Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Về việc xây dựng dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2020
Ngày cập nhật 04/09/2019

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Thông tư số 38/2019/TT-BTC ngày 28/06/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2020-2022; kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021-2025; ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn số 4786/UBND-TH ngày 15/7/2019 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Sở Tài chính đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế (gọi chung là huyện) tổ chức xây dựng dự toán ngân sách năm 2020 của cấp mình theo các văn bản nói trên và quy định của Luật ngân sách nhà nước. Quá trình xây dựng dự toán, Sở Tài chính lưu ý thêm một số nội dung sau:

 

I. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2019 và xây dựng dự toán thu NSNN năm 2020:

1. Đánh giá kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2019:  

Đánh giá thực hiện thu NSNN theo quy định của Luật NSNN và các văn bản pháp luật về thuế, phí, lệ phí; không hạch toán vào NSNN các khoản thu phí, lệ phí đã chuyển sang giá dịch vụ theo quy định của Luật Phí và lệ phí, các khoản được khấu trừ đối với cơ quan nhà nước hoặc khoản trích lại phí  thu được từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện.

Căn cứ kết quả thu NSNN 8 tháng đầu năm 2019, phân tích những yếu tố tác động đến tăng, giảm thu NSNN; dự báo kết quả thực hiện thu NSNN năm 2019, trong đó:

- Tình hình triển khai, kết quả thực hiện các biện pháp về quản lý thu NSNN theo Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 01/1/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2019 và Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 1/1/2019 của UBND tỉnh về tập trung mọi nỗ lực, nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội và dự toán ngân sách năm 2019;

- Đánh giá, phân tích nguyên nhân tác động tăng, giảm thu NSNN năm 2019;

- Tình hình thanh tra, kiểm tra và xử lý thu hồi nợ đọng thuế:

- Tình hình thu ngân sách từ đất đai (thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) theo pháp luật về đất đai;

- Kết quả phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong công tác quản lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thu NSNN, về tổ chức phối hợp trong quá trình triển khai, thực hiện

2. Xây dựng dự toán thu NSNN 2020:

Căn cứ mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, khả năng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2019, trên cơ sở dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế và nguồn thu năm 2020 đối với từng ngành, từng lĩnh vực, các cơ sở kinh tế của từng địa phương và những nguồn thu mới phát sinh trên địa bàn để tính đúng, tính đủ từng lĩnh vực thu, từng khoản thu theo chế độ.

Dự toán thu NSNN năm 2020 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ thu NSNN hiện hành. Mọi khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác phải được tổng hợp, phản ánh đầy đủ vào cân đối NSNN theo quy định của Luật NSNN.

II. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi NSNN năm 2019 và xây dựng dự toán chi NSNN năm 2020:

1. Tình hình thực hiện nhiệm vụ chi năm 2019:

Đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi ngân sách huyện; đánh giá khả năng cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) so với dự toán, các biện pháp đã và sẽ thực hiện để đảm bảo cân đối NSĐP trong trường hợp dự kiến bị giảm thu NSĐP:

  1. Nhiệm vụ chi đầu tư phát triển:

          - Đánh giá việc triển khai và tổ chức thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển, chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất (tình hình bố trí và giao dự toán; lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư; thời hạn phân bổ và giao kế hoạch cho chủ đầu tư; ...)

- Tình hình thực hiện chi đầu tư phát triển, chi tiền sử dụng đất năm 2019; kinh phí kiến thiết thị chính bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh: Đánh giá giá trị khối lượng thực hiện, vốn thanh toán đến hết Quý II năm 2019, dự kiến khối lượng thực hiện và vốn thanh toán đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, tỷ lệ giải ngân so với dự toán (có biểu phụ lục chi tiết từng dự án, số liệu về tổng mức đầu tư được duyệt, vốn thanh toán lũy kế đến hết năm 2018, kế hoạch vốn - kể cả vốn bổ sung, điều chỉnh và ước thực hiện năm 2019, kèm theo thuyết minh); khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, kiến nghị.

- Tình hình phân bổ, giao dự toán chi NSNN từ nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng của địa phương, thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả xử lý nợ đọng khối lượng đầu tư XDCB đến 31/12/2019.

- Tình hình quyết toán các dự án đầu tư hoàn thành, trong đó nêu rõ: số dự án đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán theo quy định đến hết tháng 8 năm 2019 và dự kiến đến hết năm 2019; nguyên nhân và giải pháp xử lý.

b) Nhiệm vụ chi thường xuyên:

Đánh giá tình hình triển khai phân bổ, giao dự toán và thực hiện dự toán NSNN 8 tháng đầu năm và dự kiến cả năm 2019 theo từng lĩnh vực chi được Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho địa phương trong năm 2019.

- Kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu bổ sung từ ngân sách tỉnh: đánh báo cáo tình hình giải ngân từng mục tiêu cụ thể (trong đó lưu ý: các nội dung tỉnh bổ sung mục tiêu cho ngân sách huyện trước 30/9/2019 được giải ngân đến hết ngày 31/01/2019. Sau thời gian trên, số kinh phí chưa giải ngân hết, Sở Tài chính sẽ thực hiện thu hồi về ngân sách tỉnh; trừ các nguyên nhân khách quan dẫn đến không giải ngân kịp tiến độ).

- Tình hình thực hiện các chính sách an sinh xã hội: bảo trợ xã hội, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 3 – 5 tuổi, hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí học tập, hỗ trợ tiền điện hộ nghèo, hộ chính sách xã hội…;

Đối với từng chính sách, đề nghị có báo cáo cụ thể đối tượng, nhu cầu, kinh phí thừa, thiếu thực hiện chính sách năm 2019( có thuyết minh cơ sở xác định, cách tính).

- Thực hiện tinh giản biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy: Kết quả thực hiện trong 8 tháng đầu năm, ước cả năm 2019 và tổng hợp lũy kế tình hình thực hiện đến hết năm 2019;  Số kinh phí dành ra được do giảm biên chế, giảm tổ chức bộ máy từng năm;

- Tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững;

-  Báo cáo cụ thể việc bố trí ngân sách (bao gồm cả số ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách huyện - nếu có) và sử dụng dự phòng NSĐP thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; tình hình sử dụng dự phòng NSĐP đến ngày 30 tháng 8 năm 2019, số dự kiến sử dụng trong 4 tháng cuối năm 2019 (chi tiết tình hình thực hiện hỗ trợ kinh phí chống hạn, hỗ trợ bão lũ, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tình hình thực hiện phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi).

2. Xây dựng dự toán chi NSNN năm 2020

Các huyện chủ động xây dựng dự toán chi ngân sách năm 2020 trên cơ sở dự toán thu ngân sách huyện theo phân cấp nguồn thu và tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa ngân sách tỉnh và ngân sách huyện, số bổ sung ổn định cân đối từ ngân sách tỉnh cho ngân sách huyện. Trên cơ sở mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của địa phương, xây dựng dự toán chi NSĐP chi tiết từng lĩnh vực chi theo quy định của Luật NSNN, đảm bảo ưu tiên bố trí đủ dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ đã cam kết, chế độ chính sách đã ban hành.

a) Dự toán chi đầu tư:

- Xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của địa phương; chi tiết theo các lĩnh vực chi phù hợp với quy định của Luật NSNN và sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên phù hợp với Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, trong đó (i) bố trí đủ dự toán năm 2020 để đảm bảo thanh toán hết nợ xây dựng cơ bản và thu hồi hết số vốn ứng trước của các dự án đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; (ii) bố trí vốn đầy đủ theo phân kỳ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu; (iii) chỉ bố trí cho các dự án khởi công mới nếu còn nguồn và đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định…

 - Ưu tiên bố trí dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn thu tiền sử dụng đất để giải phóng mặt bằng, đầu tư tạo quỹ đất bán đấu giá, phục vụ tái định cư sau đó mới bố trí các nhiệm vụ đầu tư phát triển khác theo chỉ thị Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 25/8/2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ từ nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2018.

- Dành đủ nguồn trả nợ cho ngân sách tỉnh về vốn vay thực hiện đầu tư các công trình phát triển giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương.

b) Dự toán chi thường xuyên:

Xây dựng dự toán chi thường xuyên trên cơ sở phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giai đoạn 2017-2020, định mức phân bổ chi thường xuyên năm 2017 và chính sách, chế độ cụ thể đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Trong đó, chi tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương tính theo mức tiền lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng, các khoản trích theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn) thực hiện theo quy định hiện hành; Bổ sung nhiệm vụ chi ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ cho cấp huyện, xã theo công văn số 183/HĐND-THKT ngày 25/8/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Thực hiện giảm dự toán:

+ Đối với số giảm biên chế theo các Nghị định của Chính phủ: số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 về chính sách tinh giản biên chế, số 26/2015/NĐ-CP ngày 9/3/2015 về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;

+ Giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại bộ máy theo Chương trình hành động số 99/CTr-UBND ngày 28/5/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Kế hoạch số 69-KH/TU ngày 24/4/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

+ Lập phương án giảm kinh phí thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; các Nghị Quyết ngày 19/8/2019 của HĐND tỉnh: số 23/NQ-HĐND về việc sắp xếp, sáp nhập và đổi tên gọi các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, số 24/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019-2021;

Mức giảm biên chế năm 2020 được xác định theo quyết định của cấp thẩm quyền (nếu có), hoặc theo Đề án tinh giản biên chế được duyệt hoặc mức giảm tối thiểu/năm đối với từng nhóm cơ quan tương ứng theo Kết luận số 17- KL/TW ngày 11/9/2017 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện biên chế, tinh giản biên chế của các tổ chức trong hệ thống chính trị năm 2015 - 2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2017 - 2021.

- Lập phương án tăng kinh phí thực hiện Nghị Quyết số 13/NQ-HĐND ngày 19/8/2019 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

- Báo cáo nhu cầu quỹ lương, phụ cấp, trợ cấp tăng thêm năm 2020 theo từng lĩnh vực (mức lương tăng thêm từ 1.390.000 lên 1.490.000 đồng).

- Lập dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ năm 2020 (chi tiết đầy đủ theo từng chính sách, chế độ như điểm b khoản 1 mục II nói trên), dự toán nhu cầu chi hỗ trợ từ ngân sách tỉnh về tăng cường cơ sở vật chất giáo dục, kiến thiết thị chính...

c) Các địa phương thực hiện lập dự toán chi từ nguồn thu được để lại theo quy định tại Thông tư 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ, nhưng không tổng hợp vào dự toán chi ngân sách của các địa phương năm 2019.

3. Lập dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương:

Năm 2020, tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm theo quy định. Trong đó:

Các huyện tiếp tục cơ chế tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); nguồn tăng thu NSĐP (không kể thu tiền sử dụng đất); một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; nguồn thực hiện cải cách tiền lương các năm trước còn dư – nếu có.

4. Về số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách huyện năm 2020:

Căn cứ khả năng thu NSNN năm 2019 và số dự kiến giao thu ngân sách năm 2020, UBND các huyện xây dựng và thảo luận dự toán thu ngân sách nhà nước với Cục Thuế tỉnh để làm căn cứ xây dựng dự toán chi ngân sách huyện. Riêng đối với khoản thu tại xã, thu khác ngân sách, thu phí lệ phí, đề nghị UBND các huyện có báo cáo đánh giá, phân tích chi tiết từng nội dung cụ thể dựa trên số thực hiện các năm 2017, 2018, ước thực hiện năm 2019. Trường hợp huyện xây dựng dự toán thu có thay đổi so với số dự kiến giao thu năm 2020, đề nghị UBND huyện có báo cáo thuyết minh các khoản thu này gửi Sở Tài chính để làm cơ sở xem xét, giao dự toán năm 2020. Về số liệu chi tiết, Sở Tài chính sẽ có thông báo sau.

III. Về hệ thống biểu mẫu lập dự toán:

Dự toán được lập theo hệ thống biểu mẫu đính kèm công văn này (File điện tử được cập nhật trên Website của Sở Tài chính).

Riêng đối với việc xác định nhu cầu và kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ năm 2019 còn thiếu nguồn kinh phí (phần do ngân sách tỉnh đảm bảo), ngoài việc tổng hợp vào dự toán ngân sách nói trên, đề nghị huyện có văn bản riêng gửi Sở Tài chính để có cơ sở tổng hợp, xem xét bổ sung kinh phí. Lưu ý đối với các nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách, chế độ, trường hợp UBND các huyện không lập dự toán, dự toán thiếu hoặc lập dự toán không theo biểu mẫu, không đủ thông tin, cơ sở, thiếu thuyết minh thì Sở Tài chính sẽ không xem xét trong quá trình thẩm định dự toán của huyện.

IV. Tổ chức thực hiện:

Sở Tài chính đề nghị UBND các huyện khẩn trương chỉ đạo Phòng Tài chính Kế hoạch phối hợp với Chi cục thuế và các đơn vị liên quan khẩn trương lập, tổng hợp dự toán của ngân sách cấp mình gửi Sở Tài chính trước ngày 25 tháng 9 năm 2019.

Năm 2020 là năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, Sở Tài chính không tổ chức thảo luận dự toán với các đơn vị, địa phương.Trường hợp UBND huyện nhận thấy cần trao đổi, thảo luận với Sở Tài chính về dự toán ngân sách năm 2020 thì có văn bản gửi Sở Tài chính trước ngày 30/9/2019.

Sở Tài chính hướng dẫn để UBND các huyện biết, thực hiện./.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 2.505
Chung nhan Tin Nhiem Mang