Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
'Tư duy sở hữu là rào cản của điện toán đám mây ở VN'
Ngày cập nhật 16/08/2011

Điện toán đám mây xuất hiện tại Việt Nam khá sớm nhưng đang chững lại. Một số nhà cung cấp dịch vụ đã chia sẻ những kinh nghiệm thú vị khi triển khai và cho biết khó khăn lớn nhất là thay đổi nhận thức của người dùng.


Tại Diễn đàn Điện toán đám mây 2011 diễn ra tuần trước ở Hà Nội, ông Trần Viết Huân, Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam, và ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch hội đồng thành viên Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), chia sẻ các trải nghiệm rất thực tế của họ khi tham gia lĩnh vực này tại VN.

Ông Trần Viết Huân (thứ 2 từ trái sang) và ông Chu Tiến Dũng (thứ 2 từ phải sang) trong buổi tọa đàm về điện toán đám mây.
Ông Trần Viết Huân (thứ 2 từ trái sang) và ông Chu Tiến Dũng (thứ 2 từ phải sang) trong buổi tọa đàm về điện toán đám mây. Ảnh: P.T.

- Điện toán đám mây là gì và vị trí của nó hiện nay?

- Ông Trần Viết Huân: Khái niệm điện toán đám mây (cloud computing) không còn xa lạ với các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam. Điện toán đám mây đại diện cho một mô hình mới về việc cung cấp và sử dụng dịch vụ, giúp mang lại quy mô hiệu quả, khả năng hoạt động linh hoạt và kiểm soát chi phí chặt chẽ hơn.

Năm 2011 là năm đầu tiên điện toán đám mây bước lên vị trí số một theo đánh giá của hãng nghiên cứu Gartner về mối quan tâm của các giám đốc công nghệ thông tin (những năm trước, ứng dụng cloud comptuting xếp thứ 2 sau ảo hóa). Điều này cho thấy điện toán đám mây không còn là khái niệm mù mờ nữa mà đã trở thành một khuynh hướng và các giám đốc công nghệ phải cân nhắc tới chuyện ứng dụng như thế nào trong vòng 3 năm tới.

- Tốc độ phát triển điện toán đám mây tại Việt Nam ra sao?

- - Ông Trần Viết Huân: Có thể nói cloud computing được triển khai ở VN rất sớm từ năm 2008-2009. Nhưng có lẽ tư duy doanh nghiệp và hạ tầng trong nước phát triển chưa tốt nên quá trình này bắt đầu chững lại. Các hãng viễn thông VN chưa thực sự nhập cuộc. Ai cũng thừa nhận tiềm năng ở thị trường doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng tiềm năng ấy mở rộng đến đâu và khi nào là thời điểm thích hợp đưa dịch vụ ra bên ngoài vẫn chưa được trả lời.

- Theo ông điều gì đang cản trở sự phát triển điện toán đám mây ở VN là gì?

- Ông Chu Tiến Dũng: Điện toán đám mây muốn phát triển còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Chẳng hạn bộ ngành nào cũng muốn tự xây dựng và tự quản lý data center (trung tâm dữ liệu), cho thấy tư duy sở hữu vẫn còn nặng nề trong khi tư duy cung cấp dịch vụ lại không dễ định hướng cho đội ngũ chuyên viên chính phủ.

Theo tôi nghĩ rào cản lớn nhất là vấn đề nhận thức vì khi mô hình kinh doanh đã có sự thay đổi cơ bản thì cũng cần có góc nhìn khác so với nhận thức truyền thống về xây dựng CNTT. Đặc biệt, phải chuyển đổi từ nhận thức sở hữu sang nhận thức "mua dịch vụ". Trước đây, khi xây dựng một hệ thống CNTT, chúng ta có thể hoạch toán tài sản cụ thể. Còn ngày nay, khi triển khai dưới dạng dịch vụ cho người dùng đầu cuối hay cho nhân viên, chúng ta thuê hạ tầng triển khai, tức dưới dạng chi tiêu chứ không phải là "đầu tư" nữa. Điều này cũng thay đổi cách thức hoạch toán của các doanh nghiệp, tổ chức, nhất là nhà nước. Họ vẫn nặng trong suy nghĩ là đầu tư như thế nào và cảm thấy khó khăn trong việc định giá khi "mua dịch vụ". Trong khi đó, nếu chúng ta mua bằng vật chất thì sẽ có báo giá tài sản minh bạch. Những thứ này còn quá mới ở Việt Nam nên đã ảnh hưởng đáng kể đến quá trình triển khai.

- Công viên phần mềm Quang Trung đã vượt qua khó khăn này thế nào để có thể cung cấp dịch vụ cho một cơ quan nhà nước? (QTSC xây dựng nền tảng đám mây chung cho chính quyền TP HCM).

- Ông Chu Tiến Dũng: Theo lẽ thông thường, nhà nước đơn thuần cần một dịch vụ công nào đó thì chúng tôi sẽ xây dựng dịch vụ đó trên hệ thống cloud và xác định giá dịch vụ. Nhưng ở Việt Nam lại không làm được như vậy. Từ dịch vụ đám mây này, chúng tôi phải quay trở về tính toán như một dịch vụ truyền thống, như quy về thành cấu hình của một máy vật lý, phần mềm, nền tảng, rồi ước tính nếu mua bằng vật chất thì tương đương bao nhiêu tiền. Từ đó mới có thể xác định nếu thuê một tháng hay một năm thì là bao nhiêu. Việc này làm quá trình cung cấp bị chậm lại do có khi phải 6-8 tháng. Trong điện toán đám mây, rủi ro được đẩy về bên cung cấp và còn đơn vị sử dụng dịch vụ được hưởng lợi. Triển khai thành công thì người ta mới trả tiền lâu dài cho dịch vụ, còn nếu không thì họ sẽ bỏ đi. Còn trước đây khi họ đầu tư vào hệ thống không thành công thì hệ thống đó coi như một sự lãng phí. Tôi cho đây cũng là một bước tiến lớn trong mô hình kinh doanh và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao.

- Xin nêu một ví dụ về hiệu quả của điện toán đám mây?

- Ông Chu Tiến Dũng: Trong tháng 5, TP HCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước thí điểm áp dụng mô hình cloud phục vụ cho bầu cử. Theo luật, chúng ta vẫn phải kiểm phiếu bằng tay nhưng từng điểm bầu cử sẽ chuyển thông tin về hệ thống để cho kết quả nhanh nhất cũng như dễ dàng phát hiện sự không hợp lý. Vì vậy, một thành phố với 7-8 triệu dân mà chỉ đến 2 giờ sáng, mọi thông tin đã thông suốt.

- Làm thế nào để xây dựng những "hệ sinh thái" đám mây?

- Ông Chu Tiến Dũng: Thói quen hợp tác ở Việt Nam thực sự chưa cao. Chẳng hạn, chúng ta có rất nhiều hãng viễn thông nhưng lại chưa có nhiều dịch vụ phục vụ người dùng đầu cuối. Nhưng họ lại không muốn liên kết với các công ty phần mềm hoặc đòi hỏi lợi ích cao. Như một ứng dụng bán được 10 đồng thì hãng viễn thông đòi chia 7 đồng thì làm sao xây dựng dịch vụ tốt, làm sao có thể chăm sóc khách hàng tốt được.

- Ông Trần Viết Huân: Ở VN diễn ra khuynh hướng "tự tôi làm hết tất cả" từ hạ tầng truyền thông, tuyển đội ngũ viết phần mềm… Chúng tôi đã phải thuyết phục một số hãng viễn thông rằng để xây dựng hệ sinh thái cho riêng họ rất tốn thời gian và chi phí. Chúng tôi cũng trao đổi với bên phát triển phần mềm để giúp họ chuyển đổi sang mô hình cung cấp dịch vụ (software as services), sau đó chúng tôi lại giới thiệu họ với hãng viễn thông...

- Về phía khách hàng, họ có thể gặp rủi ro gì khi chọn điện toán đám mây?

- Ông Trần Viết Huân: Các rủi ro mà tổ chức có thể gặp phải khi chuyển sang điện toán đám mây bao gồm:

Sự cố liên quan đến máy chủ: Có thể làm gián đoạn truy cập hoặc làm thất thoát những thông tin quan trọng như nội dung e-mail hay những thông tin giao dịch liên quan đến tài chính.

Sự phá sản, hay ngừng hỗ trợ, từ các nhà cung cấp giải pháp điện toán đám mây: Sự cố này gây gián đoạn hoạt động cũng như các quy trình kinh doanh quan trọng dựa nền tảng đám mây của khách hàng.

Sự chậm chạp trong kinh doanh do chất lượng dịch vụ lưu trữ trên nền tảng điện toán đám mây kém: Điều này khiến khả năng truy cập website trở nên khó khăn cũng như giảm tốc độ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Để giảm bớt rủi ro, các tổ chức, doanh nghiệp cần chọn nhà cung cấp giải pháp có uy tín, hiểu rõ toàn bộ quy trình hoạt động kinh doanh của họ để có thể vạch ra kế hoạch triển khai một cách tổng thể nhằm đảm bảo độ an ninh và đồng bộ giữa các bộ phận cũng như đưa những chiến lược phát triển và hỗ trợ công nghệ điện toán đám mây một cách toàn diện.

Châu An - Theo vnexpress.net

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 65
Chung nhan Tin Nhiem Mang