Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Đại biểu Quốc hội chất vấn về quản lý, sử dụng vốn ODA
Ngày cập nhật 17/08/2019

Ngày 15/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 và tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Cùng với các bộ trưởng, trưởng ngành, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Hoàn thiện thể chế về thu hút, quản lý, sử dụng ODA

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Báo cáo về nội dung quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 ngày 5/10/2018 của UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/1/2019 về một số nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài. Các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, tổ chức quán triệt và cụ thể hóa thông qua việc xây dựng kế hoạch trong đó xác định rõ các hoạt động và thời hạn hoàn thành.

Theo đó, công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài đã đạt được các kết quả đáng khích lệ. Hiệu quả các chương trình, dự án đã được nâng cao, các chỉ tiêu nợ công năm 2018 thấp hơn mức dự kiến tại Nghị quyết 01/NQ-CP và báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội. Các mức dư nợ đều thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Quy mô danh mục nợ chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát tốt ở mức 50% GDP, so với mức 52,7% vào năm 2016 và 51,7% vào năm 2017, trong đó nợ nước ngoài chiếm 38,6%, nợ trong nước chiếm 61,4%.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế như tỷ lệ giải ngân còn thấp so với kế hoạch giao. Một số dự án đã ký kết song nhưng chưa được các Bộ, ngành tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân cam kết với nhà tài trợ; chất lượng chuẩn bị dự án chưa đạt yêu cầu, quá trình thực hiện dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư và chi phí, công tác giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng không đầy đủ và kịp thời. Một số dự án vay về cho vay lại có khó khăn trong việc trả nợ.

Thời gian tới, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục rà soát lại hệ thống pháp luật và tình hình thực hiện về nguồn vốn vay nước ngoài; xây dựng chiến lược huy động vốn vay nước ngoài phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 đối với nguồn vốn nước ngoài; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…

Trong đó các giải pháp cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế về thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; đẩy mạnh hài hòa quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ, hoàn thiện khung khổ pháp lý theo hướng tiếp cận tới các chuẩn mực quốc tế. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sau khi Luật Đầu tư công (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, bao gồm thay thế Nghị định số 132/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Tổ chức đánh giá Luật Quản lý nợ công sau 1 năm thực hiện để chủ động xử lý các tồn tại, vướng mắc.

BT TC 1508.jpg

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình rõ thêm về trách nhiệm của Bộ Tài chính
trong quản lý và sử dụng vốn vay ODA. Ảnh: quochoi.vn

Đồng thời, thường xuyên giám sát hạn mức vay ODA và vay ưu đãi cho đầu tư phát triển cho giai đoạn trung hạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội; kịp thời đánh giá những rủi ro có thể ảnh hưởng làm tăng hạn mức và ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước trong trung hạn.

Nhiều dự án ODA đội vốn lớn, chậm tiến độ

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sử dụng vốn vay ODA. Nhấn mạnh việc 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sử dụng vốn ODA đến nay đều chậm tiến độ, đội vốn lớn, đại biểu đặt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm trong quản lý và sử dụng vốn vay ODA và giải pháp thời gian tới.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trước khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực (1/7/2018), những vấn đề về chủ trương đầu tư, ký kết hiệp định, điều chỉnh dự án, phân bổ dự toán…. đều thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý theo sự phân công của Chính phủ. Sau khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực, và kể cả sau Nghị định 132 (Nghị định 132/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) cũng chỉ có một điều được sửa là Bộ Tài chính là đầu mối đàm phán, ký kết các hiệp định.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, điều này chưa thực sự phù hợp với Luật Quản lý nợ công khi đầu mối quản lý chỉ là chức năng đàm phán, ký kết, trong khi việc đầu tư bao gồm rất nhiều khâu, từ chủ trương đầu tư, giao dự toán... Hiện nay, một trong những nguyên nhân giải ngân chậm là giao dự toán chậm, giao kế hoạch cũng chậm. Cùng với đó trong quá trình thực hiện lại điều chỉnh dự án, hay những vấn đề nội tại như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng…. làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. “Chúng tôi cho rằng vấn đề này cần báo cáo thêm với Chính phủ để có bước phân công hợp lý hơn, nhất là khi triển khai Luật Đầu tư công vừa được Quốc hội thông qua, chúng ta cần phải quan tâm vấn đề này”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Liên quan đến việc chậm tiến độ, đội vốn…, Bộ trưởng Tài chính cũng nêu rõ đây trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư, sau đó mới là trách nhiệm các bộ ngành có liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án.

Đội vốn lớn do kinh nghiệm quản lý, năng lực chưa theo kịp

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nguyên nhân chính khiến các dự án đường sắt đô thị ở TP.HCM và Hà Nội đều đang rất chậm tiến độ là do đây là các dự án đường sắt đô thị mà lần đầu tiên Việt Nam thực hiện, nên hiểu biết, kinh nghiệm, năng lực từ tư vấn đến quản lý chưa theo kịp, chưa đáp ứng yêu cầu.

BT KHĐT 1508.jpg

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của Đại biểu về 
các Dự án chậm tiến độ và phải điều chỉnh vốn lớn. Ảnh: quochoi.vn

Do đây là dự án rất lớn, phức tạp, có nhiều vấn đề chưa lường hết nên từ lúc phê duyệt cho đến khi triển khai thực hiện đã điều chỉnh tăng vốn rất lớn. “Như tuyến đường sắt đô thị thứ nhất của TP.HCM là tuyến Bến Thành – Suối Tiên đã tăng từ khoảng 17.000 tỷ lên khoảng 47.000 tỷ đồng. Dự án số hai cũng tăng từ 26.000 lên 47.000 tỷ đồng. Dự án của Hà Nội cũng tăng lên khoảng 40.000 – 50.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng không nên nói ngay là đội vốn mà thực ra là tính chưa hết, chưa đầy đủ. “Vì chưa triển khai nên khái niệm đội vốn cũng ở mức độ. Nguyên nhân chính là do không lường hết quy mô, hạng mục của dự án nên phải điều chỉnh lại”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói. Việc điều chỉnh vốn quy mô lớn của các dự án này đã kéo theo 4 hệ luỵ lớn mà hiện đang phải xử lý là thẩm quyền phê duyệt thế nào, nguồn vốn ở đâu, có vào kế hoạch trung hạn hay không, khả năng cấp phát và vay lại của địa phương.

Về những vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện nay các dự án này đã rõ về thẩm quyền. TP.HCM đang tiến hành thẩm định lại để phê duyệt điều chỉnh lại dự án, trên cơ sở đó thống nhất được với Bộ Tài chính về phương án vay và cấp phát giữa nhà nước và địa phương, nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn cũng đã được cân đối, do vậy có đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện thời gian tới. Tuy nhiên phải chờ TP HCM phê duyệt lại các quyết định điều chỉnh này.

* Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã trả lời câu hỏi đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương về việc sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo Bộ trưởng, sau khi Nghị định 20 ra đời đã phát huy tác dụng rất tốt. Qua thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài chính, cơ quan thuế trong hai năm 2017, 2018 đã giảm lỗ lần lượt là khoảng 37.000 tỷ đồng (năm 2017) và 40.000 tỷ đồng (năm 2018). Việc giảm lỗ này sẽ phân bổ vào các kỳ sau và tạo thêm khoản thu cho ngân sách.

Tại báo cáo của Bộ Tài chính về xây dựng kế hoạch triển khai Luật Quản lý thuế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo sửa Nghị định 20, tập trung vào khoản 3, điều 8. Theo tiến độ, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ vào tháng 12. Song trước tình hình hiện nay, dự kiến Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ trình theo quy trình rút gọn để cố gắng đẩy nhanh tiến độ sửa khoản 3, điều 8, Nghị định 20. “Khoản này sẽ được sửa triệt để khi chúng ta sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm.

QH

(Theo mof.gov.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
 
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.311.767
Truy câp hiện tại 245
Chung nhan Tin Nhiem Mang