Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Nhận thức về mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta
Ngày cập nhật 20/05/2011

Đại hội XI của Đảng đã bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 - Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới. Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một trong những nội dung được bàn thảo nhiều. Vấn đề đặt ra là văn kiện Đại hội XI đã xác định mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta như thế nào. Đây là vấn đề lớn, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin nêu một vài vấn đề cốt lõi nhất.

1- Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011)  khẳng định: theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội

Như chúng ta đều biết, sau khi nghiên cứu lịch sử xã hội loài người nói chung và nhất là sự phát triển của chủ nghĩa tư bản châu Âu nói riêng, C.Mác đã rút ra kết luận: sự phát triển của xã hội loài người là sự thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã hội. V.I.Lênin đã nhận xét: “Sau khi nghiên cứu quy luật phát triển của xã hội loài người, Mác đã hiểu rằng chủ nghĩa tư bản phát triển tất nhiên sẽ đưa đến chủ nghĩa cộng sản - đây là điều căn bản - khi chứng minh chân lý đó, Mác chỉ dựa trên việc nghiên cứu xã hội tư bản đó một cách chính xác nhất, tỉ mỉ nhất, sâu sắc nhất, nhờ việc nắm vững đầy đủ tất cả những cái mà khoa học trước đây đã cung cấp”(1). Chính vì thế, xã hội tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ được thay thế bằng xã hội khác, C.Mác xác định là xã hội cộng sản chủ nghĩa, giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội. Sự thay thế này là một quá trình lịch sử tự nhiên.

Những học giả phương Tây cũng thừa nhận sự tiến hoá này. Sau chủ nghĩa tư bản là gì? họ đã đưa ra nhiều tên gọi khác  nhau: Xã hội hậu công nghiệp, xã hội tiêu thụ, xã hội hỗn hợp, xã hội điện toán, xã hội thông tin, xã hội phúc lợi chung và nhiều người đã gọi là chủ nghĩa cộng sản. Như vậy, có thể có rất nhiều tên gọi khác nhau, nhưng điểm chung nhất của các học giả, đó không phải là xã hội tư bản nữa. Hiện tại ở những nước tư bản phát triển đã xuất hiện những yếu tố của xã hội mới, như: kinh tế tri thức nảy sinh và phát triển, tính chất xã hội của sở hữu ngày càng gia tăng; sự điều tiết của nhà nước ngày càng hữu hiệu; tính nhân dân và xã hội của nhà nước tăng lên; những vấn đề phúc lợi xã hội và môi trường ngày càng được giải quyết tốt hơn v.v.. Với những đặc điểm này hoàn toàn đúng với quan điểm của V.I.Lênin: Các yếu tố của xã hội tương lai sẽ xuất hiện trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa. Đó là một quy luật, nó chi phối sự phát sinh, tồn tại, phát triển và diệt vong của một xã hội nhất định và sự thay thế nó bằng một xã hội khác, cao hơn. Và lẽ tất nhiên, theo quy luật tiến hoá của lịch sử, đến một lúc nào đó hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa lại bị thay thế bằng hình thái kinh tế-xã hội cao hơn nữa. Nhưng điều này còn vô cùng lâu dài và chưa có nhà lý luận nào hình dung ra được.

Thực tiễn lịch sử loài người đã chứng minh, học thuyết về hình thái kinh tế-xã hội của Mác là đúng. Chưa ai có thể bác bỏ được những quan điểm của Mác về lịch sử phát triển của xã hội loài người, trừ những người cố tình xuyên tạc Mác với dụng ý xấu. Chính vì thế mà Mác được khán giả truyền hình BBC của Anh bầu chọn là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của toàn nhân loại trong 1000 năm qua(2). Nhà triết học nổi tiếng người Pháp Giắc Đêriđa vẫn khẳng định: “Mác là nhà tư tưởng của thế kỷ XXI” v.v... Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu không phải là sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội, mà chỉ là sự thất bại của mô hình cụ thể về xây dựng chủ nghĩa xã hội - mô hình Xô viết. Những bài học thành công và thất bại của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sẽ giúp cho mô hình chủ nghĩa xã hội trong tương lai tránh được sai lầm, khiếm khuyết. Hiện nay, ngoài 5 đảng cộng sản và công nhân đang trực tiếp lãnh đạo đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, hiện có hơn 130 đảng ở hơn 80 nước đang đấu tranh vì hoà bình, độc lập, dân tộc, dân chủ, tiến bộ và xã hội chủ nghĩa, nhất là ở một số nước châu Mỹ Latinh.

2- Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử

Nhân dân ta đi theo Đảng tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân không chỉ nhằm thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang, cũng không chỉ nhằm thoát khỏi gông cùm của phong kiến mà khát vọng của nhân dân ta là muốn tiến tới thoát khỏi mọi kiểu áp bức, bóc lột, mọi người đều được sống trong ấm no, tự do, hạnh  phúc. Chỉ có đi lên chủ nghĩa xã hội mới đáp ứng được khát vọng đó. Nếu đi theo con đường tư bản chủ nghĩa mà nhân dân ta đã từng chứng kiến sự đàn áp, bóc lột của chủ nghĩa tư bản Pháp, Mỹ thì không thể đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Chính vì vậy, đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta. Đó là một sự thật lịch sử không ai có thể phủ nhận được.

Sinh ra và lớn lên ở đất nước bị đế quốc Pháp xâm chiếm, dân tộc bị chìm đắm trong vòng nô lệ. Cách mạng trong đêm tối không tìm thấy đường đi. Trong bối cảnh ấy, Nguyễn ái  Quốc sau nhiều năm bôn ba khắp các châu lục tìm đường cứu nước đã rút ra kết luận: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” và “chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của  chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới”. Trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng 3-2-1930 đã chỉ rõ: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, tức là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mở đường tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đó là chủ trương cách mạng triệt để, là sự vận dụng sáng tạo học thuyết cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác-Lênin và quan điểm độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vào hoàn cảnh Việt Nam, một nước thuộc địa nửa phong kiến. Có thể nói, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội được đặt ra ngay từ đầu và nhanh chóng trở thành sợi chỉ đỏ trong đường lối của Đảng ta, là quy luật của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã khẳng định: “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội: Đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc độc lập dân tộc”(3).

Sự lựa chọn đó đã được thực tiễn kiểm nghiệm: Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam.

Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Chính vì thế, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(4). Báo cáo chính trị tại Đại hội XI cũng chỉ rõ: “Thực tiễn phong phú và những thành tựu đạt được qua 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Chúng ta một lần nữa khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”(5). Sự khẳng định đó là hoàn toàn chính xác, khoa học và cách mạng, hoàn toàn không phải là xuất phát từ ý muốn, nguyện vọng chủ quan.

3- Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định rõ hơn mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng

Việc xác định mô hình xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một vấn đề hệ trọng. Trước đổi mới, nước ta tiếp thu và vận dụng theo mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết. Từ cuối năm 1988, công cuộc cải tổ, cải cách ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu ngày càng khó khăn. Cuối năm 1990 đầu năm 1991, chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu sụp đổ; Liên Xô cũng đang khủng hoảng trầm trọng, bên bờ sụp đổ; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên thế giới bị tấn công dữ dội; làm cho nhiều đảng cộng sản và công nhân mất phương hướng. ở trong nước, công cuộc đổi mới đã thu được những thành tựu bước đầu, nhưng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Một bộ phận cán bộ, đảng viên đã hoang mang, dao động, hoài nghi vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Các phần tử xấu tung ra các luận điệu sai trái, phản động, đòi xét lại quá khứ và những thành tựu của cách mạng, công kích sự lãnh đạo của Đảng, đòi “đa nguyên, đa đảng”, từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa.

Trong quá trình soạn thảo Cương lĩnh năm 1991 cũng có những ý kiến khác nhau. Tại Hội nghị Trung ương 9 khoá VI – Hội nghị thảo luận dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu: “Lúc này chúng ta chưa có đủ cơ sở để vẽ toàn bộ bức tranh của xã hội tương lai một cách hoàn chỉnh. Nhưng căn cứ vào những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn cứ vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội VI và thực tiễn đổi mới xã hội ta trong hơn 3 năm qua, chúng ta có thể vạch ra những nguyên tắc và phương hướng lớn cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là điều có thể làm được. Sau này, khi thực tiễn bộc lộ những vấn đề mới, qua tổng kết, Cương lĩnh sẽ không ngừng được bổ sung và hoàn chỉnh từng bước”(6).

Kể từ khi Cương lĩnh năm 1991 ra đời đến nay, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều biến đổi to lớn. Nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra được nhận thức và giải quyết qua các nhiệm kỳ đại hội. Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: “Qua tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa lịch sử và giá trị định hướng, chỉ đạo to lớn của Cương lĩnh đối với công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đồng thời cũng thấy rõ thêm những vấn đề mới đặt ra cần tiếp tục được giải đáp”(7).

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(8).

So với Cương lĩnh năm 1991, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) có một số điểm mới sau:

(1) Thêm 2 đặc trưng: Đặc trưng bao trùm, tổng quát: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và đặc trưng “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Hai đặc trưng này Đại hội X đã bổ sung. Điểm mới so với Đại hội X là chuyển từ “dân chủ’ lên trước từ “công bằng” trong đặc trưng tổng quát, bởi vì, cả lý luận và thực tiễn đều chỉ rõ dân chủ là điều kiện, tiền đề của công bằng, văn minh; đồng thời, để nhấn mạnh bản chất của xã hội ta là xã hội dân chủ theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh.

(2) Bổ sung, phát triển một số đặc trưng cho chính xác với mục tiêu đã xây dựng xong chủ nghĩa xã hội.

- Mở rộng biên độ “do nhân dân làm chủ”, chứ không giới hạn “do nhân dân lao động làm chủ” như Cương lĩnh năm 1991.

- Đặc trưng về con người, Cương lĩnh năm 1991 xác định: Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

- Đặc trưng về dân tộc, Cương lĩnh 1991 xác định: các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”.

- Đặc trưng về hợp tác quốc tế, Cương lĩnh năm 1991 xác định: Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã mở rộng thành “có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

(3) Trong các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, có một đặc trưng trong quá trình thảo luận có những ý kiến khác nhau. Cương lĩnh năm 1991 xác định: “Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu”. Trên cơ sở tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội X xác định: “Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”.

Thể hiện như Đại hội X là phù hợp với chính sách phát triển các thành phần kinh tế của Đảng ta hiện nay, tránh được cách hiểu coi nhẹ đối với khu vực kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân.

Kế thừa Đại hội X, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” (so với Đại hội X có bổ sung từ “tiến bộ” và viết gọn hơn, Đại hội đã biểu quyết với 65,04%, đồng ý đặc trưng này).

4- Các văn kiện Đại hội XI xác định rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (các phương hướng cơ bản)

Ngoài việc cơ bản kế thừa mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta được xác định tại Cương lĩnh năm 1991, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI: toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cương lĩnh năm 1991 xác định bảy phương hướng cơ bản. Đại hội X, qua tổng kết 20 năm đổi mới đã viết khái quát hơn. Kế thừa Đại hội X, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: Để thực hiện thành công mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI tới, toàn Đảng, toàn dân ta cần nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng và trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quán triệt và thực hiện tốt các phương hướng cơ bản sau đây:

Một là, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường (so với Đại hội X thêm cụm từ “gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường”).

Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội (so với Đại hội X, bổ sung thêm cụm từ “xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”).

Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (so với Đại hội X, bổ sung thêm cụm từ “trật tự, an toàn xã hội”).

Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế (Đại hội X mới xác định “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”).

Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất (so với Đại hội X, thêm cụm từ “tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất”).

Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Tám phương án cơ bản nêu trên đã thể hiện tính hệ thống, đồng bộ của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, vừa đúng xu thế thời đại, vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) còn bổ sung nội dung về việc nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Cụ thể hoá một bước  Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 và Báo cáo chính trị tại Đại hội XI đã xác định những định hướng phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong 10 năm tới, 5 năm tới.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta được xác định ngày càng rõ hơn và ngày càng được hiện thực hoá trong cuộc sống./.
--------------
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb TB, M, 1978, t.41, tr.361.
(2) Xem: Thông tin công tác tư tưởng, số 10-1999.
(3) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb ST, H, 1991, tr.4.
(4), (5), (7), (8)  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr.70, 185-186, 186, 70
(6) ĐCSVN, Văn kiện Đảng, toàn tập, t.50, Nxb CTQG, 2007, tr.178.

PGS, TS. Nguyễn Viết Thông
Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương

(TCTG)
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 30
Chung nhan Tin Nhiem Mang