Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: “ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu tăng trưởng, phương hướng hợp tác khu vực và quốc tế của APEC”
Ngày cập nhật 14/11/2011

 Hội nghị Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 18 được tổ chức tại Honolulu, Hoa Kỳ, đã kết thúc thành công và có ý nghĩa rất quan trọng góp phần chuẩn bị các nội dung về hợp tác tài chính cho Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 19. Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã trả lời phỏng vấn báo chí khẳng định quan điểm về chính sách kinh tế, tài chính, sự ủng hộ của Việt Nam đối với mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng của APEC cũng như phương hướng hợp tác của APEC trong khu vực và quốc tế.

 Phóng viên: trong bối cảnh diễn biến kinh tế toàn cầu có nhiều biến động tiêu cực, các nước khu vực APEC cũng không nằm ngoài vòng xoáy của khủng hoảng. Quỹ Tiền tệ quốc tế trong báo cáo mới nhất của mình đã dự kiến tăng trưởng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chỉ đạt 6,3%, thấp hơn năm 2010, xin Bộ trưởng cho biết các Bộ trưởng Tài chính APEC đã có những hành động nào để đối phó với những rủi ro và đà suy giảm tăng trưởng trong khu vực và hướng tới phục hồi mức tăng trưởng bền vững trong tương lai?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Tài chính đã giành nhiều thời gian để thảo luận về tình hình kinh tế tài chính toàn cầu cũng như trong khu vực, cũng như những rủi ro, thách thức mà khu vực phải đối mặt trong thời gian tới. Nhìn chung, các Bộ trưởng đều nhất trí với đánh giá cho rằng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những thách thức lớn cả từ bên ngoài và bên trong. Từ bên ngoài, đáng kể nhất là cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu cho đến nay vẫn chưa có được một giải pháp toàn diện và lâu dài. Từ bên trong, đó là những nguy cơ về lạm phát tăng cao ở nhiều nước trong khu vực, vấn đề tăng trưởng mất cân bằng, và nguy cơ về dòng vốn đầu tư biến động bất thường.
Các Bộ trưởng đã nhất trí cần tiếp tục tăng cường hợp tác trong khu vực, đặc biệt là hợp tác về tài chính, nhằm phối hợp chính sách vĩ mô giữa các nền kinh tế trong khu vực để đối phó với những rủi ro và thách thức. Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng đã thống nhất quan điểm về một số biện pháp chính sách cụ thể sau:
Thứ nhất, các Bộ trưởng nhất trí ủng hộ những biện pháp mà G20 đã đưa ra trong Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 mới được tổ chức tại Paris tháng 10 vừa qua, và nhất trí tăng cường phối hợp hành động nhằm đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, tăng cường sự ổn định của khu vực tài chính, làm cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. Theo đó, các nước phát triển có vấn đề về tài khoá cần tiến hành các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm củng cố tài khoá và giảm nợ công; các nước có thặng dư cán cân thương mại lớn cần tiến hành các biện pháp cải cách cơ cấu kinh tế trong nước để thúc đẩy nhu cầu nội địa và giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu; các nước có thâm hụt thương mại lớn cũng cần cải cách cơ cấu theo hướng tăng tích luỹ cho nền kinh tế; các nước đang phát triển có vấn đề về lạm phát cần thúc đẩy các biện pháp chống lạm phát và xây dựng lòng tin. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng nhất trí với G20 cần tăng cường các biện pháp kiểm soát khu vực tài chính, nhằm tránh việc xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự trong tương lai.
Thứ hai, các Bộ trưởng cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến đã được triển khai trong khuôn khổ hợp tác tài chính APEC, đặc biệt là các giải pháp nhằm huy động nguồn vốn tư nhân cho các dự án cơ sở hạ tầng, và phát triển các dự án tăng cường tiếp cận tài chính cho các đối tượng khó khăn và các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các sáng kiến này sẽ giúp các nước đang phát triển trong khu vực giải quyết hai vấn đề khó khăn là xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp có quy mô vừa, quy mô nhỏ và quy mô hộ gia đình.
Thứ ba, các Bộ trưởng cũng cam kết thực hiện các biện pháp hướng tới mục tiêu Tăng trưởng Xanh, nhằm đạt được sự tăng trưởng vừa mạnh mẽ, vừa bền vững và thân thiện với môi trường. Về phần mình, các Bộ trưởng Tài chính cũng đang nghiên cứu các giải pháp tài chính hướng tới tăng trưởng xanh, như các hình thức hỗ trợ tài chính để phát triển các công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, hoặc các loại thuế và phí nhằm giảm việc phát thải các chất có hại với môi trường. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Tài chính cũng đang phối hợp với các Bộ trưởng Năng lượng để nghiên cứu việc loại bỏ các khoản trợ cấp cho các loại nhiên liệu hoá thạch như xăng, dầu và các chế phẩm dầu mỏ, để chuyển dần sang các loại nhiên liệu thay thế thân thiện với môi trường như nhiên liệu sinh học…

Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 18

Phóng viên: theo chúng tôi được biết, Hội nghị BTTC APEC là một trong hai hội nghị ở cấp Bộ trưởng duy nhất được tổ chức ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC, xin Bộ trưởng cho biết những vai trò quan trọng của các Bộ trưởng Tài chính đối với Hội nghị Thượng đỉnh APEC?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: không phải chờ tới giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, mà ngay từ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2006 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Việt Nam, các hoạt động hợp tác tài chính trong APEC đã được nâng cấp một bước. Kênh hợp tác tài chính cùng với kênh hợp tác kinh tế - ngoại giao là hai lĩnh vực hợp tác duy nhất trong APEC có các phiên họp phối hợp từ cấp chuyên viên cho tới cấp Thứ trưởng và cấp Bộ trưởng.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, vai trò của hợp tác tài chính trong APEC càng trở nên quan trọng và có nhiều đóng góp vào tiến trình hợp tác cấp cao của APEC. Quan điểm của các Bộ trưởng Tài chính ủng hộ khung khổ G20 tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng đã trở thành một trong những trọng tâm trong Tuyên bố Cấp cao APEC 2009. Trong năm 2010, Báo cáo Kyoto về Chiến lược Tăng trưởng và Tài chính của các Bộ trưởng Tài chính đã được trình lên Hội nghị Thượng đỉnh APEC như một cam kết về định hướng tăng trưởng một cách cân bằng, tăng cường các nguồn vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, và cho các đối tượng khó khăn, nhằm đảm bảo duy trì đà phục hồi tăng trưởng trong giai đoạn hậu khủng hoảng.
Trong hội nghị năm nay, đứng trước những nguy cơ và thách thức đối với kinh tế toàn cầu, các Bộ trưởng Tài chính đã giành nhiều thời gian để thảo luận về tình hình kinh tế tài chính toàn cầu cũng như trong khu vực. Các Bộ trưởng đã thống nhất về mối liên kết và sự phối hợp chặt chẽ giữa APEC và G20, và nhất trí trình lên Cấp cao những kiến nghị về việc tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ khung khổ tăng trưởng bền vững và cân bằng của G20.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu Tăng trưởng Xanh, coi đó là một trong những mục tiêu trọng tâm của APEC trong thời gian tới. Về phần mình, các Bộ trưởng Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và có đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy Tăng trưởng Xanh trong khu vực.
Phóng viên: là một thành viên tích cực trong các diễn đàn hợp tác đa phương như ASEAN, ASEM, APEC, xin Bộ trưởng cho biết Việt Nam đã thể hiện vai trò của mình như thế nào trong kênh hợp tác tài chính APEC?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Như chúng ta đã biết, từ năm 2006, kể từ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2006 tại Hà Nội, với vai trò chủ trì, Việt Nam đã đề nghị tăng cường mức độ phối hợp hoạt động trong kênh hợp tác tài chính để đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực. Theo sáng kiến của Việt Nam, kể từ năm 2007, kênh hợp tác tài chính đã có thêm cấp hợp tác ở cấp quan chức tài chính cao cấp. Đây là mức độ hợp tác khá sâu trong APEC, khi hiện nay mới chỉ có kênh hợp tác kinh tế - ngoại giao và kênh hợp tác tài chính có các hoạt động phối hợp ở cả 3 cấp quan chức, thứ trưởng và bộ trưởng. Mức độ hợp tác được thể hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, Bộ Tài chính Việt Nam cũng đã đồng tài trợ và tham gia nhiều sáng kiến của APEC, không chỉ cử cán bộ tham gia các hoạt động hợp tác, đào tạo tại nước ngoài, mà còn trực tiếp tổ chức nhiều hội thảo và chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý cũng như cán bộ kỹ thuật ngay tại Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác APEC. Từ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2006 đến nay, Việt Nam đã có những đóng góp rất tích cực vào các sáng kiến chung của các Bộ trưởng Tài chính APEC và cũng như các đóng góp vào sự hợp tác và huấn luyện cho các cán bộ kỹ thuật phục vụ cho các công tác chuẩn bị Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính. Riêng lần này ta cử đoàn cấp cao do Bộ trưởng Tài chính dẫn đầu và có những phát biểu, đóng góp rất tích cực cho Hội nghị, nhất là chúng ta đã đặt ra những vấn đề đối với sự tăng trưởng và những tiếp cận toàn diện về tín dụng và tài chính cho những nước nghèo và những nước chậm phát triển. Trong đó riêng lĩnh vực tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải có sự tham gia giúp sức từ phía nhà nước thì mới có thể hy vọng các công ty về tài chính, các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận với khu vực này bởi vì mức sinh lợi của họ rất là nhỏ;
Thứ hai, chúng ta đặt ra cho Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính APEC câu hỏi quan trọng là phải thực hiện nghiêm trong quá trình tổ chức thực hiện các cam kết, bởi vì đồng ý rằng chúng ta đành kiểm soát định chế tài chính của ngân hàng, tuy nhiên các tiêu chuẩn, các quy chế, các quy định cho các tổ chức tài chính ngân hàng này cần phải có điều chỉnh cho phù hợp, có liều lượng, phù hợp với các hệ thống định chế tài chính ngân hàng của các nước mà tuỳ theo sự phát triển, nhất là những nước còn có trình độ phát triển thấp hơn trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương.
Thứ ba, liên quan đến quan điểm và triết lý về quan điểm phát triển hệ thống tài chính ngân hàng cũng cần phân biệt giữa mô hình các nước mà phát triển các thị trường vốn theo trường phái Ăng-lô xắc-xông, là nền kinh tế chủ yếu dựa vào tài trợ vốn từ thị trường chứng khoán và thứ hai nữa là mô hình giám thính mà các chính thể trong Liên minh Châu Âu đang thực hiện, trong đó cũng có một phần như ở Việt Nam đang thực hiện là chủ yếu dựa vào tài trợ vốn cho nền kinh tế và trong quan hệ thương mại thì cần phải có những tiêu chuẩn và những định chế quy định nhằm có tư duy phát triển mới.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, trong diễn đàn Hội nghị APEC và nhất là sau 2 Hội nghị của Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Ngoại giao kinh tế, vậy cuộc họp Bộ trưởng Tài chính này có đóng góp như thế nào tới nội dung bản dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị sẽ được báo cáo trong những ngày tới?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Như chúng ta đã biết, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh APEC thì chỉ có 2 trong 4 lĩnh vực là có Hội nghị chính thức được nâng lên hàng kỹ thuật, từ cấp Thứ trưởng nâng lên cấp các Bộ trưởng, đó là Hội nghị hỗn hợp về kinh tế - ngoại giao, thứ hai là kênh hợp tác về phối hợp tài chính mà Hội nghị Bộ trưởng APEC lần này là một ví dụ điển hình, và có thể khẳng định tất cả các kết quả từ Hội nghị Bộ trưởng APEC sẽ được đệ trình lên Hội nghị thượng đỉnh bàn về tuyên bố chung,  ông Timothy Gaithner, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ thay mặt cho các Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ công bố bản tuyên bố chung đó.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, bên lề Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính APEC lần này chúng ta đã có các cuộc tiếp xúc song phương giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Pê ru và Bộ Tài chính Ốt-xtrây-lia, vậy tại sao chúng ta lại chọn 2 nước này và kết quả của các cuộc gặp gỡ song phương đó như thế nào?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Đối với Ốt-xtrây-lia, đây là một quốc gia có vị trí rất quan trọng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và đã có quan hệ hợp tác với Việt Nam rất mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính và đầu tư, đặc biệt là đối với Bộ Tài chính, hai nước cũng đã có những mối quan hệ về hợp tác hỗ trợ với nhau rất tích cực, nhất là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, thông qua Quỹ Audet, thì Chính phủ Ốt-xtrây-lia đã giúp chúng ta rất nhiều trong chương trình xoá đói giảm nghèo và nhất là các chương trình về vệ sinh nước sạch môi trường ở nông thôn v.v… qua cuộc gặp song phương lần này, hai Bộ trưởng cũng đã đạt được sự đồng thuận rất cao là cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tài chính để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế tài chính, thương mại và đầu tư và đặc biệt là hai Bộ trưởng đã thống nhất giao cho cơ quan phụ trách đối ngoại của Bộ Tài chính hai nước xây dựng cái hiệp định để có thể ký một thoả thuận hợp tác giữa hai Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng Ốt-xtrây-lia đã nhận lời. Còn đối với Pê ru thì chúng ta cũng có quan hệ hợp tác khá sớm ở trên nhiều lĩnh vực và lần này với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai Bộ trưởng Tài chính sẽ ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hải quan.
Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
T.Hải ( tổng hợp từ Honolulu, Hoa Kỳ)
theop mof.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 46
Chung nhan Tin Nhiem Mang