Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Giúp ngư dân sớm hưởng các chính sách ưu đãi
Ngày cập nhật 13/05/2016

TTH - Sau khi ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chủ trương về việc miễn, giảm lãi suất, khoanh, giảm, giãn, cơ cấu lại nợ cho bà con ngư dân, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt để triển khai các bước cần thiết, giúp ngư dân sớm được hưởng các chính sách vừa nêu.

Thống kê hàng tuần

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, tính đến ngày 10/5, toàn tỉnh có dư nợ do thiệt hại về thủy hải chết khoảng 6,68 tỷ đồng, với 1.030 khách hàng, chủ yếu tập trung ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền… và ở các ngân hàng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Chính sách-Xã hội (VBSP) và Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh tỉnh.

Ngư dân trở lại đánh bắt thủy hải sản

Riêng lĩnh vực vay mua, đóng mới tàu thuyền đánh bắt hiện đang dư nợ 12,42 tỷ đồng. Hộ thu mua hải sản, nhà hàng, khách sạn (hộ gián tiếp) bị ảnh hưởng do cá chết hàng loạt đang có dư nợ tại các ngân hàng khoảng 210 tỷ đồng.

Con số này theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh mới chỉ thống kê ban đầu. Thực tế có thể sẽ còn những biến động khác, do việc đánh giá mức độ thiệt hại, nhất là đối với các hộ gián tiếp khá khó khăn. Từ thống kê ban đầu này, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh có cơ sở để báo cáo với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhằm có biện pháp hỗ trợ bà con ngư dân ổn định đời sống, phát triển sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Hiện, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực ngân hàng đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn sớm triển khai hỗ trợ người dân lập thủ tục, hồ sơ để chính quyền địa phương xác trên cơ sở đó các ngân hàng kịp thời miễn, giảm lãi suất, gia hạn, khoanh nợ…

Chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước là ngay khi có chữ ký xác nhận của chính quyền các địa phương về việc ngư dân bị thiệt hại do cá chết, lập tức các ngân hàng sẽ thực hiện theo chỉ đạo chung, như: miễn toàn bộ lãi đối với hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, miễn 1 tháng tiền lãi và dừng thu lãi 3 tháng đối với hộ gián tiếp, cơ cấu lại nợ cho khách hàng, tổng hợp nhu cầu vốn, xử lý nợ rủi ro, ngừng tính lãi đối với khoản vay đóng tàu theo Nghị định 67…

Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho hay, theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hàng tuần, các chi nhánh ngân hàng ở các tỉnh bị thiệt hại do cá chết phải có báo cáo, thống kê thiệt hại, số vốn, lãi, khách hàng… để cơ quan này sớm có những chỉ đạo cần thiết, cụ thể.

Đảm bảo chính xác, trung thực

 Đến nay, VBSP Chi nhánh tỉnh đã tổng hợp được nhu cầu vốn của bà con ngư dân khoảng gần 7 tỷ đồng và hiện đang trình VBSP để xin bổ sung, cấp vốn nhằm giải ngân sớm nhất cho bà con ngư dân chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Các ngân hàng đang triển khai hỗ trợ ngư dân lập thủ tục để vay vốn, miễn, dừng thu lãi

Agribank Chi nhánh tỉnh thống kê có khoảng 3.200 khách hàng vay vốn ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, với dư nợ khoảng hơn 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số khách hàng thiệt hại cụ thể hiện vẫn đang theo dõi và cập nhật trong thời gian tới. Lãnh đạo ngân hàng này khẳng định, tất cả các khách hàng ngoài được hỗ trợ về miễn, dừng thu lãi, cơ cấu lại nợ, còn được đáp ứng tất cả nhu cầu vay vốn khi có xác nhận của chính quyền địa phương và phương án kinh doanh mới có tính khả thi cao.

Điều mà các ngân hàng mong muốn hiện nay là sự vào cuộc, phối hợp, hỗ trợ kịp thời từ phía chính quyền các địa phương, các cấp ủy Đảng, đoàn thể trong việc xác minh, xác nhận các hộ thiệt hại trực tiếp, gián tiếp để các ngân hàng kịp thời, miễn, dừng thu lãi, cơ cấu lại nợ hoặc cho người dân vay mới để ổn định và phát triển sản xuất.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện các địa phương chịu ảnh hưởng nặng do cá chết đang triển khai các biện pháp hỗ trợ cán bộ tín dụng của các ngân hàng trong việc lập thủ tục, hồ sơ, xác nhận thiệt hại do cá chết để bà con ngư dân sớm hưởng các chính sách ưu đãi về lãi suất.

Địa phương chịu thiệt hại lớn nhất do thủy hải sản chết là Phú Lộc, với 602 hộ bị ảnh hưởng, có dư nợ tại ngân hàng 8,8 tỷ đồng, đang tích cực cử cán bộ trực tiếp về các địa bàn để nắm thông tin và kịp thời phối hợp với cán bộ tín dụng các ngân hàng hỗ trợ bà con trong việc xác nhận, lập hồ sơ thủ tục vay vốn, cơ cấu lại nợ, trong đó có việc gia hạn, khoanh nợ…

Tuy nhiên, khi hỏi về thời gian áp dụng các biện pháp hỗ trợ về lãi suất, miễn, giảm, gia hạn nợ và số hộ được hưởng các ưu đãi này…, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho hay, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào việc xác nhận của chính quyền địa phương đối với các hộ bị thiệt hại do thủy hải sản chết. Phía ngân hàng đã có chủ trương chung, khi có xác nhận của chính quyền địa phương, các chính sách ưu đãi được áp dụng ngay tức thì. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng khẳng định, chắc chắn 100% hộ có thiệt hại trực tiếp do cá chết sẽ được hưởng các chính sách về hỗ trợ tín dụng, lãi suất.

Lãnh đạo một số địa phương thông tin, tinh thần chung là khẩn trương điều tra, thống kê để xác nhận mức độ thiệt hại do cá chết, song không vì thế mà điều tra qua loa, dễ dãi, nhằm tránh tình trạng lợi dụng chủ trương chung để trục lợi. Do đó, việc điều tra, thống kê thiệt hại được tiến hành nghiêm túc, chính xác để sự hỗ trợ đến đúng đối tượng, không để trường hợp nào bị thiệt hại mà không được hỗ trợ, nhất là với các hộ bị thiệt hại trực tiếp.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 164
Chung nhan Tin Nhiem Mang