Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Ngành Tài chính thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ
Ngày cập nhật 05/12/2023
(TBTCO) - Bộ Tài chính nói riêng và ngành Tài chính nói chung đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số và xã hội số, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng của Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính nói riêng, góp phần giảm chi phí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành Tài chính rất nặng nề, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.
 
Ngành Tài chính thực hiện chuyển  đổi số mạnh mẽ
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân
Tiên phong trong chuyển đổi số
 
Tại Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước năm 2023 (Vietnam Digital Finance 2023 - VDF-2023) với chủ đề “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững”, ông Nguyễn Việt Hà - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, toàn ngành Tài chính đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội, góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, kho bạc..., giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
 
Theo ông Nguyễn Việt Hà, với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng.
 
Trong nhiều năm liên tiếp, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index). Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, năm 2022, Bộ Tài chính đứng top 2 trong số các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công.
 
Các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng như: Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử; trong lĩnh vực hải quan: 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia...
 
Các nền tảng xây dựng và quản trị dữ liệu được xây dựng theo hướng tăng cường sự tương thích giữa các cơ sở hạ tầng thông tin của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan Nhà nước và giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức, cá nhân; đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu của ngành Tài chính cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng…
 
Ông Nguyễn Việt Hà cho biết, năm 2023, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số của ngành Tài chính nói riêng là rất nặng nề, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.
 
Xây dựng, phát triển dữ liệu của ngành tài chính
 
Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định về chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Tài chính năm 2023 (Quyết định số777/ -BTC ngày 12/4/2023)... để thực hiện các Nghị quyết của Đảng và các Nghị quyết, Chiến lược của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm xây dựng và phát triển dữ liệu của ngành Tài chính và đã thu được nhiều kết quả nổi bật.
 
Lãnh đạo Cục Tin học và Thống kê tài chính mong muốn, Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước năm 2023 sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa các lãnh đạo trong ngành Tài chính với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại ngành Tài chính trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Nâng tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến
 
Phát biểu kết luận phiên báo cáo toàn thể, lãnh đạo Cục Tin học và Thống kê tài chính cho biết, thông qua hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành, địa phương thảo luận, làm rõ kết quả chuyển đổi số của ngành Tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực dữ liệu số. Đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị về chủ trương, chính sách, giải pháp hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính; giải pháp để triển khai hiệu quả việc thu thập, xây dựng dữ liệu lớn về thị trường chứng khoán, về các giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực tài chính; cũng như việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới (phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật) vào các lĩnh vực hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành Tài chính...
 
Những thông tin được chia sẻ tại hội thảo thực sự là những kinh nghiệm hết sức quý báu để ngành Tài chính có thể chủ động và tận dụng tốt các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch, hình thành hệ sinh thái tài chính số đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng dữ liệu số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.
 
Cũng tại hội thảo, lãnh đạo Cục Tin học và Thống kê tài chính đã nêu một số điểm trọng tâm cần lưu ý trong quá trình chuyển đổi số của ngành Tài chính. Theo đó, cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp để chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân. Từ đó, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.
 
Tiếp đến là tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách triển khai hiệu quả Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng 2030. Gắn Chuyển đổi số với xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Thực hiện chính sách huy động nguồn lực tài chính quốc gia cho phát triển bền vững dựa trên dữ liệu số đến năm 2030.
 
Ngành Tài chính tiếp tục nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến trong các lĩnh vực tài chính. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Thực hiện cắt giảm, tái cấu trúc, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất các thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ mới trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động xã hội một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu...
 
* Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương:
 
Tài chính số mang lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ
 
Ngành Tài chính thực hiện chuyển  đổi số mạnh mẽ
Ông Nguyễn Đức Hiển
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định ngành Tài chính là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao trong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cần được tập trung ưu tiên phát triển.
 
Diễn đàn Tài chính số năm 2023 do Bộ Tài chính chủ trì tổ chức là hoạt động thiết thực góp phần phục vụ trực tiếp cho xây dựng Báo cáo giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị và các chiến lược, chương trình quốc gia có liên quan. Đặc biệt, diễn đàn năm nay với chủ đề “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững” càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi năm 2023 được xác định là năm dữ liệu số quốc gia và vấn đề xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra giá trị mới.
 
Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế:
 
Dữ liệu số chính là nguồn lực, tài nguyên cho phát triển
 
Ngành Tài chính thực hiện chuyển  đổi số mạnh mẽ
Ông Đặng Ngọc Minh
Chuyển đổi số đem lại hiệu quả chung cho nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đơn cử như chương trình hóa đơn điện tử đã giúp cho doanh nghiệp nâng cao công tác quản trị, đồng thời tạo lập một thị trường cung cấp giải pháp truyền nhận, giải pháp về phần mềm kế toán; tăng cường công tác quản lý, giảm gian lận thương mại, gian lận về hoàn thuế…
 
Chuyển đổi số không chỉ nâng cao hiệu quả quản trị đối với cơ quan quản lý nhà nước, cái được lớn hơn nữa là thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tạo lập ra một thị trường mới về ứng dụng công nghệ thông tin.
 
Trong thời gian tới, dữ liệu số chính là nguồn lực, tài nguyên cho phát triển. Từ dữ liệu đó là cơ sở để mở rộng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
 
Ông Nguyễn Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính:
 
Hình thành cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất
 
Ngành Tài chính thực hiện chuyển  đổi số mạnh mẽ
Ông Nguyễn Minh Ngọc
Bộ Tài chính xây dựng Cơ sở dữ liệu về Tài chính nhằm hình thành cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất, đảm bảo tính liên kết, tích hợp, khả năng kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành Tài chính, giữa Bộ Tài chính với các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài ngành Tài chính; hỗ trợ xây dựng chính phủ điện tử
 
(E-Government) ngành Tài chính, hướng tới xây dựng tài chính số (Digital Finance) dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở.
 
Quy hoạch, xây dựng, phát triển các thành phần thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính trong một chỉnh thể thống nhất; tạo nền tảng cho ngành Tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền Tài chính số hiện đại tại Việt Nam.
 
Mô hình kiến trúc tổng thể của Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính bao gồm các lớp thực hiện các chức năng từ việc cung cấp dữ liệu nguồn, tích hợp, thu nhận, chuẩn hóa, lưu trữ, phân tích, trực quan hóa dữ liệu tổng hợp từ các nguồn, đến việc phân phối sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả, an toàn, kiểm soát chất lượng và thống nhất của dữ liệu. Thế mạnh về dữ liệu của Bộ Tài chính nằm ở khung pháp lý, hạ tầng trao đổi và cung cấp dữ liệu./.
 
 
 
(Theo thoibaotaichinhvietnam.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.327.034
Truy câp hiện tại 67
Chung nhan Tin Nhiem Mang