Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Thúc đẩy chuyển đổi số, thống nhất dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế
Ngày cập nhật 05/12/2023
(TBTCO) - Để dữ liệu thống kê trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng được theo các tiêu chuẩn quốc tế, ngành thống kê xác định một trong những giải pháp trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao tính minh bạch và giải trình, xóa bỏ khoảng cách dữ liệu, tạo tiền đề cho cách mạng dữ liệu thống kê.
 
 
Tạo tiền đề cho cách mạng dữ liệu thống kê

Theo Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phấn đấu vào năm 2025 đạt 50%, vào năm 2030 đạt 70% số chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn từ nguồn dữ liệu hành chính. 85% các chỉ tiêu thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn và công bố theo tiêu chuẩn thống kê Việt Nam vào năm 2025; đạt 95% vào năm 2030. 80% các sản phẩm thống kê được cung cấp tới người sử dụng thông tin thống kê kịp thời vào năm 2025; đạt 95% vào năm 2030…

Triển khai chiến lược này, Tổng cục Thống kê xác định các nhóm nhiệm vụ giải pháp chính là: hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê; hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu; đổi mới hoạt động xác định nhu cầu, phân tích, dự báo, biên soạn và phổ biến thông tin thống kê; đẩy nhanh tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê; mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, thống kê nước ngoài trong công tác thống kê;…

Thúc đẩy chuyển đổi số, thống nhất dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế

Tổng cục Thống kê đứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào các công đoạn sản xuất thông tin thống kê

Là một trong những cơ quan đi đầu trong chuyển đổi số, đến nay Tổng cục Thống kê đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào tất cả các công đoạn trong quá trình sản xuất thông tin thống kê. Tổng cục Thống kê đã thay thế phiếu giấy bằng phiếu điện tử, phát triển các phần mềm xử lý kết quả các cuộc điều tra, bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu metadata để sử dụng chung với một số dữ liệu về các bảng danh mục, ngân hàng câu hỏi điều tra, các bảng mã câu trả lời cho câu hỏi đóng đối với một số lĩnh vực thống kê.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Do tính chất công việc chuyên môn, ngành thống kê sử dụng, lưu giữ văn bản giấy với nhiều tài liệu, số liệu quan trọng.

Quyết tâm chuyển đổi số thành công, Tổng cục Thống kê đặt mục tiêu, hiện đại hóa hoạt động thống kê theo hướng chuyển đổi số bắt đầu bằng số hóa văn bản, tài liệu, dữ liệu hành chính, lưu chuyển trên môi trường số hóa; tự động hóa các quy trình nghiệp vụ của hoạt động thống kê, tiến tới tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ dựa trên ứng dụng các công nghệ tiên tiến; khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu thống kê, nâng cao tính minh bạch và tính giải trình, xóa bỏ khoảng cách dữ liệu, tạo tiền đề cho cách mạng dữ liệu thống kê.

Thống nhất cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia

Để có cơ sở pháp lý thực hiện giải pháp tư liệu hóa, chuyển đổi số trong công tác thống kê trên cả nước, Tổng cục Thống kê đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hệ thống thống kê quốc gia. Đề án sau khi được phê duyệt, sẽ tạo điều kiện cho cách mạng dữ liệu thống kê và tạo đột phá cho kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy chuyển đổi số, thống nhất dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế

Cùng với đó, ngành thống kê xác định một trong những giải pháp trọng tâm trên hành trình chuyển đổi số tiếp theo là thống nhất dữ liệu. Có nghĩa là cơ sở dữ liệu của ngành thống kê từ trung ương đến địa phương được xây dựng thành một cơ sở dữ liệu thống nhất, kết nối với các cơ sở dữ liệu thống kê, dữ liệu hành chính của các bộ, ngành và địa phương để tạo thành một cơ sở dữ liệu tập trung và thống nhất. Đây cũng là đòi hỏi tất yếu trong bối cảnh hiện nay một số bộ, ngành và địa phương đang triển khai xây dựng và quản lý dữ liệu tập trung phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực, tuy nhiên các dữ liệu hiện đang lưu trữ phân tán, rời rạc, chưa có tính liên kết, xâu chuỗi.

Học hỏi kinh nghiệm quốc tế, Tổng cục Thống kê cũng đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, để bảo đảm việc triển khai được đồng bộ, có sự phối hợp, kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan, đơn vị.

Từ đó, Tổng cục Thống kê xây dựng, quản lý, sử dụng và cập nhật cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, cung cấp thông tin thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của người dùng tin trong và ngoài nước.

Công cụ đánh giá thực hiện chiến lược phát triển thống kê Việt Nam

Ngày 2/8/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Quyết định số 1345/QĐ-BKHĐT ban hành Khung theo dõi, đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Khung theo dõi, đánh giá này chính là công cụ đo lường, theo dõi, giám sát thực thi chiến lược của các bộ, ngành và địa phương.

Khung theo dõi, đánh giá giúp đánh giá việc thực hiện chiến lược một cách toàn diện, cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, lập kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để theo dõi tiến độ thực hiện và hỗ trợ quá trình ra quyết định.

(Theo thoibaotaichinhhvietnam.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.327.034
Truy câp hiện tại 63
Chung nhan Tin Nhiem Mang