Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Đưa ứng dụng công nghệ phục vụ công tác Thi đua khen thưởng ngành Tài chính
Ngày cập nhật 26/07/2011

Trong những năm gần đây, công tác thi đua khen thưởng của ngành Tài chính được Lãnh đạo Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những động lực khơi dậy tinh thần phấn khởi, lao động sáng tạo của đông đảo cán bộ, công chức ngành tài chính, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ tài chính - ngân sách được giao.

Tuy nhiên, để đảm bảo cho công tác thi đua khen thưởng có thể thống nhất, thông suốt, sâu sát kịp thời với các chương trình kế hoạch, nội dung, chỉ tiêu thi đua đối với từng lĩnh vực chuyên môn của hệ thống đa ngành, đa chức năng như ngành Tài chính, thì việc đưa ứng dụng công nghệ để xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ, quản lý dữ liệu phục vụ công tác thi đua, khen thưởng là hết sức cần thiết và không thể thiếu.

Nắm bắt yêu cầu này, Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính đã tiến hành nghiên cứu, phát triển để cho ra đời Phần mềm quản lý thi đua khen thưởng (QLTĐKT) và bắt đầu tập huấn triển khai cho các hệ thống ngành tài chính.

Phần mềm Quản lý Thi đua khen thưởng phải bao quát được toàn ngành

Qua thực tế khảo sát tại một số đơn vị thuộc ngành Tài chính (Vụ thi đua khen thưởng, Kho bạc nhà nước, Kho bạc nhà nước Hà Nội, Tổng Cục Hải quan, Cục Hải quan Hà Nội, Tổng cục Thuế…) cho thấy, Công tác quản lý Thi đua khen thưởng tại các đơn vị này còn tồn tại nhiều  hạn chế: toàn bộ công tác nghiệp vụ thi đua, khen thưởng vẫn phải xử lý thủ công, các giai đoạn thi đua, khen thưởng còn rời rạc, chưa có quy trình thống nhất giữa các đơn vị các cấp, dẫn đến việc tra cứu, kiểm tra hồ sơ dễ bị sai sót; Công tác quản lý về thi đua khen thưởng của các đơn vị cấp trên đối với các đơn vị cấp dưới gặp khó khăn do chưa có hệ thống biểu mẫu báo cáo thống nhất, đồng nhất giữa các đơn vị…

Riêng trường hợp như Kho bạc nhà nước, hoặc các đơn vị thuộc hệ thống Hải quan cũng đã ứng dụng công nghệ để phục vụ công tác thi đua khen thưởng, nhưng mỗi đơn vị lại sử dụng một phần mềm quản lý, theo dõi thi đua, khen thưởng, kỷ luật khác nhau, thiếu đồng bộ về biểu mẫu. Được biết, trước khi có Phần mềm QLTĐKT do Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính phát triển, hệ thống Kho bạc nhà nước cũng chỉ sử dụng chức năng quản lý, theo dõi thi đua khen thưởng có trong Phần mềm quản lý cán bộ phiên bản 4.0, do đó cũng không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về nghiệp vụ quản lý công tác thi đua khen thưởng.

Hơn nữa, bản thân chức năng quản lý thi đua khen thưởng, kỷ luật trong Phần mềm Quản lý cán bộ 4.0 cũng còn nhiều hạn chế. Theo nhận xét của ông Phạm Hoàng Quang, phòng Tổ chức cán bộ Kho bạc Nhà nước TP.Hồ Chí Minh, mặc dù Phần mềm quản lý cán bộ cũng có những tiện ích có thể phục vụ cho công tác Thi đua khen thưởng, nhưng chưa đáp ứng được toàn diện nghiệp vụ khai thác báo cáo, quản lý dữ liệu, điều hành, cung cấp thông tin liên quan đến công tác Thi đua khen thưởng. Bà Phạm Thị Liên, Kho bạc Nhà nước tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết: việc ứng dụng Phần mềm Quản lý cán bộ để phục vụ cho công tác quản lý thi đua khen thưởng là rất khó khăn, nhất là trong việc kết xuất số liệu, làm báo cáo tổng kết …

Quản lý thông tin về Cán bộ công chức trong các cơ quan Nhà nước nói chung, quản lý công tác thi đua khen thưởng nói riêng là một bài toán quan trọng phục vụ cho việc quản lý nguồn nhân lực, chính sách cán bộ… nhằm giúp lãnh đạo kịp thời đưa ra các quyết định để xây dựng đội ngũ Cán bộ công chức đủ khả năng và trình độ đáp ứng các nhu cầu trong giai đoạn mới. Điều này càng quan trọng và cấp thiết hơn đối với ngành Tài chính, khi đội ngũ cán bộ công chức ngày càng lớn mạnh về số lượng và đa dạng về nghiệp vụ, về trình độ chuyên môn… lại làm việc trên nhiều địa bàn khác nhau cả trong nước và quốc tế.

Chính vì vậy, cùng với Phần mềm quản lý cán bộ, Phần mềm quản lý thi đua khen thưởng của Cục Tin học và Thống kê tài chính đã được các cán bộ làm công tác Tổ chức, công tác Thi đua khen thưởng đặc biệt đón nhận và đánh giá cao.

Cần phải nói rằng, Phần mềm QLTĐKT là ứng dụng đầu tiên sử dụng dữ liệu tập trung thống nhất tại Bộ Tài chính và hoàn toàn độc lập với Phần mềm Quản lý cán bộ trước đây. Cái khác ở đây là Phần mềm quản lý cán bộ trước đây quản lý, theo dõi cán bộ chung bao gồm cả quản lý hồ sơ cán bộ và theo dõi khen thưởng, kỷ luật…còn Phần mềm QLTĐKT mang tính chuyên môn hơn, chuyên biệt hơn: chỉ tập trung vào công tác Thi đua khen thưởng.

Phần mềm QLTĐKT khi đưa vào sử dụng sẽ thống nhất được công tác quản lý phong trào thi đua và xét duyệt danh hiệu thi đua, danh hiệu khen thưởng trong toàn ngành Tài chính từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, việc cập nhật dữ liệu qua phần mềm sẽ tạo được cơ sở dữ liệu tập trung thống nhất về mẫu biểu, hồ sơ danh hiệu thi đua, danh hiệu khen thưởng của cá nhân và tập thể trong toàn ngành từ năm 2000 đến nay. Bên cạnh đó, với mục đích hỗ trợ cán bộ làm công tác TĐKT trong quá trình thẩm định, xét duyệt, in bằng khen, giấy khen…cho cán bộ công chức toàn ngành Tài chính, Phần mềm đã góp phần tin học hóa công tác TĐKT, thay vì phải làm thủ công qua các bảng excel hoặc tra tìm qua hồ sơ giấy làm chậm tiến độ thi đua, khen thưởng.

Theo kế hoạch, gói dự án Phần mềm QLTĐKT được thực hiện trong 15 tháng (từ tháng 11/2010), chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: triển khai đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác TĐKT trong toàn ngành Tài chính. Dự kiến, Cục Tin học và Thống kê tài chính sẽ triển khai thống nhất Phần mềm QLTĐKT cho toàn ngành Tài chính trong quý I/2011; Giai đoạn 2: các đơn vị đã được đào tạo sẽ tiến hành nhập liệu và theo dõi, quản lý, xét duyệt thi đua, khen thưởng. Hiện tại, Dự trữ Nhà nước và Kho bạc Nhà nước là 2 hệ thống đã được Cục Tin học và Thống kê tài chính triển khai tập huấn. Dự kiến trong tháng 12/2010 sẽ tổ chức tập huấn cho các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán, Vụ Thi đua Khen thưởng; Thuế, Hải quan sẽ là 2 hệ thống cuối cùng được triển khai trong quý I/2011. Theo đó, việc triển khai Phần mềm TQLĐKT sẽ được đưa tới các hệ thống ngành Tài chính cấp Tỉnh. Riêng cấp huyện, do nhu cầu của các hệ thống ngành Tài chính cấp này chưa cao nên cán bộ làm công tác TĐKT thuộc các hệ thống cấp Tỉnh sẽ chịu trách nhiệm cập nhật dữ liệu.                 

Qua chương trình tập huấn Phần mềm quản lý thi đua khen thưởng của Cục Tin học và Thống kê tài chính dành cho các cán bộ Kho bạc nhà nước 33 tỉnh khu vực phía Nam tại Đà Lạt vào tháng 11 vừa qua, các cán bộ tham gia khóa học đều nhanh chóng nắm bắt được kỹ năng ứng dụng phần mềm này trên máy tính và có chung nhận xét là Phần mềm quản lý Thi đua khen thưởng đã bao quát được toàn ngành tài chính, đồng thời do chạy trên nền tảng Web nên tiện dụng, dễ hiểu, dễ vận hành, khai thác. Việc cập nhật, lưu trữ dữ liệu cũng an toàn và thuận tiện trong tra cứu… đáp ứng được phần lớn nhu cầu của Công tác thi đua khen thưởng, giúp cho các đơn vị nắm được thông tin đầy đủ và kịp thời, cũng như phục vụ việc nâng lương trước hạn, xem xét khen thưởng, kỷ luật… đúng, đủ theo quy định về thành tích trong hoạt động nghiệp vụ.

Máy móc không thể thay thế hoàn toàn con người

Đối với quy mô hệ thống ngành Tài chính là đa ngành, đa lĩnh vực với những cơ quan chuyên ngành như hệ thống các sở Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… đòi hỏi phạm vi ứng dụng của chương trình quản lý Thi đua khen thưởng cũng phải triển khai rộng khắp toàn ngành, đến từng Cơ quan, tổ chức, đơn vị Cục, Vụ, Viện, các Trường và đơn vị sự nghiệp; các đơn vị thuộc hệ thống Tổng cục từ cấp huyện và tương đương; các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp thuộc tuyến khen thưởng của Bộ Tài chính… và đối tượng quản lý của chương trình phải bao gồm được các tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ máy Bộ Tài chính, cũng như thuộc các doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp thuộc tuyến khen thưởng của Bộ Tài chính.

Tham gia một trong những lớp tập huấn ứng dụng Phần mềm quản lý Thi đua khen thưởng do Cục Tin học và Thống kê tài chính tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đại Nghiệp, cán bộ làm công tác Công nghệ thông tin của Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: cơ sở dữ liệu về cán bộ còn có những lỗi cần chỉnh sửa ngay, ví dụ như nhầm lẫn các cán bộ giữa các tỉnh khác nhau. Vì vậy, theo kế hoạch, để có thể triển khai phần mềm này trên phạm vi toàn ngành trong năm 2011, thì trước hết cần phải bắt đầu từ việc nhập liệu chính xác hồ sơ cán bộ cùng các mẫu biểu phù hợp…

Điều này cho thấy, khi Phần mềm quản lý Thi đua khen thưởng được đưa vào ứng dụng cụ thể ở từng đơn vị thì sẽ không tránh khỏi phát sinh những vướng mắc, cần tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện, trong đó bao gồm cả những yêu cầu, điều kiện đối với những con người cụ thể khi triển khai ứng dụng phần mềm này, bởi vì có những khâu (như khâu nhập liệu chẳng hạn) mà máy móc không thể thay thế hoàn toàn con người được.

Đây cũng chính là lý do mà các cán bộ triển khai của Cục Tin học và Thống kê tài chính vừa tiến hành tập huấn sử dụng Phần mềm Quản lý Thi đua khen thưởng, vừa tiếp tục thu thập ý kiến để kịp thời chỉnh sửa, góp phần đưa Phần mềm Quản lý Thi đua khen thưởng “tiến gần” hơn đến yêu cầu chung của các cán bộ làm công tác Thi đua khen thưởng của ngành và đáp ứng mục tiêu chung của công tác quản lý cán bộ và quản lý thi đua khen thưởng của ngành Tài chính.

 

Với mục đích phục vụ điều hành công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành Tài chính, Phần mềm quản lý thi đua khen thưởng đáp ứng các yêu cầu:

- Quản trị hệ thống; Quản lý thông tin cán bộ (thông tin chung; quá trình công tác; Quá trình khen thưởng; kỷ luật…);

- Quản lý thi đua (quản lý phong trào thi đua, đăng ký thi đua, tổ chức thực hiện thi đua, đánh giá, xét tặng thi đua…);

- Quản lý khen thưởng (quản lý khen thưởng thường xuyên, quản lý loại hình khen thưởng ngoài ngành, cập nhật thông tin lịch sử khen thưởng, tổng kết khen thưởng…);

- Quản lý hệ thống báo cáo, tìm kiếm (danh sách dự kiến khen thưởng; Thống kê phát động, đăng ký thi đua; Báo cáo phong trào;

- Danh sách đề nghị xét duyệt;

- Danh sách được khen thưởng, lịch sử khen thưởng…)

Đồng thời, trợ giúp các hoạt động nghiệp vụ thi đua, khen thưởng gồm:

- Công tác thi đua (tổ chức, phát động, đăng ký thi đua, tổ chức thực hiện phong trào thi đua), tổ chức công tác kiểm tra, giám sát; tổng hợp, đánh giá kết quả phong trào thi đua (tổng kết, chấm điểm, bình xét thi đua).

- Công tác khen thưởng: hồ sơ xét thưởng (báo cáo tổng kết thi đua, điểm thi đua, đề nghị khen thưởng); Báo cáo thành tích khen thưởng; Hỗ trợ quy trình thẩm định tiêu chuẩn khen thưởng thường xuyên (điều kiện cần). 

(Ngô Thu Hương) - Theo www.taichinhdientu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 105
Chung nhan Tin Nhiem Mang