Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
ĐÔI ĐIỀU VỀ THỰC TẾ VẤN ĐỀ NỢ ĐỌNG TRONG XÂY DỰNG CƠ BẢN
Ngày cập nhật 10/09/2014

Đầu tư xây dựng cơ bản xét trong phạm vi đầu tư công là hoạt động tạo nên cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng của quốc gia, của từng vùng, miền, địa phương để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. 

Hàng năm, nhà nước đã huy động từ nhiều nguồn lực hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư cho hoạt động này. Theo đánh giá chung, hiệu quả đầu tư công ở nước ta vẫn còn thấp và được thể hiện trên nhiều khía cạnh như: đầu tư sai, đầu tư khép kín, đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng ...; đặc biệt, vấn đề đầu tư dàn trải là nguyên nhân chính gây nên hệ lụy là nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản lớn và ngày càng trầm trọng, vượt tầm kiểm soát làm cho rất nhiều công trình thi công dở dang, kéo dài, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau, không ít doanh nghiệp phải giải thể và phá sản, góp phần làm cho nợ xấu của ngân hàng tăng lên,… Nợ đọng xây dựng cơ bản cũng là nguyên nhân góp phần làm ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Cho đến nay, nợ đọng xây dựng cơ bản trên toàn quốc vẫn chưa có số thống kê chính thức được công bố. Theo trang báo điện tử www.thesaigontimes.vn ngày 2/1/2014, khi trả lời phỏng vấn của Tờ báo này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách trung ương tại thời điểm giữa năm 2012 khoảng 100.000 tỷ đồng, cuối năm 2012 là 85.000 tỷ đồng và cuối năm 2013 đã giảm xuống còn 28.000 tỉ đồng. Đối với các địa phương, trong một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố đã dẫn nguồn từ Bộ Tài chính, tổng số nợ đọng đến cuối năm 2011 là 91.273 tỷ đồng. Qua những số liệu trên, chúng ta có thể thấy rằng, nợ đọng xây dựng cơ bản của nước ta hiện nay là khá nghiêm trọng.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, theo báo cáo của các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế mà Sở Tài chính tổng hợp được, nợ đọng xây dựng cơ bản tại thời điểm 30/09/2012 là 482,66 tỷ đồng. Từ đó đến nay, bằng sự chỉ đạo quyết liệt của UBND Tỉnh và sự cố gắng của các địa phương, số nợ hiện nay (sau khi đã bố trí một phần kế hoạch vốn của năm 2014 để thanh toán) đã giảm xuống còn 206,37 tỷ đồng. Trong tổng số nợ đọng nói trên, nếu phân theo ngành, lĩnh vực thì số nợ tập trung vào các ngành, lĩnh vực sau: giáo dục đào tạo vơi 58,75 tỷ đồng, quản  lý nhà nước 55,95 tỷ đồng, giao thông 33,96 tỷ đồng và lĩnh vực công cộng 32,39 tỷ đồng; nếu phân theo cấp ngân sách thì số nợ thuộc ngân sách tỉnh đầu tư là 91,44 tỷ đồng, thuộc ngân sách cấp huyện đầu tư 99,46 tỷ đồng và ngân sách cấp xã nợ 15,49 tỷ đồng; riêng đối với ngân cấp huyện thì nợ của thành phố Huế là 86,64 tỷ đồng, trong đó có 02 dự án nợ khá lớn là Trung tâm hành chính thành phố nợ 39,13 tỷ đồng và Trụ sở thành ủy nợ 11,03 tỷ đồng.

So với 62 tỉnh, thành phố còn lại trong cả nước, số nợ đọng của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay mặc dù không lớn, bằng khoảng 3% tổng dự toán chi ngân sách 2014 và tương đương khoảng 14%tổng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2014, tuy nhiên, nếu không có kế hoạch xử lý, nó cũng gây khó khăn đáng kể cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. Chúng ta đều biết rằng, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ bị tổn thương trước những biến động về kinh tế, năng lực tài chính hạn chế, do đó, nếu tính trên số nợ đọng hiện nay thì mỗi năm, chi phí về lãi vay của các doanh nghiệp phải tăng thêm hơn 30 tỷ đồng, chưa kể không có vốn để hoạt động do chi phí bỏ ra chậm thu hồi được, hạn mức vay vốn không còn phải tìm các nguồn vốn có lãi suất vay cao,…

Nếu tiếp cận trên góc độ khác thì nợ trong xây dựng cơ bản cũng có mặt tích cực của nó trong việc giải quyết khó khăn về vốn đầu tư trong một giai đoạn khi khả năng ngân sách chưa cân đối được vì suy cho cùng nợ xây dựng cơ bản cũng là một hình thức vay nợ nhưng chỉ khác ở điểm là vay thụ động.Ttuy nhiên, mặt tích cực của nợ xây dựng cơ bản chỉ được phát huy khi chúng ta phải đảm bảo 03 yêu cầu sau:

- Số nợ phải nằm trong phạm vi kiểm soát được hay nói cách khác là nằm trong khả năng thanh toán của ngân sách;

- Phải có kế hoạch phân kỳ trả nợ cụ thể và thực hiện đúng kế hoạch đó;

- Số nợ đó phải được xem như là khoản vay nên phải được tính toán để trả lãi một cách sòng phẳng cho doanh nghiệp.

Trong thực tế, hầu như cả ba yêu cầu trên hầu như ít được quan tâm thực hiện do các nguyên nhân:

Một là tư duy nhiệm kỳ gắn với lợi ích nhóm: Một nhiệm kỳ mới của một cấp chính quyền thường có một chương trình kế hoạch với tham vọng sau khi kết thúc nhiệm kỳ sẽ để lại nhiều công trình, dự án,…xứng tầm; thông qua việc thực hiện các công trình, dự án này, một nhóm người sẽ thu được lợi không nhỏ nên sẽ tìm cách thực hiện cho được bằng mọi giá. Do đó, việc đầu tư được thực hiện một cách mạnh tay dẫn đến vượt khả năng cân đối ngân sách mà kết quả cuối cùng là nợ đọng xây dựng cơ bản sau khi kết thúc nhiệm kỳ.

Hai là, nhiệm kỳ lãnh đạo mới khi tiếp quản thường ít quan tâm đến việc xử lý số nợ đọng của nhiệm kỳ trước và tiếp tục đi vào vòng xoáy của tư duy nhiệm kỳ để lại và vẫn tiếp tục đầu tư các công trình, dự án mới làm nợ phát sinh càng ngày càng trầm trọng thêm.

Ba là sự thiếu sòng phẳng trong ký kết hơp đồng kinh tế: các hợp đồng kinh tế về xây dựng cơ bản sử dụng ngân sách nhà nước được ký kết giữa một bên là tổ chức đại diện cho nhà nước (chủ đầu tư) và một bên là doanh nghiệp xây dựng. Chủ đầu tư không phải là một đơn vị hạch toán kinh tế, do đó, xét theo nghĩa đen, đây không phải là một hợp đồng mà hai bên đều có lợi, hay nói cách khác, chỉ có doanh nghiệp là thu được lợi nhuận từ hợp đồng này, vì vậy, các điều khoản trong hợp đồng thường ràng buột chặt trách nhiệm thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp, còn trách nhiệm của chủ đầu tư cũng được đề cập nhưng rất hạn chế; mặc khác, để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, có việc làm, các doanh nghiệp sẵn sàng không đưa vào hợp đồng một số điều khoản ràng buột chủ đầu tư để đảm bảo quyền lợi của mình khi chủ đầu tư vi phạm hợp đồng. Kết quả là khi nợ nần dây dưa kéo dài, không thanh toán được thì các doanh nghiệp là người gánh chịu và phải tìm mọi cách xoay chạy, chủ đầu tư gần như là người ngoài cuộc, không chịu trách nhiệm gì.

Để giải quyết tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, Chỉnh phủ đã ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 Về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012  về những giải phải chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây  dựng cơ bản tại địa phương, trong dó có đưa ra giải pháp “Tất cả các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch được giao để không gây nên nợ đọng xây dựng cơ bản”.  Tuy nhiên, đặc điểm của công trình xây dựng cơ bản là rất ít có sản phẩm dỡ dang, vì vậy, nếu thực hiện theo giải pháp này sẽ làm cho thời gian thi công bị gián đoạn, chất lượng công trình bị ảnh hưởng, giảm hiệu quả đầu tư. Do đó, nên chăng cần thay thế giải này bằng các giải pháp khác để đảm bảo thực hiện 3 yêu cầu đã đề cập ở trên.

Nguyễn Hữu Hải - Phòng QLTC Đầu tư

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 2.648
Chung nhan Tin Nhiem Mang