Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
CNTT ngành Tài chính - quyết tâm cao trong năm 2011
Ngày cập nhật 31/05/2011

Khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của CNTT đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, triển khai công tác quản lý tài chính và ngân sách của hệ thống ngành Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh nhấn mạnh 4 vấn đề mà CNTT ngành Tài chính cần lưu ý trong năm 2011 trong bối cảnh kinh tế - xã hội của cả nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

2010: năm nhiều chuyển biến của CNTT ngành Tài chính

Cùng với sự nỗ lực của toàn ngành trong năm qua, CNTT ngành Tài chính đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ trên chặng đường mới của “hành trình” hướng tới nền Tài chính điện tử. Ông Trần Nguyên Vũ - Phó Cục trưởng Cục Tin học &Thống kê tài chính (TH&TKTC), Bộ Tài chính minh hoạ bằng những con số cụ thể mà Cục TH&TKTC đã đạt được như: Đưa 100% các dịch vụ hành chính công của Bộ lên Internet; Hoàn thành xây dựng và triển khai các ứng dụng kịp thời cho công tác chuyên môn về ngân sách, tài sản, giá; Hoàn thành thực hiện dự toán năm 2010 đạt tỷ lệ trên 90% so với dự toán được giao.

Riêng về việc triển khai và đảm bảo hạ tầng kỹ thuật truyền thông ngành Tài chính, đã hoàn thành 100% đầu chờ kênh MPLS tại 61 trung tâm Tỉnh, hoàn thành triển khai kênh truyền MPLS cho 690 phòng Tài chính Kế hoạch vào Hạ tầng truyền thông của ngành Tài chính, đạt tỷ lệ 100%...

Về xây dựng và triển khai các ứng dụng, đã triển khai mở rộng giai đoạn 1 hệ thống ứng dụng dự án hiện đại quy trình quản lý thu nộp thuế giữa cơ quan Thuế - Kho bạc - Hải quan - Tài chính; Hoàn thành chỉnh sửa Ứng dụng Quản lý văn bản điều hành và đào tạo cho 20 đơn vị trong đó 19 đơn vị thuộc cơ quan Bộ và 1 đại diện Văn phòng Bộ tại TP.HCM; Hoàn thành việc nâng cấp cơ sở dữ liệu thu chi ngân sách phiên bản 3.0: nâng cấp hệ thống danh mục, trao đổi dữ liệu chấp hành ngân sách với hệ thống TABMIS, dữ liệu thu với dự án hiện đại hoá quy trình thu nộp thuế… Đặc biệt, đã xây dựng, vận hành và khai thác Cơ sở dữ liệu Quốc gia Tài chính, ngân sách, cập nhật 300 văn bản pháp quy mới ban hành của Bộ vào cơ sở dữ liệu Văn bản pháp quy; rà soát cập nhật hơn 2000 văn bản; cấp mới hơn 500 mã đơn vị sử dụng ngân sách, 1.300 mã dự án đầu tư xây dựng cơ bản và hơn 950 mã số nhanh phục vụ TABMIS… Những thành quả đó đã hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành và tác nghiệp của ngành Tài chính, từ cơ quan Bộ tới các đơn vị ở địa phương.

Ở góc độ đơn vị hệ thống thuộc Bộ Tài chính, ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cũng cho biết năm 2010 ngành Hải quan đã “gặt hái” rất nhiều thành quả, điển hình là việc thí điểm thành công thủ tục hải quan điện tử. Năm 2010 đã có 13 cục hải quan với  70 chi cục (chiếm 43,75% số chi cục cả nước) triển khai thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT), gấp 35 lần so với năm 2009. Lượng tờ khai thực hiện TTHQĐT năm 2010 đạt mức tăng trưởng 598% so với năm 2009, từ 42.520 tờ khai lên 254.248 tờ khai. Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) qua TTHQĐT cũng tăng từ gần 5,15 tỷ USD năm 2009 lên 27,93 tỷ USD năm 2010, tăng 542,33%. Thời gian thông quan trung bình cho một lô hàng được phân vào luồng xanh là từ 3 - 15 phút, luồng vàng từ 10 - 60 phút và luồng đỏ phụ thuộc vào thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa.

So với năm 2009, TTHQĐT đã đạt được mức phát triển vượt trội theo hướng minh bạch và đơn giản hóa hơn trong quá trình thực hiện. Với những tờ khai được chấp nhận thông quan ngay (luồng xanh), doanh nghiệp có thể đi lấy hàng ngay mà không cần thiết phải qua chi cục hải quan để xác nhận. Đây là cải tiến đột phá về thủ tục hành chính dựa trên áp dụng công nghệ hiện đại thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, nhờ đó giảm thời gian, công sức, tiền bạc của doang nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất, được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ và đánh giá cao.

Cùng với ngành Hải quan, ngành Thuế cũng đạt được rất nhiều kết quả tốt trên hành trình hiện đại hoá. Điển hình như việc kê khai thuế qua mạng. Rõ nét nhất là việc kê khai thuế qua mạng. Theo thống kê của Tổng cục Thuế, năm 2010, đã có 19 cục thuế tham gia triển khai kê khai thuế qua mạng, với 8.406 doanh nghiệp đăng ký tham gia, ước chừng 90.000 tờ khai đã được chuyển đến cơ quan thuế. Ngoài ra, đã có 5 số doanh nghiệp làm dịch vụ trung gian (gọi tắt là VAN) tham gia hỗ trợ doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng. "Tuy là năm đầu có nhiều bỡ ngỡ, các dịch vụ hỗ trợ như chữ ký số chưa nhiều, song các doanh nghiệp đã hết sức chủ động kê khai qua mạng, hưởng ứng việc ứng dụng CNTT vào các nghiệp vụ liên quan tới thủ tục thuế", bà Lê Hồng Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính - kinh tế, trong năm qua, CNTT ngành Tài chính đã đóng góp vai trò rất quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, xã hội; Những đột phá ứng dụng CNTT đã giúp cho công tác quản lý tài chính ngân sách ngày càng hiệu quả hơn, công khai, minh bạch hơn, tiệm cận với thông lệ của quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Quyết tâm cao trong năm 2011 với 4 vấn đề cần lưu ý

Ghi nhận những nỗ lực và thành tích của các cán bộ hệ thống CNTT ngành, Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh chỉ đạo: năm 2011, sau khi Nghị quyết mới của Đại hội Đảng lần thứ 11 được công bố kèm theo chiến lược phát triển mới của đất nước, CNTT ngành Tài chính cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để đẩy nhanh tiến trình hiện đại hoá, hướng tới nền Tài chính điện tử.

Thứ trưởng đề nghị 4 vấn đề cần lưu ý triển khai trong năm, đó là:

Thứ nhất, phải đánh giá kỹ lại những việc đã làm được và chưa làm được trong giai đoạn qua. Đặc biệt là tổng kết lại việc thực hiện chiến lược phát triển CNTT của ngành Tài chính đặt ra từ các năm 2001, 2005, 2010 để xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch tổng thể về việc ứng dụng CNTT ngành Tài chính năm 2011 – 2015. Kế hoạch này phải đáp ứng 4 yêu cầu: Một là phải bám vào Chiến lược Tài chính giai đoạn 2011 – 2020; Hai là phải bao quát toàn diện hoạt động CNTT của ngành Tài chính cả nước, gồm cơ quan Bộ, các đơn vị trực thuộc và cơ quan tài chính địa phương; Ba là phải giải quyết được những “vùng lõm” về CNTT (vùng yếu về CNTT, trình độ sử dụng công nghệ thấp, ứng dụng kém, hạ tầng truyền thông còn thiếu thốn); Bốn là kế hoạch phải có tính động – có thể điều chỉnh được cho phù hợp với sự thay đổi của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Thứ hai, cần hoàn thành bộ quy chế và cơ chế liên quan đến quản lý CNTT của ngành Tài chính, có sự gắn kết với các quy định mới của Chính phủ, Bộ Thông tin & Truyền thông. Năm nay phải đặt công việc này lên hàng “ưu tiên”. Cần có sự phối hợp giữa Cục TH&TKTC với các Vụ chức năng và các Tổng cục, Cục thuộc Bộ Tài chính để làm rõ “cái chung”, “cái đặc thù”, qua đó sẽ tháo gỡ được những vướng mắc trong triển khai ứng dụng CNTT như hoạt động ứng dụng chưa đều khắp, có đôi chỗ còn làm việc tuỳ tiện…

Thứ ba, ban lãnh đạo cần có chương trình hành động để tập trung các biện pháp kiện toàn, nâng cao chất lượng cán bộ, hoàn thiện đội ngũ bộ máy; giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết. Đây cũng sẽ là động lực để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả của lĩnh vực hoạch định chính sách, soạn thảo cơ chế về CNTT của ngành Tài chính.

Thứ tư, lãnh đạo CNTT của ngành Tài chính cần chủ động và quyết liệt nhiều hơn trong tổ chức triển khai các công việc. Cần phải xác định “trọng tâm, trọng điểm” để bố trí lực lượng hợp lý. Tránh việc nào cũng dàn trải thì rất khó đạt hiệu quả, yêu cầu.

Theo kế hoạch hoạt động năm 2011, Cục TH&TKCT sẽ tập trung hoàn thành 7 nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Tập trung nghiên cứu, xây dựng các quy định, quy chế quản lý CNTT toàn ngành, hướng dẫn các đơn vị thực hiện cácquy định của nhà nước về quản lý CNTT;

- Thực hiện quy hoạch, kế hoạch CNTT cho giai đoạn 2011-2015, định hướng 2010 để đảm bảo thực hiện thành công chiến lược tài chính; 

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ năm 2011;

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về Định mức trang bị phương tiện làm việc CNTT, Chuẩn hạ tầng CNTT ngành Tài chính, Chế độ báo cáo CNTT toàn ngành;

- Tổ chức kiểm tra tình hình triển khai ứng dụng CNTT tại các cơ quan tài chính địa phương; 

- Triển khai thực hiện Đề án đổi mới đồng bộ hệ thống chỉ tiêu thống kê;

- Triển khai kế hoạch phát triển hệ thống thông tin và dữ liệu thống kê tài chính đến năm 2015 đã được Bộ phê duyệt

(Theo mof.gov.vn)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 51
Chung nhan Tin Nhiem Mang