xây dựng một số phần mềm chuẩn cơ bản phục vụ cho công tác phân tích thống kê, tập trung ở các nội dung chính về phân tích các quy luật của các dãy số liệu và thông tin; các mối tương quan chính thường dùng trong phân tích điều hành, hoạch định chính sách trung và dài hạn, dự báo và cảnh báo về an ninh tài chính khi các các biến động bất thường về kinh tế trong nước hay quốc tế.

Bản thân các thông tin, dữ liệu, dù đã được các công cụ công nghệ thông tin hỗ trợ để tập hợp lại, thì tự nó vẫn chỉ là nguồn thông tin dữ liệu “thô”. Để có sức sống, yếu tố con người làm công tác thống kê mới có tính quyết định. Vì thế, củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức, tăng cường môi trường pháp lý, cơ sở vật chất, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho bộ máy ấy hoạt động là không thể thiếu được. Vấn đề đặt ra là phải có kế hoạch rõ ràng và được xác định chi tiết cụ thể theo từng việc, do ai làm và thời điểm phải hoàn thành.

Trong bối cảnh cụ thể của hệ thống đội ngũ cán bộ và vị trí công tác thống kê tài chính chưa đồng đều và thống nhất giữa các đơn vị, giữa các cấp trung ương và địa phương hiện nay, vấn đề phải đẩy mạnh các lớp đào tạo nâng cao năng lực thống kê và phân tích dự báo cho các càn bộ thực hiện nhiệm vụ thống kê tài chính càng cần thiết. Việc đào tạo này nếu chỉ theo các lớp tập trung sẽ là càng khó, bởi hầu hết ở các ngành dọc, các địa phương đa số cán bộ thực hiện nhiệm vụ thống kê tài chính là kiêm nhiệm. Vì thế, các dạng đào tạo qua mạng, trực tuyến càng cần được chú trọng.

(Theo taichinhdientu.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 2.451
Chung nhan Tin Nhiem Mang