Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Về xây dựng dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2024
Ngày cập nhật 08/09/2023

Thực hiện Chỉ thị số Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Thông tư số 51/2023/TT-BTC ngày 17/7/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026; ý kiến của UBND tỉnh tại công văn số 7566/UBND-TC ngày 24/7/2023 về triển khai Thông tư số 51/2023/TT-BTC ngày 17/7/2023 của Bộ Tài chính (văn bản có gửi các địa phương), Sở Tài chính đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế (gọi chung là huyện) tổ chức xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 của cấp mình theo các văn bản nói trên và quy định của Luật NSNN.

Quá trình xây dựng dự toán năm 2024, Sở Tài chính lưu ý thêm một số nội dung sau:

 

I. Đánh giá tình hình thực hiện thu NSNN năm 2023 và xây dựng dự toán thu NSNN năm 2024:

1. Đánh giá kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2023:  

Thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN, quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí và các văn bản chỉ đạo, điều hành NSNN của cấp có thẩm quyền; không đánh giá vào thu NSNN các khoản thu phí đã chuyển sang giá dịch vụ theo quy định của Luật Phí và lệ phí, các khoản được khấu trừ đối với cơ quan nhà nước hoặc khoản trích lại phí thu được từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện.

Căn cứ kết quả thực hiện thu NSNN 8 tháng đầu năm, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động tăng, giảm thu NSNN năm 2023; dự báo kết quả thực hiện thu NSNN năm 2023, trong đó:

- Tình hình triển khai, kết quả thực hiện các biện pháp về quản lý thu NSNN theo Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 01/1/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quyết định số 2968/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 của UBND tỉnh về việc giao dự toán NSNN tỉnh năm 2023;

 - Các yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong từng lĩnh vực;

- Tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ;  

- Tình hình thu tiền sử dụng đất theo pháp luật về đất đai;

- Tình hình thanh tra, kiểm tra và xử lý thu hồi nợ đọng thuế.

- Tình hình thu phí và lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí (đánh giá số thu phí, lệ phí theo quy định; số thu phí nộp NSNN); thu xử phạt vi phạm hành chính, thu phạt, tịch thu và các khoản nộp NSNN khác trong năm 2023 theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Xây dựng dự toán thu NSNN năm 2024:

Dự toán thu NSNN năm 2024 phải được xây dựng theo đúng các quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý thuế và các Luật về thuế, phí, lệ phí và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN.

Phấn đấu dự toán thu năm 2024 không kể thu tiền sử dụng đất tăng khoảng 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách) trên cơ sở tính đến cả yếu tố tăng cường quản lý thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế.

Yêu cầu lập dự toán thu NSNN tích cực, sát thực tế, tổng hợp đầy đủ các khoản thu mới phát sinh trên địa bàn để tính đúng, tính đủ nguồn thu, phân tích đánh giá cụ thể những tác động ảnh hưởng đến dự toán thu NSNN năm 2024 theo từng địa bàn, lĩnh vực thu, khoản thu, sắc thuế; tổng hợp đầy đủ các nguồn thu thuộc phạm vi thu NSNN phát sinh trên địa bàn (bao gồm cả số thu ngân sách ở xã, phường, thị trấn, các khoản thu thuế nhà thầu nước ngoài, nhà thầu trong nước khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, các khoản thuế từ các dự án mới được đưa vào sản xuất kinh doanh, các dự án hết thời gian ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp); đồng thời loại trừ các khoản theo quy định không thuộc nguồn thu cân đối NSNN, trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực tế thực hiện năm 2023, những đặc thù của năm 2024 và số kiểm tra dự toán thu năm 2024 được cơ quan có thẩm quyền thông báo.

 II. Đánh giá tình hình thực hiện chi ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2023 và xây dựng dự toán năm 2024:

1. Tình hình thực hiện chi NSĐP năm 2023:

Đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi ngân sách huyện; việc thực hiện Quy định tổ chức thực hiện dự toán NSNN địa phương năm 2023 theo Quyết định số 168/QĐ-UBND ngày 16/01/2023 của UBND tỉnh:

a) Chi đầu tư phát triển:

- Đánh giá việc triển khai và tổ chức thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh, nguồn chi đầu tư phát triển theo phân cấp (đối với thành phố Huế và thị xã Hương Trà, Hương Thủy): Tình hình giải ngân đến 30/9/2022, dự kiến khối lượng thực hiện và ước thực hiện năm 2023 (chi tiết từng dự án);

- Tình hình thực hiện dự toán chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất theo các lĩnh vực (các dự án giải phóng mặt bằng; hạ tầng cơ sở các khu tái định cư và hạ tầng quỹ đất để bán đấu giá; hạ tầng giao thông; xây dựng trường học; xây dựng trụ sở cơ quan, đơn vị và trụ sở công an xã);

- Tình hình quyết toán các dự án đầu tư hoàn thành (tổng số dự án đã quyết toán, số đang thẩm tra quyết toán đến 30/9; số dự án sẽ thực hiện hoàn thành đến hết năm 2023; kinh phí giảm trừ và hủy bỏ sau quyết toán).

b) Chi thường xuyên:

Đánh giá tình hình triển khai phân bổ, giao dự toán năm 2023, thực hiện dự toán chi thường xuyên 9 tháng đầu năm, dự kiến khả năng thực hiện cả năm 2023 chi tiết theo từng lĩnh vực chi được giao. Bên cạnh việc đánh giá các nhiệm vụ chi theo dự toán, tập trung làm rõ các nhiệm vụ chi phát sinh phòng chống thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong năm.

- Kết quả thực hiện các nhiệm vụ bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh (chi tiết theo mục tiêu, bao gồm số bổ sung trong dự toán đầu năm và bổ sung ngoài dự toán): tình hình giải ngân đến 30/9/2023, ước thực hiện năm 2023; kinh phí chưa sử dụng còn tồn cuối năm nộp trả ngân sách tỉnh (nếu có);

- Tình hình thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn năm 2023 theo từng chính sách, có báo cáo cụ thể đối tượng, nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách (có thuyết minh cơ sở xác định, cách tính);

Việc bố trí ngân sách (bao gồm cả số ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách huyện - nếu có) và sử dụng dự phòng NSĐP thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Tình hình sử dụng dự phòng NSĐP đến ngày 30/9/2023 (số đã sử dụng, số còn lại) và dự kiến sử dụng trong 3 tháng cuối năm 2023.

2. Xây dựng dự toán chi NSĐP năm 2024

Các huyện chủ động xây dựng dự toán chi ngân sách năm 2024 trên cơ sở dự toán thu ngân sách huyện theo phân cấp nguồn thu và tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa ngân sách tỉnh và ngân sách huyện theo Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh; số bổ sung cân đối từ ngân sách tỉnh cho ngân sách huyện năm 2024 bằng số dự toán giao năm  2023. Trên cơ sở mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2025 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của địa phương, xây dựng dự toán chi NSĐP chi tiết từng lĩnh vực chi theo quy định của Luật NSNN, đảm bảo ưu tiên bố trí đủ dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ đã cam kết, chế độ chính sách đã ban hành.

a) Dự toán chi đầu tư phát triển:

Căn cứ quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, và các văn pháp luật có liên quan, xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của địa phương:

- Dự toán chi đầu tư từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước của ngân sách tỉnh phân cấp cho ngân sách thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà theo Nghị quyết số 34/2021/NQ-HDND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh; vốn bổ sung có mục tiêu theo Nghị quyết số 05/2021/NQ-HDND ngày 26/4/2021 của HĐND tỉnh về quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSĐP giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.   

- Dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn thu tiền sử dụng đất theo quy định; ưu tiên bố trí để giải phóng mặt bằng, đầu tư tạo quỹ đất bán đấu giá, phục vụ tái định cư sau đó mới bố trí các nhiệm vụ đầu tư phát triển khác.

b) Dự toán chi thường xuyên:

Dự toán chi NSĐP được xây dựng căn cứ các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021-2025 theo các Nghị quyết của Đảng, HĐND các cấp; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSĐP năm 2021 theo Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn.

 - Xây dựng dự toán chi ngân sách huyện chi tiết theo từng lĩnh vực chi theo quy định của Luật NSNN, đảm bảo ưu tiên bố trí đủ dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ đã cam kết, chế độ chính sách chế độ Nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội, các chính sách cho người dân; các đề án, nhiệm vụ theo phê duyệt của cấp thẩm quyền.

- Dự toán chi về quỹ lương ngạch bậc, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo chế độ quy định theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng.

- Năm 2024, tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở tăng thêm theo quy định, trong đó: tiếp tục thực hiện cơ chế tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); nguồn tăng thu ngân sách huyện (không kể thu tiền sử dụng đất; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã), bao gồm 70% tăng thu thực hiện so dự toán năm 2023, 50% tăng thu dự toán năm 2024 so với dự toán năm 2023 được HĐND tỉnh giao; nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 còn dư; số thu được để lại theo chế độ năm 2024.

- Dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ năm 2024 yêu cầu báo cáo chi tiết theo từng chính sách, chế độ và thuyết minh cơ sở xác định, cách tính.

c) Dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh cho NS cấp huyện:

- Dự toán kinh phí mục tiêu sự nghiệp do Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương; các nhiệm vụ chi do HĐND, UBND tỉnh ban hành chưa được dự toán trong định mức các lĩnh vực chi;

          - Dự toán chi hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ, nhu cầu vốn cho công tác, sửa chữa lớn trụ sở và hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; mua sắm, tăng cường cơ sở vật chất của các ngành, lĩnh vực.

  d) Các huyện thực hiện lập dự toán chi từ nguồn thu được để lại theo quy định tại Thông tư 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ, nhưng không tổng hợp vào dự toán chi ngân sách của các địa phương năm 2023.

đ) Xây dựng dự toán chi các chương trình mục tiêu quốc gia:

 Căn cứ Luật NSNN, Luật Đầu tư công, trên cơ sở các Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, quy định phân công, phân cấp quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 39/2022/QĐ-UBND ngày 18/8/2022 của UBND tỉnh, các văn bản hướng dẫn triển khai, số kiểm tra được thông báo, khả năng thực hiện năm 2023, UBND các huyện xây dựng dự toán chi ngân sách năm 2024, chi tiết nhiệm vụ chi ĐTPT, chi thường xuyên theo từng lĩnh vực chi, nguồn NSTW, NS tỉnh, NS huyện, nguồn lồng ghép các chương trình, đề án khác, các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có) gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chủ quản chương trình cùng báo cáo dự toán NSNN năm 2024.

3. Về số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách huyện năm 2024:

Số dự toán bổ sung cân đối từ ngân sách tỉnh cho ngân sách huyện bằng với số dự toán được HĐND tỉnh giao năm 2023. Riêng số kiểm tra dự toán thu, chi cân đối ngân sách huyện năm 2024, sau khi thống nhất số dự kiến giao thu với Cục Thuế tỉnh, Sở Tài chính sẽ có thông báo sau.

 Trong quá trình huyện xây dựng dự toán thu, đối với các khoản thu tại xã, thu khác ngân sách, thu phí lệ phí: đề nghị UBND các huyện có báo cáo đánh giá, phân tích chi tiết từng nội dung cụ thể dựa trên số thực hiện các năm 2021, 2022, ước thực hiện năm 2023 làm cơ sở thuyết minh để Sở Tài chính có cơ sở xem xét, giao dự toán năm 2024 phù hợp.

III. Về hệ thống biểu mẫu lập dự toán:

Dự toán được lập theo hệ thống biểu mẫu tối thiểu đính kèm công văn này (file điện tử được cập nhật trên Website của Sở Tài chính) và các biểu mẫu bổ sung theo quy định của Luật NSNN và các biểu thuyết minh chi tiết khác.

IV. Tổ chức thực hiện:

Sở Tài chính đề nghị UBND các huyện chỉ đạo Phòng Tài chính Kế hoạch phối hợp với Chi cục thuế và các đơn vị liên quan lập, tổng hợp dự toán của ngân sách cấp mình gửi Sở Tài chính trước ngày 29 tháng 9 năm 2023.

Sở Tài chính hướng dẫn để UBND các huyện biết, thực hiện./.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 109
Chung nhan Tin Nhiem Mang